Tai nạn giao thông (TNGT) gây ra nhiều tổn thất về người và tài sản, để lại hậu quả nặng nề đối với nạn nhân, gia đình và xã hội. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến TNGT, song nguyên nhân chủ yếu nhất vẫn là ý thức của người tham gia GT còn kém. Do vậy, để giảm thiểu nguy cơ TNGT, vấn đề quan trọng hàng đầu là nâng cao ý thức của người tham gia GT.
Tai nạn giao thông (TNGT) gây ra nhiều tổn thất về người và tài sản, để lại hậu quả nặng nề đối với nạn nhân, gia đình và xã hội. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến TNGT, song nguyên nhân chủ yếu nhất vẫn là ý thức của người tham gia GT còn kém. Do vậy, để giảm thiểu nguy cơ TNGT, vấn đề quan trọng hàng đầu là nâng cao ý thức của người tham gia GT.
Một shipper vừa lái xe, vừa sử dụng điện thoại. |
Thực tế cho thấy, phần lớn các vụ TNGT đều bắt nguồn từ các hành vi mất an toàn của người tham gia GT. Đó là tình trạng lái xe không đúng phần đường, làn đường, đi ngược chiều; chạy lạng lách, hụ ga, chạy “bốc đầu”; không tuân thủ biển báo chỉ dẫn, tốc độ, quy tắc nhường đường; không bảo đảm giữ khoảng cách an toàn…
Lái xe gắn máy không đội nón bảo hiểm hoặc có đội nón bảo hiểm nhưng chỉ để đối phó. Sử dụng xe máy điện, xe mô tô/xe máy chưa đủ tuổi được phép lái xe, chưa được trang bị kiến thức về luật, cũng như kỹ năng xử lý tình huống khi tham gia GT, có trường hợp điều khiển cả xe gắn máy, chạy hàng 2, hàng 3.
Cũng không khó bắt gặp xe gắn máy kéo đẩy xe khác, chở hàng hóa cồng kềnh, xe thô sơ vận chuyển sắt thép, tôn có chiều dài quá khổ. Thực tế đã có trường hợp gây tai nạn chết người từ việc chuyên chở những tấm tôn, thanh sắt. Hoặc xe tải chở vật liệu xây dựng làm rơi vãi cát đất trên đường, gây ô nhiễm môi trường, gây ách tắc cục bộ do xe ra vào công trình.
Vừa lái xe, vừa sử dụng điện thoại xảy ra khá phổ biến, nhiều nhất ở người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy. Tình trạng đã sử dụng rượu bia lái xe gần đây tuy có giảm, nhưng vẫn còn xảy ra. Đó là những hành vi vi phạm pháp luật và là một trong những nguy cơ hàng đầu dẫn đến các vụ TNGT.
Sử dụng đèn không đúng quy định như không mở xi nhan khi chuyển làn, rẽ trái phải, dừng đỗ hoặc bật đèn xin rẽ trái nhưng lại rẽ phải. Sau khi rẽ lại quên tắt xi nhan hoặc vừa bật đèn xi nhan liền điều khiển phương tiện qua đường. Bức xúc hơn, gần đây tình trạng lạm dụng mở đèn khẩn cấp khá phổ biến khi vào vòng xuyến hay qua ngã tư, làm cho người tham gia GT di chuyển từ phía sau rất khó xử lý. Đặc biệt hơn là về đêm có nhiều xe đã “độ” đèn led gây chóa mắt, đôi lúc còn mở đèn pha, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra va quẹt, tai nạn cho người di chuyển theo chiều ngược lại.
Vượt đèn đỏ tại các chốt đèn ở ngã 3, ngã 4 khi không có lực lượng chức năng vẫn còn xảy ra, chủ yếu là xe gắn máy. Tại đây, cũng gặp tình trạng dừng xe chiếm mất phần đường dành cho xe 2 bánh được phép rẽ phải khi đèn đỏ, nên xuất hiện tình trạng sử dụng còi xin đường in ỏi.
Có trường hợp ô tô sử dụng còi quá to, làm cho người tham gia GT giật mình chao đảo tay lái, ngã xuống đường, rất nguy hiểm. Cũng có tình trạng xe mô tô, gắn máy bóp còi liên tục ở những nơi ùn tắc, đông người để xin vượt, rất phản cảm.
Tình trạng vứt chai lọ, bọc rác từ trên ô tô xuống lòng đường hoặc phun nước bọt tùy tiện, mất vệ sinh và có nguy cơ gây nguy hiểm cho người tham gia GT cùng chiều.
Sử dụng phương tiện không bảo đảm an toàn kỹ thuật, để xảy ra sự cố, tai nạn, làm ách tắc GT vẫn còn. Người đi bộ, xe đạp qua đường thiếu quan sát, đi ngang qua dãy phân cách, băng qua các ngã 4, các chốt đèn mà không quan sát đến tính hiệu đèn, biển báo chỉ dẫn, gây cản trở GT và vô cùng nguy hiểm.
Quay đầu xe nơi đường hẹp, khu vực đô thị, đông dân cư, trường học gây cản trở, ách tắc GT cục bộ. Đỗ xe sai quy định, chiếm lòng đường, trên vỉa hè, bên trái đường 1 chiều hoặc trên đường 2 chiều hẹp mà không giữ khoảng cách giữa 2 xe theo quy định, gây cản trở GT. Tình trạng mở cửa ô tô thiếu quan sát gây tai nạn, thậm chí có trường hợp nguy hiểm đến tính mạng…
Chở hàng hóa cồng kềnh tiềm ẩn nguy cơ mất ATGT. |
Thực tế cho thấy, không khó để chứng kiến những hành vi mất ATGT. Do đó, để giảm thiểu nguy cơ TNGT cần tuyên truyền nâng cao nhận thức tham gia GT của mỗi người, bắt đầu từ những hành động nhỏ nhất, tuân thủ nghiêm luật GT và các quy định an toàn khi tham gia GT.
Bên cạnh, cần quan tâm quy hoạch và đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng GT đồng bộ, hợp lý; nâng cấp, hoàn thiện hệ thống trang thiết bị biển báo, chốt đèn tín hiệu bảo đảm rõ ràng, dễ hiểu, dễ quan sát, phù hợp và đúng kỹ thuật; ứng dụng công nghệ mới, tiên tiến để nâng cao hiệu quả công tác quản lý, điều hành, điều tiết GT; công tác tổ chức thi, cấp giấy phép lái xe, kiểm định phải thật sự thực chất, bảo đảm chất lượng.
Một khi ý thức, trách nhiệm và tính tự giác chấp hành các quy định và luật GT của người dân được nâng lên, thì nét đẹp văn hóa GT sẽ hình thành và phát triển. Những hành vi có nguy cơ mất ATGT và TNGT sẽ được ngăn chặn, kéo giảm và đẩy lùi, góp phần xây dựng văn hóa GT trong cộng đồng.
Ủy ban ATGT quốc gia kêu gọi thực hiện quy ước “4 không, 3 có” khi tham gia GT. Theo đó, “4 không” gồm: không uống rượu bia, phóng nhanh vượt ẩu, vượt đèn đỏ, vận hành phương tiện không đủ giấy tờ quy định; không lấn chiếm vỉa hè, lòng đường, hành lang bảo vệ ATGT; không có thói hư tật xấu trong ứng xử với mọi người cùng tham gia GT cũng như khi xảy ra TNGT; không để xảy ra tai nạn khi tham gia GT. “3 có” gồm: có hiểu biết đầy đủ pháp luật về GT; có ý thức trách nhiệm cao nhất với bản thân và cộng đồng; có hành vi ứng xử văn hóa, hợp tác giúp đỡ người bị TNGT. |
Bài, ảnh: HỒNG THANH
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin