Tội phạm lợi dụng công nghệ Deepfake (sử dụng trí tuệ nhân tạo để giả mạo hình ảnh, giọng nói) để tạo ra các đoạn video với hình ảnh, khuôn mặt, giọng nói như người thật nhằm mục đích lừa đảo. Đây là thủ đoạn tinh vi, cơ quan công an khuyến cáo người dân nên cảnh giác.
(VLO) Tội phạm lợi dụng công nghệ Deepfake (sử dụng trí tuệ nhân tạo để giả mạo hình ảnh, giọng nói) để tạo ra các đoạn video với hình ảnh, khuôn mặt, giọng nói như người thật nhằm mục đích lừa đảo. Đây là thủ đoạn tinh vi, cơ quan công an khuyến cáo người dân nên cảnh giác.
Thủ đoạn tinh vi
Theo Công an tỉnh Vĩnh Long, tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng gần đây có chiều hướng giảm nhưng còn diễn biến phức tạp.
Một số phương thức thủ đoạn lừa đảo phổ biến như: giả mạo trang thông tin điện tử của cơ quan, doanh nghiệp để đánh cắp, chiếm đoạt thông tin cá nhân; tuyển cộng tác viên bán hàng online; chiếm quyền truy cập mạng xã hội để nhắn tin lừa đảo; giả danh cơ quan công an, viện kiểm sát, tòa án đe dọa, yêu cầu chuyển tiền,…
Tuy nhiên, trước sự cảnh giác của người dân với thủ đoạn lừa đảo vừa nêu, tội phạm công nghệ cao đã tinh vi hơn bằng cách sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo giả mạo hình ảnh, giọng nói (công nghệ Deepfake) bắt chước hành vi của con người nhằm mục đích thu thập thông tin trái phép.
Theo đó, sau khi xác định mục tiêu, tội phạm sử dụng trí tuệ nhân tạo để so sánh ảnh người dùng trên các nền tảng khác nhau.
Tiếp đến, chúng tạo ra các hình ảnh, âm thanh, video giả mạo làm cho bị hại tin tưởng mình đang tương tác với người quen, từ đó giúp chúng dễ dàng thực hiện hành vi lừa đảo.
Deepfake ngoài được dùng để nhằm phục vụ mục đích tốt, đã bị một số thành phần sử dụng cho mục đích xấu như lừa đảo, giả mạo, bôi nhọ, tin giả.
Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia (thuộc Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin- TT) cho biết đã nhận được báo cáo về những vụ lừa đảo bằng hình thức này từ năm 2022.
Kẻ xấu lợi dụng công nghệ để tạo ra hình ảnh sao chép giọng nói, bắt đầu từ việc chiếm đoạt tài khoản mạng xã hội, sau đó nghiên cứu tin nhắn, cách xưng hô, lịch sử giao dịch,… để tạo ra những cuộc gọi giả và lừa tiền người thân, bạn bè của chủ tài khoản bị chiếm đoạt hoặc gọi điện trực tiếp tới bị hại để dựng lên những tình huống khẩn cấp cần chuyển tiền.
Thực tế, nếu cảnh giác và tinh ý, người dân có thể nhận ra dấu hiệu của tội phạm sử dụng Deepfake.
Theo Công an tỉnh Vĩnh Long, đó là: khẩu hình miệng không đồng bộ với lời nói, hiện lên các đồ vật kỹ thuật số trong hình ảnh, nhân vật nói liên tục và không chớp mắt, video nhấp nháy lạ thường, âm thanh hoặc video chất lượng thấp, màu da nhân vật thay đổi liên tục, chuyển động giật cục như một đoạn video lỗi, ánh sáng thay đổi liên tục từ khung hình này sang khung hình tiếp theo.
Để che lắp các lỗi nêu trên, các đối tượng thường tạo ra các video với âm thanh khó nghe, hình ảnh không rõ nét như bị tình trạng tín hiệu chập chờn.
Nâng cao cảnh giác
Để ngăn chặn tình trạng này, Công an tỉnh Vĩnh Long khuyến cáo người dùng mạng xã hội hạn chế quyền truy cập giọng nói, hình ảnh, bởi những kẻ lừa đảo cần các bản ghi âm, hình ảnh hoặc cảnh quay để tạo ra những sản phẩm giả.
Đồng thời, để ngăn chặn dữ liệu hình ảnh, âm thanh bị sao chép, chủ tài khoản nên hạn chế sự hiện diện của cá nhân trên mạng xã hội hoặc chỉ cho phép hiển thị ở chế độ riêng tư và chỉ chấp nhận yêu cầu từ những người tin tưởng.
Đối với tài khoản mạng xã hội, cần đặt mật khẩu mạnh (trên 8 ký tự, có chữ in hoa, chữ thường, ký tự đặc biệt), mật khẩu 2 lớp. Mỗi tài khoản sử dụng mật khẩu khác nhau và thường xuyên thay đổi.
Khi nhận được đường link lạ từ người thân, bạn bè, không nên vội nhấp vào mà hãy xác minh lại với người đó.
Nếu nhận được một đoạn tin nhắn thoại, đặc biệt là tin nhắn hướng đến mục đích vay tiền hoặc mượn tài sản, dù giọng nói nghe rất quen thuộc và giống thật cũng cần điện thoại cho người đó xác minh.
Trường hợp nhận cuộc gọi hoặc video call yêu cầu chuyển tiền, dù là người thân thiết, người dân cũng cần xem kỹ số điện thoại, email hoặc tài khoản có trùng khớp không, bởi các đối tượng lừa đảo sẽ yêu cầu chuyển tiền sang tài khoản thứ ba hoặc tài khoản có tên tương tự.
Công an tỉnh khuyến cáo thêm: không cài bất cứ phần mềm lạ nào vào điện thoại do những người không quen biết hướng dẫn. Cảnh giác cuộc gọi từ số máy lạ, nhất là các đầu số nước ngoài.
Tuyệt đối không cung cấp số điện thoại, thông tin cá nhân cho bất kỳ cá nhân, tổ chức nào khi chưa biết họ là ai và sử dụng vào mục đích gì.
Trường hợp nghi vấn đối tượng giả mạo người thân trên mạng xã hội để lừa đảo chiếm đoạt tài sản, cần báo ngay cho cơ quan công an nơi gần nhất để được hỗ trợ, xử lý kịp thời.
NGUYỄN THỊNH
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin