Thỏa thuận chuyển nhượng quyền sử dụng đất (QSDĐ) giữa hai chị em, do tin tưởng nên không thực hiện các thủ tục theo quy định của pháp luật dẫn đến tranh chấp kéo dài.
(VLO) Thỏa thuận chuyển nhượng quyền sử dụng đất (QSDĐ) giữa hai chị em, do tin tưởng nên không thực hiện các thủ tục theo quy định của pháp luật dẫn đến tranh chấp kéo dài.
TAND huyện Vũng Liêm vừa đưa vụ “Tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ” ra xét xử theo trình tự sơ thẩm. Nguyên đơn là vợ chồng chị N.T.N.L., còn bị đơn là chị N.T.R. và anh T.V.D..
Theo trình bày của chị L., tháng 7/2020, vợ chồng chị có nhận chuyển nhượng thửa đất diện tích hơn 3.000m2 của chị ruột là chị R. với giá 200 triệu đồng.
Do tin tưởng “chỗ chị em trong nhà” nên đôi bên không thực hiện các thủ tục theo quy định pháp luật mà chỉ làm giấy tay nội dung “tờ sang nhượng đất ruộng”.
Sau khi nhận chuyển nhượng, vợ chồng chị L. canh tác đến năm 2021 thì có ý định sang tên, tách thửa nhưng chị R. không đồng ý và muốn chuộc lại phần đất trên.
Tại tòa, chị L. yêu cầu vô hiệu hóa hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ viết tay, đồng thời, chị R. phải trả lại giá trị đất tính theo giá thị trường là hơn 343 triệu đồng. Trong khi đó, chị R. cho rằng, sau khi làm giấy tay, chị đã giao giấy chứng nhận QSDĐ cho chị L. giữ kèm theo thỏa thuận 3 năm sau chuộc lại đất.
Vì lý do này mà đôi bên không thực hiện thủ tục chuyển nhượng QSDĐ. Đồng thời, chị R. giữ quan điểm được chuộc lại đất với giá 200 triệu đồng, không đồng ý với giá mà em mình đưa ra.
Qua trình bày của các đương sự, HĐXX nhận định, giấy viết tay nội dung “tờ sang nhượng đất ruộng” không lập thành văn bản chuyển nhượng QSDĐ theo quy định của pháp luật, không có chứng thực của UBND xã nơi có đất, cũng không có công chứng chứng thực nhưng vợ chồng chị R. ký tên vào nên vi phạm về mặt hình thức theo quy định tại Điều 502 Bộ luật Dân sự.
Trong khi đó, theo quy định tại khoản 1, Điều 129 Bộ luật Dân sự thì “Giao dịch dân sự đã được xác lập theo quy định phải bằng văn bản nhưng văn bản không đúng quy định của luật mà một bên hoặc các bên đã thực hiện ít nhất hai phần ba nghĩa vụ trong giao dịch thì theo yêu cầu của một bên hoặc các bên tòa án công nhận hiệu lực của giao dịch đó”.
Cũng theo quy định pháp luật, khi giao dịch dân sự vô hiệu thì các bên khôi phục lại tình trạng ban đầu, hoàn trả cho nhau những gì đã nhận, bên có lỗi gây thiệt hại thì phải bồi thường.
Xét lỗi trong vụ án này thuộc về phía bị đơn vì nguyên đơn là bên nhận chuyển nhượng đã thực hiện xong nghĩa vụ của mình, đã giao đủ số tiền cho bên chuyển nhượng.
Mặt khác, bên chuyển nhượng đã nhận đủ tiền nhưng không làm thủ tục đăng ký đất đai cho bên nhận chuyển nhượng là vi phạm pháp luật.
Do đó, việc chị L. yêu cầu vợ chồng chị R. có nghĩa vụ trả lại hơn 343 triệu đồng giá trị đất tính theo giá thị trường là có cơ sở chấp nhận.
Vì vậy, HĐXX tuyên vô hiệu hóa hợp đồng viết tay “tờ sang nhượng đất ruộng”, buộc vợ chồng chị L. trả cho vợ chồng chị R. phần đất trên kèm theo giấy chứng nhận QSDĐ. Về phía vợ chồng chị R. có trách nhiệm phải trả cho vợ chồng chị L. hơn 343 triệu đồng.
TRUNG HƯNG
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin