Lập hợp đồng tặng cho nhà đất thuộc tài sản hộ gia đình rồi mang đi thế chấp vay tiền nhưng các thành viên đồng sở hữu không biết dẫn đến tranh chấp, khiếu kiện từ năm 2019 đến nay chưa thể giải quyết.
Lập hợp đồng tặng cho nhà đất thuộc tài sản hộ gia đình rồi mang đi thế chấp vay tiền nhưng các thành viên đồng sở hữu không biết dẫn đến tranh chấp, khiếu kiện từ năm 2019 đến nay chưa thể giải quyết.
Phần đất diện tích 52,6m2 và căn nhà cấp 3 gắn liền trên đất là tài sản chung do vợ chồng bà L.B. (ở TX Bình Minh) tạo lập trong thời kỳ hôn nhân và được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng hộ gia đình vào năm 2004.
Tháng 5/2019, bà B. bất ngờ khi cán bộ tòa án đến định giá nhà đất gia đình bà đang ở. Hỏi ra mới biết con trai là H.Q.Q. đã đứng tên nhà đất nói trên từ hợp đồng tặng cho tài sản, có chữ ký của chồng bà là ông H.B.H. từ năm 2008. Đầu năm 2019, anh Q. thế chấp phần đất trên để vay tiền thông qua hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất (QSDĐ). Sau 3 tháng, anh Q. không có tiền trả nên nhà đất liên tiếp bị sang tên cho nhiều người và đã được cơ quan chức năng chỉnh lý chủ sở hữu trên mặt 3 giấy chứng nhận QSDĐ. Sau đó, người được công nhận chủ sở hữu đã gửi đơn kiện yêu cầu gia đình bà B. phải giao trả nhà đất.
Do đây là tài sản chung của gia đình, hơn nữa thời điểm anh Q. lập hợp đồng cha cho con nhà đất thì ông H. đang bệnh, không có ký tên vào hợp đồng tặng cho tài sản nên bà B. không đồng ý giao nhà đất và yêu cầu tòa vô hiệu các hợp đồng chuyển nhượng của những người có liên quan đối với tài sản của gia đình bà.
Quá trình giải quyết vụ kiện, anh Q. thừa nhận chữ ký trong hợp đồng tặng cho tài sản không phải của ông H. mà do người khác ký nhưng không cung cấp được chứng cứ chứng minh. Do đó, tại phiên tòa sơ thẩm, HĐXX đã buộc bà B. cùng con cháu phải di dời tài sản để giao nhà đất cho người khởi kiện theo giấy chứng nhận QSDĐ và sở hữu nhà ở mà người này đã được cấp.
Cho rằng phán quyết trên là chưa đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của các thành viên trong gia đình nên bà B. kháng cáo. Viện KSND tỉnh Vĩnh Long cũng có kháng nghị hủy án sơ thẩm để giải quyết lại từ đầu.
Tại cấp phúc thẩm, đại diện ủy quyền của bà B. yêu cầu giám định chữ ký của ông H. và anh Q. để xác định hợp đồng tặng cho nhà đất mà anh Q. được đứng tên là trái pháp luật. Theo đó, kết quả giám định ngày 15/9 của Phân viện Kỹ thuật hình sự tại TP Hồ Chí Minh kết luận chữ ký và chữ viết họ tên của ông H. trên tài liệu mẫu và trong hợp đồng tặng cho QSDĐ ngày 9/5/2008 không phải do cùng một người viết ra.
Ngoài ra, trên hợp đồng tặng cho tài sản giữa ông H. với anh Q. và các hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ giữa anh Q. với những người liên quan đều không thể hiện có tặng cho, chuyển nhượng căn nhà cấp 3 bà B. đang ở. Thời điểm các bên ký liên tiếp các hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ thì đã có căn nhà cấp 3 của bà B. nhưng những người nhận chuyển nhượng và cơ quan chức năng thực hiện thủ tục chỉnh lý mặt 3 trên giấy chứng nhận QSDĐ không đến nơi để xem xét hiện trạng đất. Việc bà B. cùng con cháu đang sinh sống trên đất nhưng khi các bên ký hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ lại không có ý kiến của bà B. là chưa đảm bảo quyền lợi của bà B. và các thành viên trong hộ gia đình bà. Điều đáng nói là khi tranh chấp đang được tòa thụ lý thì nhà đất bà B. đang ở được bên thứ 3 tiếp tục mang đi chuyển nhượng và người mua sau đã được đứng tên trên mặt 3 giấy chứng nhận QSDĐ.
Do các bên không thể hiện việc chuyển nhượng căn nhà cấp 3 của bà B. gắn liền trên đất nên cần xem xét lại tính hiệu lực của các hợp đồng chuyển nhượng. Trường hợp phải vô hiệu các hợp đồng, cần làm rõ trách nhiệm bồi thường thiệt hại của những người liên quan, đặc biệt là quyền lợi của bà B. và các thành viên trong gia đình bà. Do đó, HĐXX cấp phúc thẩm đã tuyên hủy toàn bộ án sơ thẩm, giao hồ sơ cho tòa cấp sơ thẩm giải quyết lại vụ án theo quy định của pháp luật.
DIỄM PHƯỢNG
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin