Sau hơn 2 năm kiện tụng, đôi bên vốn là hàng xóm của nhau đã thỏa thuận được số tiền bồi hoàn nên làm hòa ngay tại tòa, được HĐXX ghi nhận.
Sau hơn 2 năm kiện tụng, đôi bên vốn là hàng xóm của nhau đã thỏa thuận được số tiền bồi hoàn nên làm hòa ngay tại tòa, được HĐXX ghi nhận.
Trong đơn gửi TAND TP Vĩnh Long, chị N.N.H. trình bày: Năm 2009, mẹ chị nhận chuyển nhượng phần đất diện tích 33,4m2 của bà N.T.L. bằng giấy viết tay, có con bà L. chứng kiến và trưởng khóm xác nhận. Sau đó, mẹ chị xây nhà ở trên phần đất này nhưng chưa đăng ký tách thửa. Đến năm 2013, mẹ chị bị tai nạn qua đời nên chị tiếp tục ở tại nhà và đất nói trên.
Năm 2014, bà L. tiếp tục chuyển nhượng toàn bộ diện tích đất còn lại cho chị H.T.B.C. và có nói đã bán 33,4m2 đất cho mẹ chị H.. Tuy nhiên, khi đăng ký sang tên thì chị C. đã đứng tên luôn phần đất chị H. đang ở. Năm 2020, chị H. yêu cầu chị C. cho tách thửa để đăng ký quyền sử dụng đất (QSDĐ) nhưng chị C. không đồng ý dẫn đến tranh chấp.
Chị C. cho rằng thửa đất chị nhận chuyển nhượng giáp ranh với đất của ông ngoại chị H.. Trước đó, bà L. đã chuyển nhượng thửa đất này cho cha chị nhưng không đăng ký QSDĐ được vì trong diện quy hoạch. Đến năm 2014, đất không còn thuộc quy hoạch thì bà L. mới làm thủ tục chuyển nhượng cho chị, có lập hợp đồng và công chứng, sau đó chị đã được cấp QSDĐ đúng quy định. Chị C. không biết việc bà L. chuyển nhượng 33,4m2 đất cho mẹ chị H. nên gia đình chị H. nhận chuyển nhượng đất của ai thì tranh chấp với người đó. Hiện căn nhà chị H. đang ở là do cơi nới lấn qua đất của chị nên không đồng ý cho chị H. tách thửa đứng tên phần đất 33,4m2 đang tranh chấp.
Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là con bà L. xác nhận: Năm 2009, bà L. có chuyển nhượng cho mẹ chị H. phần đất, vị trí là căn nhà chị H. đang sinh sống, có làm giấy tay và được trưởng khóm ký xác nhận. Phần đất này nằm ngoài hàng rào không thuộc diện tích đất bà L. chuyển nhượng cho chị C., việc này hàng xóm xung quanh đều biết. Còn việc mẹ chị H. không lập thủ tục đăng ký QSDĐ sau khi chuyển nhượng là do hoàn cảnh khó khăn, không có tiền đóng các khoản thuế, phí sử dụng đất theo quy định.
Tại buổi hòa giải ở UBND phường, chị C. đồng ý cho chị H. tách thửa phần đất 33,4m2 nhưng khi cán bộ đến đo đạc thì chị C. không đồng ý. Do đó, từ năm 2020, đôi bên cứ tới lui hầu tòa để giải quyết chuyện tranh chấp.
Tại phiên tòa sơ thẩm, HĐXX đã công nhận cho chị H. được quyền sử dụng phần đất 33,4m2 và ghi nhận sự tự nguyện của chị H. là bồi hoàn giá trị đất cho chị C. hơn 9 triệu đồng. Tuy nhiên, chị C. không đồng ý nên đã kháng cáo.
Tại phiên tòa phúc thẩm, đôi bên không còn gay gắt chuyện thắng thua mà đã ngồi lại thỏa thuận cách giải quyết theo hướng cùng có lợi trước sự chứng kiến của HĐXX. Theo đó, chị C. giao cho chị H. tiếp tục quản lý, sử dụng và đăng ký QSDĐ diện tích 33,4m2. Ngược lại, chị H. có trách nhiệm trả giá trị đất cho chị C. tương đương 60 triệu đồng. Án phí mỗi bên chịu một nửa; chị H. chịu chi phí khảo sát, đo đạc, định giá cấp sơ thẩm; còn chị C. chịu chi phí định giá cấp phúc thẩm. Đây là cách giải quyết hợp tình hợp lý nhưng đôi bên đã không ngồi lại thỏa thuận từ đầu để tránh mất thời gian, công sức kiện tụng.
Xét việc thỏa thuận nêu trên là do đôi bên tự nguyện, phù hợp với quy định pháp luật và không trái đạo đức xã hội nên HĐXX đã ghi nhận. Sau phiên tòa, chị H. và chị C. được quyền liên hệ cơ quan có thẩm quyền để đăng ký điều chỉnh và cấp giấy chứng nhận QSDĐ theo quy định pháp luật.
DIỄM PHƯỢNG
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin