Mất nhà do vay tiền nhưng ký hợp đồng chuyển nhượng

12:12, 16/12/2022

Người đứng tên tài sản cho rằng ký hợp đồng chuyển nhượng nhà đất là để vay tiền nhưng không đưa ra được chứng cứ chứng minh nên bị buộc phải di dời giao lại tài sản cho bên nhận chuyển nhượng.

(VLO) Người đứng tên tài sản cho rằng ký hợp đồng chuyển nhượng nhà đất là để vay tiền nhưng không đưa ra được chứng cứ chứng minh nên bị buộc phải di dời giao lại tài sản cho bên nhận chuyển nhượng.

Trong đơn gửi TAND TP Vĩnh Long, chị N.T.T.T. trình bày: Ngày 28/5/2019, chị T. có nhận chuyển nhượng của vợ chồng chị N.T.M.H. thửa đất diện tích 125,3m2, loại đất trồng cây lâu năm và căn nhà cấp 4 gắn liền trên đất với giá 100 triệu đồng.

Chị T. đã hoàn tất thủ tục sang tên và được xác nhận đứng tên mặt 4 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (QSDĐ) vào ngày 30/12/2019.

Sau khi chuyển nhượng, vợ chồng chị H. xin lưu cư đến tháng 2/2020 sẽ giao nhà đất nhưng hết thời hạn thỏa thuận vẫn không thực hiện.

Do đó, chị T. khởi kiện yêu cầu vợ chồng chị H. di dời tài sản trả lại QSDĐ và nhà. Chị T. sẽ hỗ trợ cho vợ chồng chị H. chi phí di dời 30 triệu đồng.

Chị H. không đồng ý với lý do vợ chồng chị có ký hợp đồng chuyển nhượng nhà đất nhưng thực chất là thế chấp để vay tiền.

Cụ thể, vào khoảng tháng 5/2019, chị H. vay của chị T. 50 triệu đồng nhưng đôi bên lại làm hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ và nhà.

Vài tháng sau, vợ chồng chị H. vay tiếp của chị T. 50 triệu đồng, tổng cộng vốn vay 100 triệu đồng, lãi suất 5%/tháng, thời hạn vay 1 năm. Hiện tiền gốc vợ chồng chị H. chưa trả, còn tiền lãi có đóng được mấy tháng nhưng không nhớ là bao nhiêu.

Chị H. không đồng ý giao nhà đất và yêu cầu hủy hợp đồng chuyển nhượng ngày 28/5/2019. Chị sẽ trả lại cho chị T. 100 triệu đồng cùng lãi suất theo thỏa thuận.

Sau khi nghiên cứu các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và kết quả thẩm tra tại tòa, HĐXX nhận định: Chị H. yêu cầu hủy hợp đồng chuyển nhượng nhà đất ngày 28/5/2019 và trả lại cho chị T. tiền vốn vay 100 triệu đồng cùng lãi suất.

Đây là yêu cầu phản tố của bị đơn nên ngày 31/3/2021, tòa đã ra thông báo yêu cầu chị H. nộp đơn phản tố và cung cấp tài liệu chứng cứ liên quan nhưng đến nay chị H. vẫn không thực hiện.

Quá trình giải quyết vụ kiện, chị H. thừa nhận có ký hợp đồng chuyển nhượng nhà đất cho chị T. nhưng cho rằng chỉ là hợp đồng giả tạo nhằm mục đích để chị T. cho vay 100 triệu đồng.

Tuy nhiên, tòa đã có thông báo cho chị H. cung cấp chứng cứ để chứng minh hợp đồng chuyển nhượng nhà đất là giả mạo nhưng chị H. không cung cấp. Tòa cũng đã nhiều lần mời vợ chồng chị H. đến hòa giải để làm rõ nội dung vụ án nhưng cả 2 người đều không đến.

Xét về nội dung và hình thức của hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ giữa chị T. và vợ chồng chị H. là đúng quy định, phù hợp với Điều 502 Bộ luật Dân sự.

Vợ chồng chị H. đã vi phạm nghĩa vụ giao nhà đất nên việc chị T. yêu cầu vợ chồng chị H. di dời tài sản trả lại QSDĐ và nhà là có căn cứ nên được chấp nhận.

Do đó, HĐXX đã tuyên chấp nhận yêu cầu khởi kiện của chị T., buộc vợ chồng chị H. và 2 con di dời tài sản giao lại cho chị T. căn nhà gắn liền với đất. Chị T. có nghĩa vụ trả cho vợ chồng chị H. chi phí di dời và cây trồng trên đất tổng cộng hơn 32,6 triệu đồng.

Chuyện vay tiền nhưng ký hợp đồng chuyển nhượng tài sản được xem là yêu cầu không thể từ chối của những người đang có nhu cầu vay. Tuy nhiên, phía sau hợp đồng chuyển nhượng giả tạo ấy là phần thiệt mà người vay luôn nhận lấy và câu chuyện của vợ chồng chị H. là minh chứng điển hình.

DIỄM PHƯỢNG

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh