Đang làm thủ tục ly hôn nhưng anh N.T.B. (ở TP Vĩnh Long) lại ký hợp đồng đặt cọc chuyển nhượng nhà đất là tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân dẫn đến không thể ký hợp đồng chuyển nhượng nên bị kiện.
Đang làm thủ tục ly hôn nhưng anh N.T.B. (ở TP Vĩnh Long) lại ký hợp đồng đặt cọc chuyển nhượng nhà đất là tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân dẫn đến không thể ký hợp đồng chuyển nhượng nên bị kiện.
Ngày 12/7/2019, anh N.T.B. ký hợp đồng đặt cọc quyền sử dụng đất (QSDĐ) và căn nhà cấp 4 gắn liền trên đất với anh N.V.T., giá chuyển nhượng là 250 triệu đồng. Anh T. đặt cọc 100 triệu đồng, có làm biên nhận nhận và thỏa thuận sau 3 tháng, hai bên chính thức ký hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ, anh T. sẽ trả tiếp 150 triệu đồng còn lại. Ngày 30/7/2019, anh B. đề nghị nhận thêm tiền cọc 50 triệu đồng và anh T. đã đưa đủ, có biên nhận viết tay của anh B..
Tuy nhiên, hết thời hạn 3 tháng nhưng anh B. không tiến hành thủ tục ký hợp đồng chuyển nhượng nhà đất như thỏa thuận. Anh T. tìm hiểu được biết anh B. và vợ vừa ly hôn, nhà đất đã chia đôi nên anh B. không thể ký hợp đồng chuyển nhượng với anh T.. Do đó, anh T. khởi kiện yêu cầu tòa hủy hợp đồng đặt cọc ngày 12/7/2019, anh B. phải trả lại 150 triệu đồng tiền cọc và bồi thường cọc 150 triệu đồng, tổng cộng là 300 triệu đồng.
Anh B. thừa nhận có ký hợp đồng đặt cọc ngày 12/7/2019 và nhận tiền cọc 2 lần tổng cộng 150 triệu đồng nhưng không thể ký hợp đồng chuyển nhượng và giao tài sản do quyết định ly hôn của tòa đã chia đôi nhà đất, vợ chồng anh mỗi người nhận một nửa. Nay anh B. đồng ý hủy hợp đồng đặt cọc ngày 12/7/2019 và trả lại anh T. tiền cọc nhưng không đồng ý bồi thường.
Với tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, vợ anh B. trình bày: Nhà đất mà anh B. mang đi chuyển nhượng là tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân. Việc anh B. ký hợp đồng đặt cọc nhằm chuyển nhượng nhà đất chị không biết, không ký tên vào hợp đồng đặt cọc, cũng không sử dụng số tiền cọc nên anh B. tự giải quyết với anh T., chị không đồng ý trả bất cứ khoản tiền nào.
Theo HĐXX, hợp đồng đặt cọc nhà đất ngày 12/7/2019 giữa anh B. và anh T. có công chứng, được anh B. thừa nhận đúng chữ ký tên, dấu điểm chỉ và họ tên nên đây là những tình tiết, sự kiện không phải chứng minh. Anh B. biết rõ từ ngày 17/12/2018, tòa án đã thụ lý vụ án ly hôn và chia tài sản khi ly hôn của vợ chồng anh.
Nhưng trong thời gian tòa đang giải quyết thì ngày 12/7/2019, anh B. xác lập hợp đồng đặc cọc với anh T. nhằm chuyển nhượng nhà đất đang tranh chấp là không đúng nội dung cam đoan trong hợp đồng và không phù hợp với quy định của Luật Đất đai về điều kiện chuyển nhượng QSDĐ. Anh B. đã không cung cấp cho anh T. thông tin đầy đủ, trung thực và chính xác về thực trạng nhà ở cùng QSDĐ.
Khi ký hợp đồng đặt cọc, anh T. không biết vợ chồng anh B. đang thực hiện thủ tục ly hôn, giấy chứng nhận QSDĐ lại do anh B. đứng tên nên anh T. không có lỗi trong việc hủy hợp đồng và phù hợp với các tình tiết, tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án. Vì vậy, HĐXX xác định lỗi dẫn đến không xác lập được hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ và tài sản khác gắn liền với đất giữa anh T. và anh B. hoàn toàn thuộc về anh B..
Tại tòa, anh T. thay đổi yêu cầu không đòi tiền phạt cọc nhưng anh B. phải trả tiền lãi chậm trả của số tiền cọc 150 triệu đồng với mức lãi suất 12,5 %/năm, thời gian trả lãi bắt đầu tính từ ngày 30/7/2019 đến ngày xét xử sơ thẩm. Xét đây là sự tự nguyện, có lợi cho anh B. và phù hợp với quy định của pháp luật nên được chấp nhận. Do đó, HĐXX đã tuyên hủy hợp đồng đặt cọc ngày 12/7/2019, buộc anh B. trả cho anh T. tiền cọc và tiền lãi tổng cộng hơn 206 triệu đồng.
DIỄM PHƯỢNG
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin