Người vay bảo đã trả, chủ nợ nói không

Cập nhật, 16:32, Thứ Năm, 24/11/2022 (GMT+7)

Hai bên từng là bạn bè thân thiết, đưa nhau ra tòa vì số nợ 100 triệu đồng và kéo dài qua 2 cấp xét xử do người vay bảo đã trả xong, còn chủ nợ thì nói chưa nhận được tiền.

Ông N.V.T. (ở TP Vĩnh Long) và ông P.T.L. (ở huyện Long Hồ) là bạn bè thân thiết, cùng làm thợ hồ chung nhiều năm. Do đó, khi ông T. hỏi vay 100 triệu đồng để đáo nợ ngân hàng, vợ chồng ông L. đã đồng ý. Ngày 27/3/2020, ông L. được vợ đưa 100 triệu đồng để giao cho ông T. với thỏa thuận lãi suất 3 %/tháng, thời hạn vay từ 3 - 5 ngày. Ông T. đã ký tên vào biên nhận nợ nhưng sau 5 ngày, do không có tiền trả nên ông T. hứa thêm một tháng. Đến hạn, ông T. vẫn không có tiền trả nên giao giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (QSDĐ) do ông T. đứng tên cho ông L. giữ để làm tin.

Từ khi vay, ông T. chỉ trả lãi cho ông L. được một tháng nhưng đôi bên không làm biên nhận. Đến ngày 27/6/2020, ông T. đến gặp ông L. xin nhận lại QSDĐ để làm thủ tục chuyển nhượng đất lấy tiền trả nợ cho vợ chồng ông L.. Do bạn bè tin tưởng nhau nên ông L. đã đưa lại QSDĐ nhưng từ đó đến nay, ông T. vẫn không trả số tiền trên nên vợ chồng ông L. khởi kiện yêu cầu ông T. trả gốc và lãi cho đến khi xong nợ.

Ông T. thừa nhận có vay của vợ chồng ông L. 100 triệu đồng nhưng đã trả lãi đầy đủ hàng tháng. Đến tháng 9/2020, ông T. trả xong vốn gốc và ông L. là người nhận tiền nên mới trả lại QSDĐ cho ông. Lúc trả nợ, ông T. không có yêu cầu ông L. ký nhận và cũng không lấy lại biên nhận nợ. Do thực tế ông T. đã trả xong vốn gốc và lãi nên không đồng ý theo yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.

Qua 2 cấp xét xử, HĐXX cấp sơ thẩm và phúc thẩm nhận định: Ông T. thừa nhận có giao giấy chứng nhận QSDĐ để vay của vợ chồng ông L. 100 triệu đồng nhưng đã trả xong nợ gốc và lãi. Do chỗ bạn bè thân thiết nên ông T. không yêu cầu ông L. đưa lại biên nhận nợ. Ngoài lời trình bày trên thì ông T. không có tài liệu, chứng cứ chứng minh việc đã trả nợ, cũng không có ai chứng kiến. Vợ chồng ông L. không thừa nhận ông T. đã trả xong nợ và cho biết lý do trả lại giấy chứng nhận QSDĐ là do ông T. năn nỉ xin nhận lại để bán đất mới có tiền trả nợ. Vì chỗ bạn bè nên ông L. mới tin tưởng giao lại QSDĐ cho ông T.. Tại tòa, ông T. cũng không cung cấp được chứng cứ chứng minh việc đã trả nợ nên yêu cầu của vợ chồng ông L. buộc ông T. phải trả nợ gốc và lãi là có căn cứ. Do đó, HĐXX tuyên buộc ông T. có nghĩa vụ trả cho vợ chồng ông L. vốn gốc và lãi hơn 141 triệu đồng.

Sau gần 2 năm kiện tụng, tranh chấp về số nợ 100 triệu đồng đã được giải quyết nhưng cũng đồng thời khép lại một tình bạn vì chữ thân tình mà họ đã bỏ qua việc tuân thủ theo quy định pháp luật khi thực hiện giao dịch vay mượn tiền dẫn đến sự việc đáng tiếc không mong muốn.

PHƯỢNG NGÂN