Kết thúc thời hạn thuê mặt bằng, đôi bên tiếp tục gia hạn hợp đồng nhưng không lập thành văn bản mà chỉ nói miệng nên khi xảy ra tranh chấp, bên cho thuê đã thua kiện.
Kết thúc thời hạn thuê mặt bằng, đôi bên tiếp tục gia hạn hợp đồng nhưng không lập thành văn bản mà chỉ nói miệng nên khi xảy ra tranh chấp, bên cho thuê đã thua kiện.
Ngày 15/9/2018, bà M.T.T. (ở huyện Chợ Lách - Bến Tre) ký hợp đồng thuê mặt bằng thời hạn một năm với một công ty du lịch ở TP Vĩnh Long để bán trái cây và mỗi tháng trả tiền thuê theo mức khoán do công ty đưa ra. Để đảm bảo hợp đồng, bà T. đặt cọc cho công ty 4 triệu đồng. Khi gần hết thời hạn thuê, bà T. làm đơn xin gia hạn và đôi bên ký tiếp phụ lục hợp đồng một năm.
Sau khi hết thời hạn phụ lục hợp đồng, các bên không ký thêm văn bản gia hạn nào nữa mà chỉ thỏa thuận bằng lời nói là công ty cho bà T. tiếp tục bán đến khi nào thì trả tiền đến đó. Ngày 18/2, sau thời gian nghỉ do ảnh hưởng dịch bệnh, bà T. quay lại bán thì công ty không cho. Bà T. đề nghị nếu công ty không cho bán trên mặt bằng đã thuê thì trả lại 4 triệu đồng tiền cọc nhưng phía công ty không đồng ý nên bà T. khởi kiện.
Quá trình giải quyết vụ kiện, đại diện công ty trình bày: Từ năm 2018 - 2020, công ty có thỏa thuận ký hợp đồng cho thuê mặt bằng như trình bày của nguyên đơn. Đến đầu năm 2021, công ty thu tiền mặt bằng tăng lên 4 triệu đồng/tháng nhưng trong 3 tháng đầu, bà T. chỉ nộp 3,5 triệu đồng/tháng. Đến tháng 4 và 5/2021, bà T. nộp đủ 4 triệu đồng/tháng, sau đó thì ngưng. Đến tháng 11/2021, bà T. đóng lại và công ty thu 5 triệu đồng/tháng để bù lại những tháng đóng chưa đủ. Đến tháng 1/2022, do bà T. lấn chiếm sang mặt bằng khác nên công ty không cho thuê nữa. Tính đến thời điểm chấm dứt sử dụng mặt bằng của công ty thì bà T. còn nợ 18,5 triệu đồng tiền mặt bằng nên khi nào bà T. trả hết số nợ trên thì công ty mới trả lại tiền cọc.
Sau khi nghiên cứu các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án, HĐXX của TAND TP Vĩnh Long nhận định: Bị đơn cho thuê mặt bằng và thanh toán tiền thuê theo thỏa thuận, thể hiện trên hợp đồng hai bên đã ký. Đến ngày 15/9/2020, các bên kết thúc hợp đồng và từ đó trở đi không còn giao kết hợp đồng bằng văn bản nào, chỉ thỏa thuận tiếp tục cho thuê bằng lời nói. Bị đơn xác định trong năm 2020, bà T. đã đóng đủ tiền thuê mặt bằng nên khi kết thúc hợp đồng thì phía công ty phải có nghĩa vụ trả lại tiền cọc cho bà T. là phù hợp theo thỏa thuận và quy định của pháp luật.
Về yêu cầu bà T. trả số tiền 18,5 triệu đồng thuê mặt bằng còn nợ, do công ty không thực hiện thủ tục phản tố và cũng không cung cấp được chứng cứ chứng minh mà xác định đây chỉ là lời trình bày nên không được HĐXX xem xét. Do đó, HĐXX đã tuyên chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, buộc phía công ty phải trả cho bà T. tiền đặt cọc 4 triệu đồng, nếu không thi hành thì phải chịu trách nhiệm do chậm thực hiện nghĩa vụ trả tiền theo quy định tại khoản 2, Điều 468 Bộ luật Dân sự.
DIỄM PHƯỢNG
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin