Yêu cầu chủ đất mở lối đi nhưng những người thụ hưởng lại từ chối nghĩa vụ bồi thường dẫn đến bị kiện và buộc phải thi hành theo phán quyết của tòa.
Yêu cầu chủ đất mở lối đi nhưng những người thụ hưởng lại từ chối nghĩa vụ bồi thường dẫn đến bị kiện và buộc phải thi hành theo phán quyết của tòa.
Bà N.T.N.Đ. (ở TP Vĩnh Long) là chủ thửa đất 453, diện tích 75,6m2 đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (QSDĐ). Ngày 17/6/2020, bà Đ. làm đơn yêu cầu chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai TP Vĩnh Long đến khảo sát, đo đạc để xác định ranh giới, mốc giới thửa đất thì bị bà N.T.T. và 6 hộ phía trong ngăn cản không cho đo đạc. Nguyên nhân trước đây, những hộ này có lối đi qua đất của bà T. nhưng đến năm 2009 thì bà T. xây hàng rào, những hộ này không đi được nên mở lối đi tự phát trên đất của bà Đ.. Do lối đi này nằm giữa thửa đất, gây thiệt hại lớn cho bà Đ. nên bà Đ. không đồng ý cho bà T. và 6 hộ phía trong đi lối đi trên dẫn đến tranh chấp.
Khi khởi kiện ra tòa, bà Đ. đồng ý chừa diện tích đất ngang 1,2m dọc theo rạch công cộng cho những hộ này làm lối đi chung ra đường nhựa nhưng bà T. và 6 hộ liên quan không đồng ý với lý do lối đi trên có sẵn từ lâu và nằm trong phạm vi hành lang lộ giới do Nhà nước quản lý, không phải là đất của bà Đ. nên yêu cầu giữ nguyên lối đi và không đồng ý đền bù giá trị đất.
Quá trình giải quyết vụ kiện, HĐXX sơ thẩm và phúc thẩm nhận định: Phần đất đang tranh chấp thuộc thửa 453 do Sở TN - MT tỉnh Vĩnh Long cấp cho bà Đ. có nguồn gốc bà Đ. nhận thừa kế từ mẹ ruột là bà N.T.B.. Ngày 13/3/2020, bà Đ. lập văn bản khai nhận tài sản thừa kế và được niêm yết công khai tại trụ sở UBND Phường 3. Trong thời hạn niêm yết công khai hồ sơ thừa kế của bà Đ., UBND Phường 3 không tiếp nhận bất kỳ đơn thư khiếu nại, tranh chấp nào nên ngày 30/3/2020, bà Đ. đã làm đơn đề nghị cấp đổi lại giấy chứng nhận QSDĐ. Do đó, việc bà T. và 6 hộ liên quan cho rằng đường đi đang tranh chấp có sẵn từ lâu đời và thuộc đường đi chung nhưng khi bà Đ. làm thủ tục thừa kế thì bà T. và những người liên quan không đứng ra tranh chấp để cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết. Điều này chứng tỏ các đương sự biết đường đi này bà B. đã kê khai đăng ký QSDĐ và khi bà B. chết thì bà Đ. là người thừa kế. Việc các đương sự cho rằng phần đất tranh chấp là hành lang lộ giới, tiếp giáp với đường đi do Nhà nước quản lý, không phải đất của bà Đ. nhưng căn cứ vào giấy chứng nhận QSDĐ cấp cho bà Đ. và trích đo bản đồ địa chính khu đất thì thửa đất bà Đ. đứng tên có giáp đường nhưng không thuộc hành lang lộ giới nên bà Đ. đứng tên quyền sử dụng phần đất này là hợp pháp.
Theo quy định của pháp luật, khi lối đi được mở trên bất động sản liền kề sẽ được xem xét đến yếu tố thuận tiện và hợp lý nhất, ít gây thiệt hại nhất cho bất động sản mở lối đi và người hưởng quyền về lối đi phải đền bù, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
Căn cứ quy định trên thì đường đi mà hộ bà T. và 6 hộ liên quan đang sử dụng nằm giữa thửa đất 453, nếu để các hộ phía trong tiếp tục sử dụng làm lối đi sẽ gây thiệt hại đến QSDĐ của bà Đ. do thửa đất bị cắt làm đôi nên yêu cầu giữ lối đi hiện nay của bị đơn và những hộ liên quan không có căn cứ chấp nhận. Quá trình giải quyết vụ việc, bà Đ. đồng ý mở lối đi ngang 1,2m giáp với rạch công cộng thuộc thửa 453 là hợp lý nên được chấp nhận.
Do đó, HĐXX không chấp nhận yêu cầu giữ nguyên lối đi của bà T. cùng 6 hộ liên quan đồng thời tuyên bà T. cùng những người liên quan được quyền sử dụng lối đi khác trên phần đất của bà Đ. có chiều ngang 1,2m giáp với rạch công cộng ra đến đường nhựa. Bà T. và những người liên quan có nghĩa vụ đến cơ quan chức năng đăng ký QSDĐ theo quy định và phải đền bù giá trị đất cho bà Đ. hơn 9,9 triệu đồng, nghĩa là mỗi hộ chỉ trả cho bà Đ. hơn 1,4 triệu đồng.
DIỄM PHƯỢNG
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin