Khó khăn về tài chính, người dân dễ bị dẫn dụ bởi các quảng cáo cho vay "thủ tục đơn giản, không cần thế chấp, giải ngân nhanh, alo là có,…"- đây là chiêu trò mà "tín dụng đen" giăng sẵn để đưa nhiều người vào bẫy.
Qua kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện nhiều tờ rơi quảng cáo cho vay nghi ngờ liên quan đến “tín dụng đen”. |
(VLO) Chỉ thị số 12/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến “tín dụng đen”, đã xác định, đây là hình thức cho vay, đi vay hoặc huy động vốn với lãi suất vượt quá mức lãi suất pháp luật quy định, được thực hiện bởi các cá nhân, nhóm người hoặc tổ chức kinh doanh dịch vụ tài chính, thường gắn với các hành vi đòi nợ, chiếm đoạt tài sản trái pháp luật.
Thời gian qua, tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen” xảy ra tại nhiều địa phương, gây ảnh hưởng đến an ninh trật tự với thủ đoạn rất tinh vi, phức tạp. Thực trạng này đòi hỏi cơ quan chức năng cần có giải pháp căn cơ, quyết liệt, cùng với tinh thần cảnh giác của người dân, từng bước đẩy lùi tội phạm và các hành vi liên quan đến “tín dụng đen” ra khỏi đời sống xã hội.
Kỳ 1: “Alo là có” - coi chừng sụp bẫy
Khó khăn về tài chính, người dân dễ bị dẫn dụ bởi các quảng cáo cho vay “thủ tục đơn giản, không cần thế chấp, giải ngân nhanh, alo là có,…”- đây là chiêu trò mà “tín dụng đen” giăng sẵn để đưa nhiều người vào bẫy.
Đêm đêm đi rải… tờ rơi cho vay
6 tháng đầu năm 2022, Phòng Cảnh sát hình sự (Công an tỉnh Vĩnh Long) phát hiện nhiều nhóm đối tượng từ TP Hà Nội, Hải Phòng và các tỉnh như Nghệ An, Thanh Hóa, Bắc Giang, Vĩnh Phúc,… vào Vĩnh Long hoạt động cho vay tiền góp.
Để tiếp cận những người có nhu cầu vay vốn, các đối tượng tổ chức rải tờ rơi vào ban đêm ở các khu vực chợ, khu dân cư và vùng nông thôn, quảng cáo cho vay tiền góp lãi suất thấp kèm theo số điện thoại liên hệ. Sau khi tiếp cận được “con mồi”, các đối tượng sẽ đến tận nhà thỏa thuận hạn mức vay và hình thức trả nợ.
Theo điều tra của Phòng Cảnh sát hình sự (Công an tỉnh Vĩnh Long), các đối tượng là người địa phương hoạt động cho vay tiền góp nhỏ lẻ, cho vay tại các tụ điểm hoạt động tệ nạn xã hội cũng làm cho tình hình liên quan đến “tín dụng đen” trở nên phức tạp. Đáng chú ý, gần đây xuất hiện hình thức cho vay tiền góp dưới danh nghĩa “chơi hụi ngày” để lách các quy định của pháp luật về cho vay trong giao dịch dân sự. |
Điển hình, vào tháng 4/2022, tổ tuần tra của Công an Phường 8 (TP Vĩnh Long) phát hiện 2 đối tượng V.M.D. và N.T.Y. đang rải tờ rơi tại khu vực cầu Vồng với nội dung “cho mượn tiền góp với thủ tục đơn giản, lãi suất thấp”.
Trước đó, cơ quan chức năng huyện Vũng Liêm cũng phát hiện 2 thanh niên rải tờ rơi “cho vay trả góp- Alo có tiền”.
Hai người này thừa nhận được thuê rải 1.200 tờ rơi với tiền công 200.000 đ/người. Lợi dụng đêm tối, cả hai lén lút chạy xe máy từ TP Vĩnh Long đến xã Trung Hiệp (huyện Vũng Liêm) “đi rải” thì bị bắt quả tang.
Báo cáo của Sở Văn hóa - TT - DL, giai đoạn 2019 - 2022, chỉ đạo Thanh tra sở tổ chức 145 cuộc thanh tra, kiểm tra đối với 693 lượt tổ chức, cá nhân kinh doanh lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo.
Trong đó, có 25 cuộc kiểm tra quảng cáo, nội dung về “Phát tờ rơi quảng cáo làm ảnh hưởng đến mỹ quan, trật tự an toàn giao thông, xã hội”, “Treo, đặt, dán, vẽ quảng cáo các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ trên cột điện, trụ điện, cột tín hiệu giao thông và cây xanh nơi công cộng” liên quan đến hoạt động tội phạm “tín dụng đen”, phát hiện 4 đối tượng quảng cáo có hình thức cho vay “tín dụng đen”.
Thanh tra sở chuyển Công an xã Thanh Đức (huyện Long Hồ) xử lý, phạt hành chính 1 trường hợp, Phòng Cảnh sát hình sự (Công an tỉnh) thụ lý giải quyết 1 trường hợp, cơ quan chức năng tiến hành nhắc nhở 2 trường hợp.
Vay 5 triệu đồng, giải ngân… 4,5 triệu đồng
Các đối tượng “tín dụng đen” lợi dụng mạng viễn thông, internet, núp bóng các doanh nghiệp có chức năng cho vay tài chính, dịch vụ đòi nợ, kinh doanh cầm đồ, tạo vỏ bọc, đối phó với cơ quan chức năng để tổ chức các hoạt động cho vay không thế chấp, huy động vốn, kinh doanh tài chính, góp vốn, góp tài sản kinh doanh với lãi suất từ 100 - 300%, thậm chí lên đến 700 %/năm.
Tại Vĩnh Long, lực lượng công an phát hiện các đối tượng cho vay với lãi suất từ 20 %/tháng trở lên và phải trả lãi, gốc hàng ngày. Các đối tượng này ràng buộc người vay phải cung cấp bản gốc CMND/CCCD, sổ hộ khẩu hoặc giấy phép kinh doanh.
Từng là nạn nhân của “tín dụng đen”, bà V.T.G. vẫn chưa hết bàng hoàng dù chuyện đã xảy ra vài năm. Bà G. kể, trong một lần đi chợ, bà tình cờ nhặt tờ rơi quảng cáo cho vay tiền với thủ tục vay đơn giản, giải ngân nhanh.
Người dân nên cảnh giác với thông tin cho vay từ các tờ rơi nhặt được. |
Đang cần tiền nhập hàng hóa, bà G. gọi ngay vào số điện thoại in sẵn trên tờ rơi, xin vay tiền. Ngay sau đó, có 2 nam thanh niên nói giọng Bắc, xăm trổ đầy mình đã đến tận nhà bà G. làm “thủ tục” cho vay 5 triệu đồng bằng hình thức trả góp.
Tuy nhiên, để nhận được số tiền này, bà G. phải tốn 500.000đ “phí dịch vụ” nên thực tế bà chỉ nhận được 4,5 triệu đồng.
Theo thỏa thuận, bà G. phải góp 200.000đ mỗi ngày, góp đủ 30 ngày, cộng cả gốc và lãi đủ 6 triệu đồng là dứt nợ. Tinh vi hơn, các đối tượng này không bao giờ trực tiếp thu tiền mà thông qua một người khác, người này có trách nhiệm thu rồi giao lại cho các đối tượng.
Ngoài ra, các đối tượng buộc bà G. phải hợp thức hóa việc vay tiền bằng “hợp đồng mua bán điện thoại” và không được tiết lộ chuyện này với bất kỳ ai.
Tương tự, bà T.T.N. (ngụ TP Vĩnh Long) cũng vì hoàn cảnh khó khăn mà vướng vào “tín dụng đen”. Sau khi liên hệ vào số điện thoại in trên tờ rơi, bà N. được một “nhân viên” đến nhà làm thủ tục cho vay 5 triệu đồng nhưng chỉ được giải ngân 4,6 triệu đồng, bởi bên cho vay ràng buộc người vay phải chịu 400.000đ “phí dịch vụ”.
Cũng như trường hợp của bà G., bà N. phải ký hợp đồng mua bán xe máy để hợp thức hóa và phải cam kết trả gốc, lãi hàng ngày trong vòng 30 ngày. Ngoài ra, bà N. được tư vấn “ưu đãi” nếu trả nợ tốt trong 15 ngày sẽ được vay khoản mới 5 triệu đồng.
Tuy nhiên, do người vay còn nợ 15 ngày góp là 3 triệu đồng nên khi vay lần 2, sau khi trừ các khoản nợ này và “phí dịch vụ” 400.000đ thì chỉ nhận được 1,6 triệu đồng nhưng phải trả tổng cộng là 6 triệu đồng cho 30 ngày góp tiếp theo, tức là khoản nợ trên được tính lại từ đâu.
Đây là thủ đoạn tinh vi mà các đối tượng vẽ ra để những người đang gặp khó khăn về tài chính tìm đến “tín dụng đen” và dính chặt vào nợ nần triền miên.
Giai đoạn 2019 - 2022, Sở Văn hóa - TT - DL tiếp nhận, giải quyết trên 1.590 hồ sơ thủ tục hành chính lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo. Trong đó, có trên 1.300 hồ sơ quảng cáo được thẩm định, kiểm soát chặt chẽ, đặc biệt không chấp thuận liên quan đến hoạt động quảng cáo “tín dụng đen”. Đã tuyên truyền đến các tổ chức, cá nhân chấp hành nghiêm quy định của pháp luật về phòng, chống tội phạm và các biện pháp phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”. |
Kỳ 2: “Tín dụng đen” núp bóng ứng dụng vay online
Bài, ảnh: TRUNG HƯNG
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin