Qua 2 tháng triển khai kế hoạch số 299 về cao điểm, kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông (GT) của Bộ Công an, cảnh sát GT cả nước đồng loạt ra quân, triển khai đồng bộ các giải pháp lập lại trật tự an toàn GT, góp phần kiềm chế và kéo giảm tai nạn.
Vẫn còn xảy ra tình trạng chủ phương tiện tự cơi nới thùng xe, vi phạm quy định về an toàn giao thông. Ảnh minh họa |
Qua 2 tháng triển khai kế hoạch số 299 về cao điểm, kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông (GT) của Bộ Công an, cảnh sát GT cả nước đồng loạt ra quân, triển khai đồng bộ các giải pháp lập lại trật tự an toàn GT, góp phần kiềm chế và kéo giảm tai nạn.
Kiềm chế, kéo giảm tai nạn GT
Đợt cao điểm triển khai đồng loạt trên cả nước từ 20/6. Bộ Công an chỉ đạo các đơn vị, công an địa phương căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ, tuyến và địa bàn phân công phụ trách, tập trung xử lý từ gốc các hành vi vi phạm là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến các vụ tai nạn GT theo 4 nhóm hành vi sau: Vi phạm nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện; vi phạm tốc độ; vi phạm về cơi nới thùng xe và chở hàng quá trọng tải, quá khổ; phương tiện thủy chở quá vạch dấu mớn nước an toàn.
Việc kiểm tra, xử lý sẽ được tiến hành triệt để và duy trì thường xuyên, liên tục, nhất là trên các tuyến, địa bàn và vào các khung giờ có nguy cơ tiềm ẩn xảy ra các vụ tai nạn GT. Quá trình thực hiện, các trường hợp không chấp hành việc kiểm soát, cản trở, chống đối người thi hành công vụ được xử lý nghiêm.
Theo Thiếu tướng Nguyễn Văn Trung- Cục trưởng Cục Cảnh sát GT (Bộ Công an), qua 2 tháng thực hiện cao điểm, 13 tỉnh- thành có tai nạn GT giảm cả 3 tiêu chí, tình hình trật tự an toàn GT có chuyển biến tích cực. Cụ thể, cả nước xảy ra 1.780 vụ tai nạn GT, làm chết 955 người, bị thương 1.287 người; giảm cả 3 tiêu chí so với thời gian trước đó.
Thực hiện chỉ đạo của Bộ Công an, Công an tỉnh Vĩnh Long đồng loạt ra quân vào sáng 20/6, tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm về trật tự an toàn GT trên các tuyến GT.
Qua 2 tháng, toàn tỉnh phát hiện 1.701 trường hợp vi phạm, phạt hành chính hơn 4,1 tỷ đồng. Lỗi vi phạm chủ yếu là nồng độ cồn (173 trường hợp), tốc độ (106 trường hợp), cơi nới thùng xe và chở hàng quá trọng tải, quá khổ trên đường bộ (67 trường hợp). Về tai nạn GT, xảy ra 19 vụ làm 12 người chết, 16 người bị thương.
Qua 2 tháng triển khai cao điểm, toàn quốc vận động hơn 21.000 chủ nhà hàng, quán bar, vũ trường nhắc nhở khách hàng đến ăn uống không điều khiển phương tiện GT sau khi đã uống rượu, bia; vận động hơn 17.000 doanh nghiệp, hơn 1.600 nhà máy, 3.500 chủ bến bãi, hơn 2.000 xưởng cơ khí, sửa chữa ô tô, hơn 116.000 cá nhân chấp hành nghiêm chỉnh việc bốc xếp, chở hàng hóa đúng trọng tải thiết kế của xe, không cơi nới thùng xe và tự tháo, cắt thùng xe trở về đúng với thiết kế đã được phê duyệt. Riêng Công an tỉnh Vĩnh Long tổ chức tuyên truyền, vận động các doanh nghiệp, hộ dân, các bến khách ngang sông, kho bãi, mỏ khai thác khoáng sản, cảng hàng hóa,… chấp hành các quy định về an toàn GT. Hình thức tuyên truyền linh động, đa dạng với gần 3.000 người dự. |
Tăng cường tuần tra kiểm soát
Qua điều tra các vụ tai nạn GT, nguyên nhân chủ yếu xuất phát từ lỗi không đúng làn đường, không chú ý quan sát, chạy quá tốc độ, chở quá tải trọng, chở quá số người quy định.
Các vụ tai nạn GT gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thường xảy ra vào cuối giờ trưa, cuối giờ chiều, gần khuya hoặc đầu giờ sáng, là lúc lên ca, xuống ca của lực lượng tuần tra kiểm soát; một số trường hợp lái xe có hành vi trốn tránh việc kiểm tra, kiểm soát của lực lượng cảnh sát GT.
Vì vậy, Bộ Công an đặt vấn đề cần phải đánh giá toàn bộ việc bố trí lực lượng, phương pháp thực hiện nhiệm vụ tuần tra kiểm soát để nâng cao hiệu quả công tác, răn đe người tham gia GT phải chấp hành nghiêm pháp luật về trật tự an toàn GT.
Tuy nhiên, theo đánh giá của Bộ Công an, hiệu quả công tác phòng ngừa tai nạn GT trên tuyến còn kém, có những vụ phương tiện gây ra tai nạn vi phạm chở quá tải, chở quá số người quy định, chở người trên thùng xe.
Tại hội nghị giao ban trực tuyến với công an các tỉnh- thành, đánh giá tình hình, kết quả sau 2 tháng triển khai cao điểm, Thiếu tướng Nguyễn Văn Long- Thứ trưởng Bộ Công an- nhấn mạnh, nhiệm vụ đầu tiên của cảnh sát GT là tuyên truyền, giáo dục giúp người dân nâng cao ý thức khi tham gia GT và nhiệm vụ của cảnh sát GT là bảo đảm các quyền lợi cho người dân.
Đồng thời, công an các địa phương tiếp tục làm tốt công tác điều tra cơ bản, nắm tình hình các tuyến, nơi phức tạp về trật tự an toàn GT, bố trí lực lượng cảnh sát GT tuần tra khép kín, không bỏ trống địa bàn. Đặc biệt là đảm bảo an toàn GT phục vụ các hoạt động kỷ niệm Quốc khánh 2/9, lễ khai giảng năm học mới và “Tháng cao điểm an toàn GT cho học sinh đến trường”.
Theo Bộ Công an, sau 2 tháng triển khai cao điểm, lực lượng cảnh sát GT cả nước đã phát hiện, xử lý hơn 470.000 trường hợp vi phạm, phạt tiền 827 tỷ đồng; tước giấy phép lái xe, bằng, chứng chỉ chuyên môn đối với hơn 77.000 trường hợp; tạm giữ hơn 100.000 phương tiện các loại. Riêng vi phạm nồng độ cồn, đã xử lý hơn 61.000 trường hợp; hơn 30.000 trường hợp phương tiện vận tải hàng hóa vi phạm cơi nới thành thùng, chở hàng quá khổ, quá tải; hơn 58.000 trường hợp vi phạm tốc độ. |
Bài, ảnh: QUANG VINH
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin