Thấy hàng xóm lấn ranh đất nhưng không tranh chấp, cũng không báo cơ quan chức năng bảo vệ quyền lợi dẫn đến mâu thuẫn nhiều năm phải nhờ tòa phân xử.
Thấy hàng xóm lấn ranh đất nhưng không tranh chấp, cũng không báo cơ quan chức năng bảo vệ quyền lợi dẫn đến mâu thuẫn nhiều năm phải nhờ tòa phân xử.
Ông B.V.P. và ông N.V.H. (cùng ở TX Bình Minh) có đất liền kề và được đánh dấu ranh bằng trụ sắt nhưng từ khi ranh đất bị một bên nhổ đi thì mâu thuẫn xảy ra và kéo dài nhiều năm vẫn không có hồi kết.
Trong đơn khởi kiện, ông B.V.P. cho biết: Năm 1996, ông được cấp quyền sử dụng đất (QSDĐ) diện tích 1.800m2, loại đất ở nông thôn và trồng cây lâu năm. Từ năm 2002 - 2013, vì hoàn cảnh khó khăn nên ông cùng vợ con xin tạm vắng tại địa phương, đến Phường 8 (TP Cà Mau) làm ăn. Thời gian này, ông không canh tác đất mà nhờ cha mẹ và các em trông coi dùm. Một lần về thăm nhà, ông ra vườn thì thấy ông H. đang nhổ trụ ranh sắt mà trước đây hai bên cùng cắm. Ông hỏi thì ông H. nói: “Cây sắt còn tốt để tui lấy làm xà beng rồi sẽ cắm lại bằng trụ khác”. Tuy nhiên, sau đó ông H. không cắm lại ranh đất mà tự ý móc mương, móc đất lấn sang phần đất của ông làm thay đổi hiện trạng ở đường giáp ranh. Đến năm 2009, khi chương trình Vlap của Nhà nước đo đạc lại đất của dân thì ông H. tự ý thay đổi ranh đất và chỉ cho cán bộ đo đạc mà không có mặt ông để ký giáp ranh. Năm 2010, sau khi được cấp QSDĐ, ông H. đã tách thửa cho con trai và con ông H. tiếp tục lấn sang đất của ông. Đến năm 2013, khi ông chuyển về địa phương sinh sống, phát hiện mốc ranh đất bị thay đổi đã tìm ông H. hỏi thì bị gia đình ông H. cự cãi, xúc phạm. Do đó, ông khởi kiện yêu cầu ông H. trả 68,2m2 đất, con trai ông H. trả 32,1m2 đất lấn chiếm.
Ông N.V.H. cho rằng: Đất của ông là do cha mẹ để lại và ông đã quản lý, sử dụng từ nhiều năm nay, không có ai tranh chấp. Con trai ông H. cũng cho rằng không lấn chiếm đất của ông P. và đã cất nhà ở từ năm 2005 nhưng không ai ngăn cản. Nay ông P. đòi đất thì cứ đo đường ranh là một đường thẳng, xác định đất của ai thì trả cho người đó.
Từ những chứng cứ thu thập được, HĐXX cấp sơ thẩm và phúc thẩm chỉ chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của ông P.. Cụ thể, theo thông tin từ Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai TX Bình Minh thì ông P. đứng tên QSDĐ 1.800m2, ông H. đứng tên QSDĐ 1.140m2. Đến chương trình đo Vlap, phần đất của ông H. tách thành 2 thửa, ông H. đứng tên 863m2, con trai ông H. đứng tên 242,5m2.
Kết quả trích đo bản đồ địa chính khu đất phục vụ công tác xét xử của tòa, xác định phần đất ông P. tranh chấp với ông H. là 68,2m2 và ông P. tranh chấp với con trai ông H. là 32,1m2. Đối chiếu QSDĐ của ông P. với phần đo đạc thực tế thì dư 37,9m2, còn đất của ông H. dư 6,3m2 nhưng tại tòa, ông H. đồng ý trả cho ông P. 47,5m2 trong số 68,2m2 đất tranh chấp.
Xét lời trình bày của ông P. từ năm 2002 - 2013, ông và gia đình đi làm ăn xa không có ở nhà, chương trình đo Vlap ông P. cũng không có mặt nhưng trong thời gian này, ông có về nhà và thấy ông H. nhổ trụ ranh. Sau đó, ông H. và con trai có lấn ranh đất nhưng ông P. không tranh chấp, cũng không nhờ cơ quan chức năng can thiệp để bảo vệ quyền và lợi ích của mình. Mặt khác, con trai ông H. đã làm nhà và ở trên phần đất tranh chấp từ năm 2005 nhưng ông P. không tranh chấp, khiếu nại nên việc ông H. và con trai được cấp giấy chứng nhận QSDĐ là hợp pháp, đúng quy định. Do đó, HĐXX không chấp nhận yêu cầu đòi con trai ông H. trả lại 32,1m2 đất của ông P.. Riêng yêu cầu đòi ông H. trả lại 68,2m2 đất, tòa chỉ công nhận cho ông P. được sử dụng 47,5m2, còn ông H. được sử dụng 20,7m2 đất.
Vụ kiện coi như khép lại nhưng là bài học cho ông P. và tất cả mọi người. Bởi luật đã cho mọi công dân quyền khiếu nại, khiếu kiện nên khi phát hiện quyền, lợi ích của mình bị xâm phạm thì phải lên tiếng nhờ cơ quan chức năng bảo vệ, tránh để kéo dài dẫn đến cảnh đáng tiếc như trường hợp vừa nêu.
DIỄM PHƯỢNG
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin