Cho vay lãi cao dẫn đến con nợ không khả năng chi trả nên xảy ra tranh chấp, kiện tụng và chủ nợ đã phải khấu trừ khoản tiền lãi thu vượt theo phán quyết của tòa.
(VLO) Cho vay lãi cao dẫn đến con nợ không khả năng chi trả nên xảy ra tranh chấp, kiện tụng và chủ nợ đã phải khấu trừ khoản tiền lãi thu vượt theo phán quyết của tòa.
Chị H.T.T.T. nhiều lần vay tiền của anh B.P.M.H. (cùng ở TP Vĩnh Long) nhưng không trả nên đôi bên thống nhất chốt nợ 48 triệu đồng, lãi suất ghi trên giấy vay là 0,05 %/tháng. Thời hạn trả nợ khi nào anh H. yêu cầu trả thì sẽ thông báo trước cho chị T. 30 ngày, không có thỏa thuận gia hạn nợ.
Anh H. cho biết, do không rành về câu chữ nên khi làm giấy nhận nợ đã ghi nhầm lãi suất từ 5% thành 0,05%/tháng. Điều này dẫn đến mâu thuẫn, chị T. không trả nợ gốc và lãi như thỏa thuận nên anh H. khởi kiện ra tòa.
Chị T. thừa nhận có vay tiền của anh H. nhiều lần, tổng cộng 36 triệu đồng, lãi suất 10 %/tháng. Do không có tiền đóng lãi nên anh H. cộng dồn 12 triệu đồng tiền lãi vào nợ gốc thành 48 triệu đồng.
Sau khi làm lại giấy nợ, anh H. giảm lãi từ 10% xuống còn 5 %/tháng và chị T. đã đóng được 8 tháng tiền lãi bằng 12,2 triệu đồng. Chị T. trực tiếp đóng lãi cho anh H., không làm biên nhận và cũng không có ai chứng kiến.
Từ tháng 3/2022 đến nay, do không còn khả năng nên chị T. ngưng đóng lãi cho anh H.. Nay chị T. đồng ý trả cho anh H. số nợ 48 triệu đồng nhưng xin được trả dần và yêu cầu anh H. điều chỉnh lãi suất từ 5% xuống 1,66 %/tháng, đồng thời khấu trừ phần lãi vượt vào nợ gốc.
Căn cứ vào giấy vay tiền mà đôi bên đã lập vào ngày 30/6/2021, HĐXX có đủ cơ sở xác định chị T. vay tiền của anh H. là có thật. Đây là hợp đồng vay có kỳ hạn, có lãi suất.
Chị T. thừa nhận đến hạn nhưng chưa thanh toán nợ gốc và lãi là vi phạm nghĩa vụ đã thỏa thuận. Nay chị T. đồng ý trả cho anh H. 48 triệu đồng nên ghi nhận sự tự nguyện này.
Về lãi suất, giấy vay tiền ngày 30/6/2021 ghi 0,05 %/tháng nhưng đôi bên thống nhất mức lãi là 5 %/tháng, vì không rành câu chữ nên anh H. đã ghi nhầm thành 0,05 %/tháng.
Anh H. cũng đồng ý điều chỉnh lãi suất từ 5% xuống 1,66 %/tháng và yêu cầu chị T. trả lãi từ ngày 1/2/2022 cho đến khi xong nợ.
Tại tòa, chị T. cho rằng đã đóng lãi được 8 tháng (từ tháng 7/2021 đến hết tháng 2/2022) tương đương 12,2 triệu đồng nhưng không cung cấp được tài liệu, chứng cứ chứng minh.
Trong khi đó, anh H. thừa nhận chỉ nhận tiền lãi của chị T. 4 tháng (từ 10/2021- 1/2022) bằng 9,6 triệu đồng. Các tháng trước, anh H. không thu lãi do dịch bệnh nên đủ căn cứ xác định chị T. đóng lãi cho anh H. 4 tháng chứ không phải 8 tháng.
Ngoài ra, tại khoản 1, Điều 468 Bộ luật Dân sự và Điều 9 Nghị quyết 01/2019/NQ-HĐTP của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao quy định, nếu lãi suất theo thỏa thuận vượt quá quy định thì mức lãi suất vượt quá không có hiệu lực, số tiền lãi đã trả vượt sẽ được trừ vào nợ gốc thời điểm trả lãi. Do đó, yêu cầu khấu trừ phần tiền lãi anh H. nhận vượt vào nợ gốc của chị T. là có căn cứ chấp nhận.
Từ những nhận định trên, HĐXX của TAND TP Vĩnh Long đã tuyên anh H. phải khấu trừ hơn 6,4 triệu đồng tiền lãi thu vượt vào số nợ 48 triệu đồng chị T. đang thiếu.
Theo đó, chị T. có nghĩa vụ trả hơn 41,5 triệu đồng nợ gốc và hơn 4,3 triệu đồng tiền lãi, tổng cộng hơn 45,9 triệu đồng và phải tiếp tục trả lãi cho đến khi xong nợ.
DIỄM PHƯỢNG
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin