Đánh bạc là một tệ nạn xã hội bị pháp luật nghiêm cấm, nhưng chỉ vì động cơ vụ lợi để có thu nhập bất chính mà các bị cáo cố tình vi phạm. Đáng lên án, một số bị cáo từng bị phạt hành chính hoặc phạt tù vẫn "chứng nào tật nấy" nên tiếp tục ra tòa lãnh án.
(VLO) Đánh bạc là một tệ nạn xã hội bị pháp luật nghiêm cấm, nhưng chỉ vì động cơ vụ lợi để có thu nhập bất chính mà các bị cáo cố tình vi phạm. Đáng lên án, một số bị cáo từng bị phạt hành chính hoặc phạt tù vẫn “chứng nào tật nấy” nên tiếp tục ra tòa lãnh án.
Tệ nạn cờ bạc dẫn tới nhiều hệ lụy cho xã hội, làm gia tăng nhiều loại tội phạm khác như cho vay nặng lãi, cướp, cướp giật tài sản, trộm cắp tài sản,… ảnh hưởng đến an ninh trật tự.
Nguyên nhân dẫn đến tệ nạn này do một bộ phận thanh, thiếu niên lười lao động, mê cờ bạc và sự thiếu quan tâm giáo dục, quản lý của gia đình. Các “con bạc” thường từ nhiều nơi tụ tập về một địa điểm xa khu dân cư, nơi hoang vắng ít người qua lại để tổ chức sát phạt.
Một số vụ đánh bạc, tuy số tiền phạm tội không lớn, chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự nhưng do “con bạc” có nhân thân xấu, từng bị phạt hành chính hoặc phạt tù vì hành vi đánh bạc, sau đó tái phạm nên bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Cụ thể, theo quy định tại Điều 321 Bộ luật Hình sự, người nào đánh bạc trái phép dưới bất kỳ hình thức nào được thua bằng tiền hay hiện vật trị giá từ 5 triệu đồng đến dưới 50 triệu đồng hoặc dưới 5 triệu đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này.
Hoặc tổ chức đánh bạc, gá bạc hoặc đã bị kết án về tội đánh bạc, tổ chức đánh bạc, gá bạc chưa được xóa án tích mà còn vi phạm thì bị phạt tiền từ 20- 100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.
Trường hợp phạm tội có tính chất chuyên nghiệp, tiền hoặc hiện vật dùng đánh bạc trị giá 50 triệu đồng trở lên, sử dụng mạng internet, mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử để phạm tội, tái phạm nguy hiểm thì bị phạt tù từ 3- 7 năm. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10- 50 triệu đồng.
Như trường hợp của Mạc Thanh Bảo (SN 1978) và Tạ Văn Út (SN 1974, cùng ngụ huyện Long Hồ) đã có tiền sự bị phạt hành chính vì hành vi đánh bạc vẫn “chứng nào tật nấy”. Ngày 13/2/2022, Bảo, Út cùng với 4 người khác đến nhà một người dân ở địa phương lấy vải trải ra sân “ngồi sòng”.
Bảo bỏ ra 2,4 triệu đồng, Út 1,6 triệu đồng, những người còn lại bỏ ra từ vài trăm ngàn đến vài triệu đồng để “làm vốn sát phạt”.
Sòng bài kéo dài được vài tiếng thì bị Công an huyện Long Hồ phát hiện, thu giữ gần 20 triệu đồng. Mặc dù số tiền dùng vào việc đánh bạc không lớn nhưng do bản thân từng có tiền sự vì hành vi đánh bạc nên lần phạm tội này của Bảo và Út phải bị xử lý nghiêm, cách ly ra khỏi xã hội một thời gian. Do vậy, TAND huyện Long Hồ đã tuyên phạt Bảo và Út mỗi bị cáo 6 tháng tù.
Tương tự, Nguyễn Thị Dung (SN 1964, ngụ Phường 4- TP Vĩnh Long) đã bị phạt hành chính và phạt tù vì hành vi đánh bạc. Ra tù chưa được bao lâu, trong một lần đi ngang sòng bài, thấy nhiều người tụ tập đặt cược, Dung lại “nổi máu đỏ đen” xin vào tham gia. Vừa đặt được 2 ván bài thì lực lượng công an bất ngờ kiểm tra, bắt giữ Dung cùng một số “con bạc” khác.
Với hành vi phạm tội vừa nêu và nhân thân xấu, Dung bị TAND TP Vĩnh Long phạt 6 tháng tù. Như vậy, pháp luật đã có quy định rõ ràng về mức độ, hình thức xử lý tội “Đánh bạc” đối với các bị cáo có nhân thân xấu.
Các bị cáo đều là người đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự nên nhận thức được hành vi mình gây ra là sai trái, vi phạm pháp luật nhưng vẫn cố ý thực hiện nên cần có hình phạt tương xứng để giáo dục, phòng ngừa chung trong xã hội.
Các vụ án đánh bạc ngành tòa án vừa đưa ra xét xử trong thời gian qua thể hiện sự nghiêm minh của pháp luật và cũng là bài học, lời cảnh tỉnh cho những ai còn vì thói “đỏ đen” mà sa chân vào con đường phạm pháp.
TRUNG HƯNG
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin