Tuyên truyền để không "sụp bẫy" mua bán người

10:08, 02/08/2022

Những năm gần đây, hoạt động của tội phạm mua bán người (MBN), đặc biệt là trên các tuyến biên giới diễn biến phức tạp, xâm phạm đến quyền con người, gây mất an ninh trật tự.

 

Công tác tuyên truyền phòng chống tội phạm, trong đó có tội phạm mua bán người được tỉnh Vĩnh Long thực hiện thường xuyên, phù hợp từng nhóm đối tượng.  Ảnh minh họa
Công tác tuyên truyền phòng chống tội phạm, trong đó có tội phạm mua bán người được tỉnh Vĩnh Long thực hiện thường xuyên, phù hợp từng nhóm đối tượng. Ảnh minh họa

Những năm gần đây, hoạt động của tội phạm mua bán người (MBN), đặc biệt là trên các tuyến biên giới diễn biến phức tạp, xâm phạm đến quyền con người, gây mất an ninh trật tự. Do vậy, trong công tác phòng ngừa, đấu tranh với loại tội phạm này, vấn đề tuyên truyền nâng cao cảnh giác được địa phương, cơ quan chức năng xem là trọng tâm để không ai phải “sụp bẫy” loại tội phạm này.

Nạn nhân chủ yếu là phụ nữ, trẻ em

Trong những năm qua, tội phạm MBN đã trở thành một vấn nạn toàn cầu và được Liên Hợp Quốc xác định là 1 trong 4 loại tội phạm nguy hiểm nhất. Hành vi này không chỉ xâm hại đến quyền con người mà còn làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, tinh thần, tính mạng nạn nhân, gây ảnh hưởng xấu đến tình hình an ninh, trật tự và an toàn xã hội.

Theo Bộ Công an, 6 tháng đầu năm 2022, cả nước ghi nhận 250 trường hợp bị lừa sang lao động trái phép tại các tỉnh biên giới và quốc gia lân cận. Nạn nhân chủ yếu là trẻ em hoặc phụ nữ ở độ tuổi lao động từ 18- 35. Những người này bị “giam lỏng” trong các cơ sở kinh doanh và phải tham gia vào hoạt động lừa đảo như đánh bạc trực tuyến, kinh doanh tiền ảo trên không gian mạng,… Nạn nhân bị cưỡng ép lao động từ 12- 16 tiếng mỗi ngày, bị nhốt kín trong nhà, bị bán sang các chủ sử dụng lao động khác hoặc bị đe dọa phải gọi điện về cho người thân, gia đình đòi tiền chuộc. Đối tượng cầm đầu hoạt động cưỡng bức lao động, đòi tiền chuộc, cưỡng đoạt tài sản chủ yếu là người nước ngoài và có sự tham gia, giúp sức của một số đối tượng “chân rết” là người Việt Nam.

Qua điều tra của Bộ Công an, nguyên nhân chủ yếu khiến gia tăng tình trạng MBN là do mất cân bằng về giới, nạn nhân khó khăn về kinh tế, thất nghiệp, thiếu việc làm. Lợi dụng điều này cùng sự nhẹ dạ, mất cảnh giác của nạn nhân, các đối tượng lừa bán họ ra nước ngoài; lừa gạt, dụ dỗ phụ nữ có thai ngoài ý muốn hoặc phụ nữ có thai nhưng hoàn cảnh gia đình khó khăn xuất cảnh trái phép ra nước ngoài để bán bào thai hoặc sinh con, sau đó bán trẻ sơ sinh.

Bọn tội phạm còn thông qua các trang mạng xã hội để làm quen, giả yêu, kết bạn nhằm môi giới hôn nhân nước ngoài trái phép hoặc khống chế, đe dọa nạn nhân, sau đó bán ra nước ngoài. Chúng lợi dụng hoạt động đi lại, buôn bán hàng hóa ở khu vực biên giới để tổ chức xuất cảnh trái phép, di cư, lao động thời vụ, sau đó lừa bán nạn nhân; dụ dỗ, lôi kéo những người có nhu cầu xuất khẩu lao động với mức chi phí thấp, lương cao, thủ tục đơn giản, tổ chức xuất cảnh trái phép ra nước ngoài, sau đó bán để cưỡng bức lao động,…

Tuyên truyền là công tác trọng tâm

Trong các chuỗi sự kiện hưởng ứng Ngày toàn dân phòng chống MBN (30/7), tỉnh Vĩnh Long tập trung tuyên truyền, phổ biến rộng rãi trong Nhân dân về phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm này và những hậu quả, tác hại gây ra. Triển khai cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm MBN (từ 1/7- 30/9), Công an tỉnh tập trung thực hiện các biện pháp nghiệp vụ, nắm tình hình liên quan đến MBN trên không gian mạng. Điều tra, bổ sung, điều chỉnh thông tin về địa bàn, tuyến trọng điểm, các đường dây, tổ chức, cá nhân có biểu hiện nghi vấn hoạt động MBN thông qua cho, nhận con nuôi trái phép ra nước ngoài, môi giới kết hôn với người nước ngoài, xuất khẩu lao động,... Đồng thời, rà soát, kiểm tra hành chính đối với các cơ sở kinh doanh có điều kiện về an ninh trật tự (karaoke, massage, khách sạn,…) và các khu công nghiệp, khu vui chơi giải trí để chủ động phát hiện, phòng ngừa tội phạm MBN.

Hội phụ nữ các cấp cũng đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao cảnh giác trước tình hình tội phạm đang diễn biến phức tạp hiện nay đối với toàn thể chị em hội viên. Trong công tác phòng chống tội phạm MBN, hội duy trì và phát huy hiệu quả hoạt động của các trung tâm tư vấn pháp luật, trung tâm tư vấn, hỗ trợ hôn nhân, gia đình có yếu tố nước ngoài. Song song đó, các sở, ngành, đoàn thể, tùy theo chức năng và nhiệm vụ được giao cũng tăng cường công tác tuyên truyền giáo dục pháp luật phòng chống MBN, tập trung vào nhóm có nguy cơ cao là phụ nữ và trẻ em. Vấn đề tuyên truyền đa dạng nhiều lĩnh vực như: xuất cảnh, cho nhận con nuôi, cho hoặc hiến tạng, xuất khẩu lao động có yếu tố nước ngoài, kết hôn hoặc môi giới kết hôn với người nước ngoài,...

Trong công tác đấu tranh, phòng chống tội phạm MBN, UBND tỉnh chỉ đạo Công an tỉnh tổ chức tiếp nhận, xác minh các nguồn tin báo, tố giác tội phạm của công dân, thông tin, tài liệu trên báo chí hoặc của cơ quan, đơn vị, tổ chức xã hội, cơ quan chức năng các nước, các tổ chức quốc tế chuyển giao nhằm kịp thời phát hiện, khởi tố điều tra vụ việc có dấu hiệu tội phạm MBN. Nếu có vụ việc thì khẩn trương tổ chức xác minh, điều tra, khám phá vụ án, đường dây tội phạm MBN, truy bắt đối tượng phạm tội, giải cứu và bảo vệ nạn nhân.

Trước những diễn biến tội phạm MBN ở nước ta xảy ra ngày càng phức tạp, nghiêm trọng, ngày 10/5/2016, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 793/QĐ-TTg lấy ngày 30/7 hàng năm là “Ngày toàn dân phòng chống MBN”. Qua đó, huy động mọi nguồn lực, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân tham gia phòng ngừa, ngăn chặn, tiến tới đẩy lùi tội phạm MBN trên phạm vi toàn quốc.

 Bài, ảnh: TRUNG HƯNG

 

 
Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh