Hiểm họa từ việc tàng trữ vũ khí, vật liệu nổ

05:07, 07/07/2022

Thực hiện chủ trương của Bộ Công an, Công an tỉnh Vĩnh Long đã thực hiện đồng bộ các biện pháp tổ chức ra quân, vận động người dân giao nộp và đấu tranh với hành vi vi phạm liên quan đến việc tàng trữ, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ.

 

Công an tỉnh Vĩnh Long tổ chức tiêu hủy số vũ khí, vật liệu nổ đã thu hồi.
Công an tỉnh Vĩnh Long tổ chức tiêu hủy số vũ khí, vật liệu nổ đã thu hồi.

(VLO) Thực hiện chủ trương của Bộ Công an, Công an tỉnh Vĩnh Long đã thực hiện đồng bộ các biện pháp tổ chức ra quân, vận động người dân giao nộp và đấu tranh với hành vi vi phạm liên quan đến việc tàng trữ, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ.

Qua đó, đã kịp thời phát hiện và xử lý nhiều vụ việc liên quan đến việc mua bán, tàng trữ vũ khí trái phép.

Thời gian qua, công an từ tỉnh đến cơ sở đã đẩy mạnh tuyên truyền góp phần nâng cao nhận thức, ý thức của người dân tự nguyện giao nộp khi phát hiện vũ khí, vật liệu nổ tại địa bàn.

Tuy nhiên, thời gian gần đây vẫn còn xảy ra vụ việc đau lòng liên quan đến việc tàng trữ vũ khí, vật liệu nổ. Đây là lời cảnh báo để người dân nâng cao ý thức cảnh giác không tàng trữ vũ khí, vật liệu nổ tại gia đình.

Đã gần 3 tháng trôi qua, nhưng sự hoảng loạn và niềm đau thương dường như chưa thể nguôi ngoai đối với gia đình anh Ngô Minh Thông (ngụ ấp Tường Thọ, xã Thới Hòa, huyện Trà Ôn). Khi anh Thông đã mất đi người cha của mình vì vụ nổ đầu đạn.

Anh Thông cho biết trước khi xảy ra vụ nổ, anh nhìn thấy cha mình có lượm một vật gì đó đem về để trước nhà. Đến khoảng hơn 20 giờ tối ngày 10/4/2022, cha anh đã sử dụng cây vít tác động lên vật này thì bất ngờ phát nổ, vụ nổ đã cướp đi sinh mạng của cha anh.

Nhiều năm qua, toàn lực lượng công an từ tỉnh đến cơ sở trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long đã thực hiện nhiều biện pháp tuyên truyền tận ấp- khóm- khu dân cư vận động người dân hiểu và tự nguyện giao nộp vũ khí, vật liệu nổ.

Thực tế cho thấy, hiện nay nhất là ở các vùng nông thôn, vẫn còn một bộ phận người dân vẫn chưa nhận thức đầy đủ về tác hại của việc tàng trữ các loại vũ khí, vật liệu nổ. Trong đó có sự chủ quan không lường trước hậu quả từ các loại vật liệu nổ còn sót lại sau chiến tranh nên đã dẫn đến sự mất mát đau thương.

Thượng tá Bùi Văn Nghê- Phó Trưởng Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (Công an tỉnh) cho biết: “Từ nay đến cuối năm, đơn vị sẽ tiếp tục thực hiện Kế hoạch số 105 của Bộ Công an và Kế hoạch số 46 của Giám đốc Công an tỉnh, chủ động phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ và công an các huyện- thị- thành tổ chức thực hiện có hiệu quả trong công tác tuyên truyền vận động và đấu tranh với các loại tội phạm vi phạm pháp luật liên quan đến việc tàng trữ, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ; đồng thời khuyến cáo người dân tự nguyện giao nộp khi phát hiện vũ khí, vật liệu nổ”.

Việc tàng trữ vũ khí, vật liệu nổ luôn tiềm ẩn nhiều nguy hiểm cho bản thân, gia đình và xã hội. Bên cạnh sự vào cuộc quyết liệt của lực lượng công an các cấp thì người dân cần nâng cao ý thức, không tàng trữ, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ trái phép.

Mọi người cần chủ động báo ngay cho lực lượng công an hoặc chính quyền địa phương khi phát hiện vũ khí, vật liệu nổ, hoặc nghi ngờ vật giống vật liệu nổ còn sót lại sau chiến tranh để kịp thời xử lý. Qua đó góp phần đảm bảo an ninh trật tự, hạn chế thấp nhất những mối nguy hại tiềm ẩn có thể xảy ra.

Hội đồng tiêu hủy, thanh lý các loại vũ khí thô sơ, vũ khí tự chế, công cụ hỗ trợ do Công an tỉnh thành lập, vừa tổ chức tiêu hủy hơn 1.500 loại vũ khí thô sơ, vũ khí tự chế và công cụ hỗ trợ có nguồn gốc tiếp nhận, thu gom và người dân giao nộp từ tháng 3/2020 đến nay.

Bài, ảnh: THANH THẢO- ÁI BÌNH (CAVL)

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh