Sau thời gian tranh chấp, đôi bên đã đi đến thỏa thuận bên giao tiền, bên nhận đất khép lại chuyện kiện tụng kéo dài suốt nhiều năm.
(VLO) Sau thời gian tranh chấp, đôi bên đã đi đến thỏa thuận bên giao tiền, bên nhận đất khép lại chuyện kiện tụng kéo dài suốt nhiều năm.
Năm 2017, ông N.V.S. từ Đồng Tháp đến phường Tân Hội (TP Vĩnh Long) thuê căn nhà tiền chế khoảng 90m2 gắn liền thửa đất 55 của bà L.T.B.V. để mua bán tôm.
Đến tháng 8/2018, bà V. chuyển nhượng quyền sử dụng đất (QSDĐ) và tài sản gắn liền với thửa 55 cho bà H.T.C.H. (ở phường Tân Ngãi) nhưng 2 bên thỏa thuận trong hợp đồng là chừa lại 90m2 đất ông S. đang thuê.
Ngày 20/9/2018, bà V. chuyển nhượng 90m2 đất và căn nhà tiền chế gắn liền trên đất cho ông S. với giá 130 triệu đồng. Đôi bên đã giao nhận đủ tiền và việc chuyển nhượng có lập thành văn bản viết tay, có người làm chứng nhưng chưa chứng thực và đăng ký tại cơ quan chức năng. Sau khi nhận chuyển nhượng, ông S. tiếp tục quản lý và sử dụng làm nơi mua bán cho đến nay.
Tuy nhiên, vào ngày 9/6/2020, bà H. gửi đơn khởi kiện ra tòa yêu cầu ông S. di dời cửa hàng bán tôm trả lại đất cho bà vì đó là một phần tài sản thuộc thửa 55 mà bà chuyển nhượng từ bà V. và đã được Sở Tài nguyên- Môi trường tỉnh Vĩnh Long cấp giấy chứng nhận QSDĐ.
Quá trình giải quyết vụ kiện, bà V. thừa nhận khi chuyển nhượng QSDĐ thửa 55 có thông báo là không bán phần diện tích đất ông S. đang thuê và nội dung này có ghi trong hợp đồng đặt cọc.
Sau khi chuyển nhượng QSDĐ cho bà H. thì bà V. có chuyển nhượng phần đất còn lại cho ông S. với giá 130 triệu đồng nên quyền sử dụng 90m2 đất tranh chấp thuộc về ông S.
Bà H. không đồng ý, cho rằng lúc đầu đôi bên có thỏa thuận chừa lại phần đất khoảng 90m2 tại vị trí ông S. đang thuê nhưng sau khi đặt cọc, bà H. liên hệ cơ quan chức năng tách 90m2 đất nói trên ra thì không tách được vì diện tích nhỏ.
Do đó, bà H. và bà V. đã thỏa thuận lại và ký hợp đồng chuyển nhượng toàn bộ QSDĐ, không chừa 90m2 như trong hợp đồng đặt cọc đã ghi.
Từ các chứng cứ thu thập được, HĐXX cấp sơ thẩm đã tuyên không chấp nhận yêu cầu khởi kiện buộc ông S. di dời cửa hàng bán tôm để trả lại đất của bà H. đồng thời công nhận hợp đồng mua bán viết tay giữa bà V. và ông S. đối với diện tích 90m2 đất ông S. đang làm cửa hàng bán tôm có hiệu lực pháp luật.
Bà H. không đồng ý với bản án trên nên gửi đơn kháng cáo và giữ nguyên yêu cầu buộc ông S. di dời tài sản, trả lại đất. Tuy nhiên, tại phiên xử phúc thẩm, ông S. và bà H. đã thống nhất cách giải quyết là bên giao đất, bên nhận tiền và dừng kiện tụng.
Xét thỏa thuận của đôi bên phù hợp với quy định pháp luật nên HĐXX cấp phúc thẩm đã chấp nhận và tuyên vô hiệu hợp đồng mua bán viết tay giữa bà V. và ông S. đối với 90m2 đất thuộc thửa 55.
Bà H. được sử dụng phần đất trên nhưng phải trả giá trị đất cho ông S. tương đương 200 triệu đồng. Ông S. có nghĩa vụ tháo dỡ, di dời toàn bộ căn nhà tôn và vật kiến trúc trên đất tranh chấp để giao đất cho bà H. trong 30 ngày, kể từ ngày tòa tuyên án.
DIỄM PHƯỢNG
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin