Bảo vệ an toàn cho trẻ em khi tham gia giao thông

12:07, 06/07/2022

Hiện nay, nhiều bậc cha mẹ vẫn còn thờ ơ với việc đội nón bảo hiểm (NBH) cho trẻ em từ 6 tuổi trở lên, khi tham gia giao thông. Đây là hành vi vi phạm pháp luật cần được chấn chỉnh, xử lý. Nhưng quan trọng hơn hết vẫn là việc đảm bảo an toàn cho trẻ em khi tham gia giao thông.

 

Cảnh sát giao thông Công an TP Vĩnh Long tuyên truyền quy định của pháp luật cho người tham gia giao thông.
Cảnh sát giao thông Công an TP Vĩnh Long tuyên truyền quy định của pháp luật cho người tham gia giao thông.

(VLO) Hiện nay, nhiều bậc cha mẹ vẫn còn thờ ơ với việc đội nón bảo hiểm (NBH) cho trẻ em từ 6 tuổi trở lên, khi tham gia giao thông. Đây là hành vi vi phạm pháp luật cần được chấn chỉnh, xử lý. Nhưng quan trọng hơn hết vẫn là việc đảm bảo an toàn cho trẻ em khi tham gia giao thông.

Thực tế khi lưu thông trên các tuyến đường từ thành thị đến nông thôn, chúng ta không khó để bắt gặp các trường hợp trẻ em ngồi trên xe mô tô, xe gắn máy kể cả xe máy điện nhưng không đội NBH, nhất là khu vực trước cửa các trường tiểu học.

Nhiều phụ huynh chở 2- 3 trẻ nhưng chỉ có 1 trẻ đội NBH, thậm chí không có trẻ nào đội NBH. Có trường hợp NBH treo trên xe nhưng người lớn vẫn không đội cho trẻ. Những hành vi trên không chỉ vi phạm Luật Giao thông mà còn thể hiện sự quan tâm chưa đúng mức của người lớn trước an toàn của con trẻ.

Bị phạt vì lỗi không đội NBH, chị Dương Thị A. (ở Phường 2, TP Vĩnh Long) giải thích: “Tôi đi chích ngừa về rồi bận làm công chuyện. Giật mình thấy khi trễ giờ rước con nên tôi chưa kịp đội NBH”. Chị Trương Hồng T. (ở Phường 9, TP Vĩnh Long) nói: “Em nghĩ đoạn đường gần nhà nên em hỏng có đội NBH cho con em…”

Tác dụng của việc đội NBH cho người điều khiển phương tiện tham gia giao thông nói chung và trẻ em nói riêng là rất quan trọng. Thực tế cho thấy khi có tai nạn xảy ra, thì người không đội NBH thường phải chịu hậu quả rất nặng nề, dễ gây chấn thương vùng đầu và nguy hiểm đến tính mạng.

Đồng thời, pháp luật đã có quy định rất rõ về việc trẻ em từ 6 tuổi trở lên phải đội NBH khi tham gia giao thông, cũng như chế tài xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi này.

Nghị định số 123 của Chính phủ có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2022 đã tăng nặng mức xử phạt với nhiều hành vi vi phạm trong lĩnh vực giao thông đường bộ so với Nghị định số 100. Trong đó hành vi không đội NBH tăng gấp đôi, từ 200.000- 300.000đ lên 400.000- 600.000đ.

Anh Lê Văn K. (ở phường Trường An, TP Vĩnh Long) đồng tình: “Mức phạt tăng lên mới có sức răn đe. Trước mắt là tuân thủ Luật Giao thông, nhưng quan trọng vẫn là việc bảo vệ an toàn con tụi nhỏ”.

Trung tá Bùi Văn Thẩm- Đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông- trật tự (Công an TP Vĩnh Long), cho biết: Hiện nay, người tham gia giao thông bằng xe mô tô, xe gắn máy trên đường không đội NBH cho trẻ từ 6 tuổi trở lên xảy ra khá phổ biến.

Lực lượng cảnh sát giao thông thường xuyên tuyên truyền, nhắc nhở vấn đề này để đảm bảo an toàn cho trẻ, đồng thời kiên quyết xử lý nghiêm những trường hợp cố tình không chấp hành việc đội NBH cho trẻ em từ 6 tuổi trở lên khi tham gia giao thông trên các phương tiện xe mô tô, xe gắn máy kể cả xe máy điện.

Chúng tôi khuyến cáo người dân khi tham gia giao thông phải chấp hành nghiêm quy định của pháp luật phải đội NBH cho trẻ để tạo cho trẻ thói quen chấp hành pháp luật ngay từ nhỏ cũng như an toàn cho trẻ khi lưu thông trên đường”.

Thời gian qua, đã có không ít trường hợp tai nạn giao thông đáng tiếc xảy ra mà trẻ em là nạn nhân, trong đó có một phần lỗi từ việc người lớn không đội NBH cho trẻ.

Trước thực trạng này mong rằng, bên cạnh việc tuyên truyền, nhắc nhở, tuần tra và xử lý vi phạm của lực lượng cảnh sát giao thông, thì mỗi người dân, mỗi bậc cha mẹ cần tự giác chấp hành nghiêm quy định đội NBH cho con em mình khi tham gia giao thông bằng phương tiện xe mô tô, xe gắn máy để đảm bảo an toàn. Người lớn làm gương, tạo ý thức chấp hành pháp luật cho trẻ em ngay từ nhỏ.

Bài, ảnh: THANH THẢO- ÁI BÌNH (CAVL)

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh