Sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả: Vi phạm pháp luật!

05:06, 03/06/2022

Thời gian qua, tình trạng rao bán tiền giả trên mạng xã hội có diễn biến phức tạp với các thủ đoạn lôi kéo một số người mua bán, tiêu thụ tiền giả, làm nảy sinh động cơ phạm tội, gây phức tạp an ninh trật tự.

 

Một trang công khai rao bán tiền giả.
Một trang công khai rao bán tiền giả.

(VLO) Thời gian qua, tình trạng rao bán tiền giả trên mạng xã hội có diễn biến phức tạp với các thủ đoạn lôi kéo một số người mua bán, tiêu thụ tiền giả, làm nảy sinh động cơ phạm tội, gây phức tạp an ninh trật tự.

Trong khi đó, theo quy định của pháp luật thì tội “Làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả” có thể bị phạt tù đến chung thân.

TAND tỉnh Vĩnh Long vừa đưa ra xét xử vụ án “Mua bán trái phép chất ma túy” và “Tàng trữ tiền giả” đối với bị cáo Mai Thanh Trung (SN 1985, ngụ phường Tân Hòa- TP Vĩnh Long).

Trong quá trình khám xét nơi ở của bị cáo này phục vụ công tác điều tra hành vi mua bán trái phép chất ma túy, lực lượng công an phát hiện 16 tờ tiền giả, mệnh giá 100.000đ.

Trung khai nhận nhặt được những tờ tiền này từ năm 2020, khi đem về nhà mới biết là giả nhưng không báo cơ quan chức năng mà tiếp tục cất giữ. Ngoài bị phạt 17 năm tù vì tội “Mua bán trái phép chất ma túy”, bị cáo này còn bị phạt 3 năm tù vì tội “Tàng trữ tiền giả”.

Không chỉ tàng trữ tiền giả, nhiều đối tượng còn lưu hành và sử dụng tiền giả nhằm mục đích lừa đảo. Vừa qua, một chủ tiệm thuốc tây ở xã Tân An Luông (Vũng Liêm) nhờ tinh thần cảnh giác đã phát hiện, tri hô người dân bắt được Trần Minh Quang (SN 2006, ngụ TP Hồ Chí Minh) khi đối tượng này dùng tiền giả để thanh toán.

Tại cơ quan công an, Quang khai nhận trước đó đã bàn bạc với một người bạn tên Kiệt (cùng ngụ TP Hồ Chí Minh) đổi 2 triệu tiền thật lấy 4 triệu tiền giả để mua hàng hóa và nhận lại tiền thối là tiền thật để tiêu xài.

Ngày 21/4/2022, cả hai từ TP Hồ Chí Minh đến một số cửa hàng ở Vĩnh Long mua dầu gió, nước ngọt và thanh toán bằng tiền giả nhưng khi đến tiệm thuốc tây ở xã Tân An Luông thì bị phát hiện.

Trong khi đó, điều tra của Bộ Công an cho thấy, các đối tượng phạm tội thường sử mạng xã hội đăng tải thông tin quảng cáo, mua bán tiền giả công khai với đủ mệnh giá. Chỉ cần tìm kiếm với một số từ khóa thông dụng như “tiền giả”, “polime”,… sẽ cho ra ngay nhiều thông tin quảng cáo, rao bán tiền giả.

Thủ đoạn các đối tượng thường sử dụng là dùng kỹ thuật quay phim, chụp ảnh để quảng cáo, tạo niềm tin với người tiêu dùng bằng những nội dung như “mua 1 triệu đồng tiền thật được 10 triệu đồng tiền giả”, “tiền giả giống tiền thật đến 99%”, “tiêu dùng thoải mái không lo phát hiện”,… nhằm lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.

Tại trang Facebook “K.N.” đăng tải công khai rao bán “hàng polime giống thật 98%”, kèm theo số điện thoại. Khi liên hệ, chúng tôi được một người đàn ông “tư vấn” đang có “chương trình khuyến mãi” với “tỷ lệ 1 đổi 12, có đủ mệnh giá lựa chọn”.

Người này còn tự nhận “lâu năm trong nghề và khách hàng không cần đặt cọc trước, khi nhận hàng mới giao tiền”.

Theo Bộ Công an, các đối tượng mua, bán tiền giả thường giao dịch qua tài khoản mạng xã hội để thống nhất số lượng, giá cả, hình thức giao dịch và thanh toán. Đồng thời, các đối tượng này sử dụng tài khoản ảo, sim rác để che giấu lai lịch, gây khó khăn cho công tác điều tra, xử lý.

Do vậy, Bộ Công an vừa đưa ra khuyến cáo người dân tuyệt đối không được sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả, vì đây là những hành vi vi phạm pháp luật hình sự.

Cụ thể, theo Điều 207 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), người vi phạm có thể bị phạt tù từ 3- 12 năm, phạm tội trong trường hợp tiền giả có giá trị tương ứng từ 50 triệu đồng trở lên thì bị phạt tù từ 10- 20 năm hoặc tù chung thân.

Khi phát hiện tiền giả và các hành vi như làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả, người dân nên thông báo và giao nộp cơ quan chức năng hoặc Ngân hàng Nhà nước nơi gần nhất để xử lý theo quy định của pháp luật.

Bài, ảnh: TRUNG HƯNG

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh