Người mẹ lập di chúc để lại tài sản cho con gái có nhiều công nuôi dưỡng, chăm sóc bà nhưng bị những người con còn lại kiện yêu cầu hủy bỏ di chúc vì bà không biết đọc, không biết viết, việc lập di chúc cũng không có người làm chứng theo quy định pháp luật.
(VLO) Người mẹ lập di chúc để lại tài sản cho con gái có nhiều công nuôi dưỡng, chăm sóc bà nhưng bị những người con còn lại kiện yêu cầu hủy bỏ di chúc vì bà không biết đọc, không biết viết, việc lập di chúc cũng không có người làm chứng theo quy định pháp luật.
Vợ chồng cụ N.T.N. (ở TP Vĩnh Long) có 7 người con, trong đó 4 người đã chết lúc nhỏ. Những người con còn lại thì 2 người đã có gia đình riêng, cụ N. sống với con gái tật nguyền là bà N.T.L.
Năm 2010, cụ N. chết để lại di chúc cho bà L. toàn bộ tài sản gồm 3 thửa đất (loại đất nghĩa địa, đất thổ, đất thổ vườn và căn nhà cấp 4), bà L. đang trực tiếp quản lý các tài sản trên.
Năm 2018, bà N.T.T. (chị bà L.) cùng các thành viên của gia đình anh trai cho rằng di chúc cụ N. để lại là không hợp pháp nên gửi đơn khởi kiện yêu cầu hủy bỏ di chúc và chia tài sản thành 3 phần theo di sản thừa kế.
Lý do bà T. đưa ra là cụ N. không biết chữ, khi lập di chúc không có người làm chứng nên việc bà L. được giao toàn bộ di sản là không đúng quy định pháp luật.
Bà L. không đồng ý hủy bỏ di chúc vì cha bà chết năm 1963, thời hiệu chia thừa kế đã hết và cũng không ai tranh chấp nên cụ N. có quyền định đoạt khối tài sản đó.
Ngoài ra, khi lập di chúc vào năm 2000, cụ N. đã chia cho bà T. giá trị căn nhà bằng 40 tấm tôn tương đương 1,2 triệu đồng và giá trị đất bằng 1 chỉ vàng 24k.
Anh trai bà cũng được chia 2 chỉ vàng 24k, việc giao nhận vàng có lập biên bản tại UBND phường. Đến tháng 4/2017, bà L. còn giao thêm cho bà T. 10 triệu đồng để bà T. ký tên vào văn bản thỏa thuận phân chia thừa kế được lập tại phòng công chứng.
Từ các chứng cứ thu thập được, HĐXX sơ thẩm và phúc thẩm đều tuyên di chúc cụ N. lập ngày 26/9/2000 là không hợp pháp. Cụ thể, nội dung di chúc cụ N. lập được đánh máy sẵn, cụ N. đồng ý lăn tay nhưng thời điểm chứng thực di chúc không có ai là người ký tên chứng kiến. Quá trình giải quyết vụ kiện, cả bà L. và bà T. đều thừa nhận cụ N. không biết đọc, không biết viết.
Theo quy định tại khoản 3, Điều 655 Bộ luật Dân sự thì “Di chúc của người bị hạn chế về thể chất hoặc của người không biết chữ phải được người làm chứng lập thành văn bản và có chứng nhận của công chứng Nhà nước hoặc chứng thực của UBND xã, phường, thị trấn”.
Như vậy, cụ N. là người không biết đọc, không biết viết nên việc lập di chúc ngoài được chứng thực tại cơ quan có thẩm quyền còn phải có người làm chứng và lập thành văn bản.
Do di chúc của cụ N. không thực hiện đúng quy định pháp luật nên không được công nhận là hợp pháp. Vì vậy, HĐXX đã tuyên hủy di chúc của cụ N. và chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của các nguyên đơn là chia di sản cụ N. thành 4 phần thừa kế bằng nhau chứ không phải 3 phần.
Bởi bà L. sống chung với cụ N. từ nhỏ, là người có công chăm sóc, phụng dưỡng cụ N. lúc già yếu, ốm đau và lo ma chay, mồ mả khi cụ N. qua đời nên được nhận 2 phần thừa kế, trong đó có một phần dùng để thờ cúng ông bà, cha mẹ. Bà L. được giao hiện vật là căn nhà cấp 4 cùng các thửa đất đang quản lý đồng thời phải trả giá trị 2 phần thừa kế còn lại bằng tiền cho các nguyên đơn.
DIỄM PHƯỢNG
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin