Vụ cháu gạt bà ký giấy ủy quyền ở TX Bình Minh: Hành vi của những người liên quan có cấu thành tội phạm?

10:05, 27/05/2022

Cháu gái cần tiền trả nợ đã gạt bà ngoại ký giấy ủy quyền rồi đứng ra chuyển nhượng nhà đất ngoại đang ở kéo theo nhiều hệ lụy và đẩy cụ bà 95 tuổi vào tình cảnh tranh chấp kéo dài.

 

Căn nhà cụ Đ. đang ở bị nhiều người tranh chấp.
Căn nhà cụ Đ. đang ở bị nhiều người tranh chấp.

Cháu gái cần tiền trả nợ đã gạt bà ngoại ký giấy ủy quyền rồi đứng ra chuyển nhượng nhà đất ngoại đang ở kéo theo nhiều hệ lụy và đẩy cụ bà 95 tuổi vào tình cảnh tranh chấp kéo dài.

Chị M.N.H. là cháu ngoại của cụ N.T.Đ. (SN 1927- ở phường Đông Thuận- TX Bình Minh). Cụ Đ. là người đứng tên quyền sử dụng đất (QSDĐ) diện tích 176,5m2 cùng căn nhà cấp 4 gắn liền trên đất đã mấy chục năm.

Tháng 10/2018, bỗng dưng có một nhóm người đến yêu cầu cụ Đ. giao nhà đất với lý do cụ đã chuyển nhượng cho họ. Tội nghiệp cụ Đ. khi đó không hiểu chuyện gì chỉ biết khóc. Bà N.K.E. (con gái cụ Đ.) cho biết: “Sau khi bình tĩnh lại, chúng tôi tìm hiểu mới biết H. lấy cắp sổ đỏ của mẹ tôi rồi lừa cụ ra phòng công chứng ký giấy ủy quyền, sau đó H. mang nhà đất chuyển nhượng cho người khác nên mới ra cớ sự”.

Khi làm việc với cơ quan chức năng, chị H. thừa nhận do hoàn cảnh khó khăn nên đầu tháng 5/2018, chị lén lấy cắp giấy chứng nhận QSDĐ của ngoại đem thế chấp cho bà N. (ở cùng địa phương) để vay 60 triệu đồng.

Khoảng một tháng sau, bà N. hướng dẫn chị H. đến phòng công chứng làm thủ tục ủy quyền sử dụng đất từ cụ Đ. sang chị H. nhằm hợp thức hóa việc thế chấp QSDĐ giữa bà và chị H. Từ gợi ý của bà N., chị H. đã lợi dụng tình thương của ngoại và việc cụ Đ. không biết chữ, nói dối với cụ Đ. rằng ra phòng công chứng để làm chứng cho H. làm thủ tục thừa kế đất do mẹ chết để lại. Cụ Đ. thương và tin cháu nên đã làm theo.

Ngày 21/6/2018, chị H. chở cụ Đ. đến Văn phòng công chứng P.N.K. Lúc đó, bà N. và anh N.L.P.D. cũng có mặt đã cung cấp mọi giấy tờ và yêu cầu phòng công chứng soạn hợp đồng ủy quyền sử dụng đất từ cụ Đ. cho chị H. Sau khi soạn xong hợp đồng ủy quyền, mọi người yêu cầu cụ Đ. lăn tay vào hợp đồng thì cụ làm theo.

Sau khi có hợp đồng ủy quyền, bà N. đã chuyển số tiền chị H. vay qua cho anh D. Sau đó, anh D. nói sẽ cho chị H. vay 200 triệu đồng với điều kiện chị H. phải ký hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ.

Ngày 15/8/2018, cũng tại phòng công chứng P.N.K., chị H. và anh D. đã ký hợp đồng chuyển nhượng nhà đất cụ Đ. đang ở với giá 200 triệu đồng. Sau khi ký hợp đồng, anh D. nói đưa trước 120 triệu đồng, còn lại 80 triệu đồng sẽ đưa trong 30 ngày. Tuy nhiên, khi lấy ra 120 triệu đồng thì D. chỉ đưa cho chị H. 40 triệu đồng, số còn lại D. đưa cho con rể bà N. cũng có mặt tại đó và nói 80 triệu đồng này là trả tiền chị H. nợ bà N. gồm 60 triệu đồng nợ gốc và 20 triệu đồng tiền lãi.

Đến ngày 4/9/2018, D. kêu chị H. ra quán cà phê để đưa tiếp 80 triệu đồng nhưng thực tế, chị H. chỉ nhận được 26,8 triệu đồng. Số tiền còn lại, D. đưa cho bà N. 29 triệu đồng nói là chi phí làm giấy tờ nhà đất, phần D. giữ 24,2 triệu đồng nói là phí dịch vụ vay tiền. Chị H. vốn không am hiểu pháp luật và cũng đang cần tiền nên không thắc mắc khoản tiền mà D. và bà N. cấn trừ.

Tuy nhiên, việc chị H. vay 60 triệu đồng chưa được 3 tháng bị tính lãi 20 triệu đồng và còn bị cấn trừ 53,2 triệu đồng “phí làm giấy tờ và dịch vụ vay tiền” do D. và bà N. tự quy định chưa hết ồn ào thì gia đình cụ Đ. biết được, sau khi đứng tên trên giấy chứng nhận nhà đất cụ Đ. đang ở, D. tiếp tục chuyển nhượng cho ông P.N.L. với giá 685 triệu đồng, hưởng lợi gần 500 triệu đồng. Sau đó, ông L. mang nhà đất của cụ Đ. thế chấp ngân hàng vay 400 triệu đồng.

Bất bình trước sự việc nêu trên, cụ Đ. khởi kiện yêu cầu hủy hợp đồng ủy quyền giữa cụ với chị H. và vô hiệu các hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ giữa chị H. với anh D. và giữa anh D. với ông L. đồng thời hủy giấy chứng nhận QSDĐ đã cấp cho anh D., ông L. để trả lại QSDĐ cho cụ Đ.

Tại phiên tòa sơ thẩm, HĐXX đã tuyên vô hiệu hợp đồng ủy quyền và các hợp đồng chuyển nhượng nói trên đồng thời công nhận cho cụ Đ. được quyền quản lý, sử dụng nhà đất đang tranh chấp; không chấp nhận yêu cầu độc lập của những người liên quan.

Sau đó, bản án đã bị HĐXX cấp phúc thẩm hủy và giao hồ sơ cho tòa cấp sơ thẩm giải quyết lại với nhiều nội dung cần được làm rõ. Trong đó, có phần trình tự, thủ tục công chứng hợp đồng ủy quyền của phòng công chứng P.N.K., và hành vi lừa cụ Đ. ký hợp đồng ủy quyền của chị H.

Vì theo quy định tại Điều 5 Bộ luật Tố tụng hình sự thì khi phát hiện có dấu hiệu tội phạm, cấp sơ thẩm phải gửi văn bản đề nghị cùng tài liệu có liên quan qua cơ quan cảnh sát điều tra để xác minh, điều tra xem những người liên quan có phạm tội hình sự không, trên cơ sở đó mới có căn cứ tiếp tục xử lý vụ án dân sự cho phù hợp. Trong trường hợp này, cấp sơ thẩm chưa phối hợp tốt với cơ quan có thẩm quyền trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm nên cần làm rõ, tránh bức xúc trong dư luận.

Bài, ảnh: DIỄM PHƯỢNG

 

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh