Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành cho lực lượng Công an nhân dân (CAND) sự quan tâm đặc biệt, điều đó được thể hiện ở những định hướng lớn trong việc tổ chức, xây dựng lực lượng, rèn luyện đạo đức cách mạng và trong từng nhiệm vụ cụ thể, thường xuyên và liên tục trong suốt quá trình hình thành và phát triển của lực lượng CAND.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đến dự và huấn thị tại Lễ thành lập Công an nhân dân vũ trang, ngày 3/3/1959. Ảnh: Tư liệu |
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành cho lực lượng Công an nhân dân (CAND) sự quan tâm đặc biệt, điều đó được thể hiện ở những định hướng lớn trong việc tổ chức, xây dựng lực lượng, rèn luyện đạo đức cách mạng và trong từng nhiệm vụ cụ thể, thường xuyên và liên tục trong suốt quá trình hình thành và phát triển của lực lượng CAND.
Sau ngày Cách mạng Tháng Tám thành công, Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, Chủ tịch Hồ Chí Minh quan tâm đến việc sắp xếp tổ chức, đào tạo mọi hoạt động của lực lượng CAND. Ngày 21/2/1946, Người đã ký Sắc lệnh số 23/SL thành lập Việt Nam Công an vụ trên cơ sở hợp nhất các Sở Cảnh sát với các Sở Liêm phóng toàn quốc, thống nhất tổ chức và nhiệm vụ của ngành công an cả nước.
Tiếp đó, Người ký Sắc lệnh số 46/SL bổ nhiệm chức danh Giám đốc Việt Nam Công an vụ, giao cho trọng trách lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ bảo đảm an ninh, trật tự đất nước và tích cực góp phần vào sự nghiệp giải phóng dân tộc của nhân dân ta.
Khi giao trọng trách trước Đảng và nhân dân cho lực lượng CAND, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn chỉ rõ bản chất cách mạng của lực lượng công an: “Công an của ta là CAND, vì nhân dân mà phục vụ”, CAND hoàn toàn khác “công an đế quốc”. Người nhấn mạnh làm công an không phải để làm “quan cách mạng”, cũng như làm công tác chính quyền hay ở quân đội đều là “làm đầy tớ cho nhân dân”; để “giữ trật tự, an ninh cho nhân dân”, để “xem xét, tìm tòi âm mưu phản động làm hại nhân dân”.
Vì thế, nhiệm vụ chính trị của CAND rất nặng nề nhưng cũng rất vẻ vang: “bảo vệ và phục vụ nhân dân, bảo vệ Đảng, bảo vệ chính quyền nhân dân”, “bảo vệ lợi ích nhân dân, bảo vệ sự nghiệp cách mạng”, “giữ gìn trật tự trị an, bảo vệ cho nhân dân an cư, lạc nghiệp”, góp phần “xây dựng thắng lợi chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, làm cơ sở vững mạnh cho cuộc đấu tranh thực hiện hòa bình thống nhất nước nhà”…
Để hoàn thành nhiệm vụ nặng nề nhưng rất vẻ vang này thì trước hết, dù việc lớn hay nhỏ, quan trọng hay không quan trọng, lực lượng công an cách mạng cũng đều phải có tinh thần phục vụ nhân dân sâu sắc, thực sự là “những người bạn dân”, biết “dựa vào nhân dân mà làm việc” và đặc biệt là phải “thật sự trung thành, tôn kính, thương yêu dân”.
Người nhấn mạnh điều này vì lực lượng công an không những là “con đẻ” của nhân dân, sinh ra và lớn lên trong quá trình đấu tranh cách mạng của nhân dân, mà còn vì bao nhiêu lực lượng “đều nhờ ở dân”, trong mọi công tác nếu “không có lực lượng của nhân dân, thì việc nhỏ mấy, dễ mấy làm cũng không xong; có lực lượng nhân dân thì việc khó mấy, to mấy làm cũng được” …
Cùng với việc chỉ rõ bản chất, nhiệm vụ chính trị, tổ chức và xây dựng lực lượng, học tập và nâng cao nghiệp vụ chuyên môn, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn quan tâm đến việc giáo dục, rèn luyện phẩm chất đạo đức cách mạng cho lực lượng CAND. Người luôn dành thời gian quan tâm sâu sát đến từng bước đi, từng việc làm, kịp thời động viên, uốn nắn và chỉ bảo ân cần đối với lực lượng CAND.
Những nội dung “đạo đức và tư cách” mà mỗi cán bộ chiến sĩ công an cần phải có và phải giữ cho đúng được Người đề cập đến trong hầu hết các bài nói, bài viết, trong các thư khen ngợi, trong các ý kiến chỉ đạo hoạt động của lực lượng CAND với nội dung cốt lõi là “Đối với tự mình, phải cần, kiệm, liêm, chính. Đối với đồng sự, phải thân ái, giúp đỡ. Đối với Chính phủ, phải tuyệt đối trung thành. Đối với nhân dân, phải kính trọng, lễ phép.
Đối với công việc, phải tận tụy. Đối với địch, phải cương quyết, khôn khéo”. Đây chính là mục tiêu giáo dục, rèn luyện tư cách đạo đức mà Chủ tịch Hồ Chí Minh hướng đến để mỗi cán bộ chiến sĩ công an học tập và làm theo. Những điều cơ bản, chủ chốt quan trọng này mang tính cách mạng và khoa học, đặt cơ sở nền tảng cho việc xây dựng và không ngừng nâng cao bản chất cách mạng của lực lượng CAND.
Vì thế, Người lưu ý rằng, những điều chủ chốt này phải luôn được nêu lên trên báo chí, được viết thành ca dao cho mọi người công an học thuộc, viết thành khẩu hiệu, dán tại những nơi anh em công an thường đến… để nhắc nhở mỗi cán bộ chiến sĩ cùng nhau thường xuyên học tập và tu dưỡng, luôn luôn là người “kiểu mẫu”, người “chuyên trách” thi hành đường lối chính sách của Đảng và Chính phủ, thực sự “phục vụ nhân dân”, “bảo vệ nhân dân” và xứng đáng với “lòng tin của nhân dân”…
Cũng từ đó, những lời dạy nêu trên trở thành mục tiêu phấn đấu, phương hướng rèn luyện, phương châm hành động và cách ứng xử trong các mối quan hệ đối với mình, đối với người và đối với công việc của người công an cách mạng trong thực tiễn công tác ngày nay.
Những tình cảm và sự quan tâm sâu sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với lực lượng CAND và những bài học kinh nghiệm từ thực tiễn trong quá trình học tập và làm theo những lời dạy của Người về xây dựng lực lượng CAND đang được Đảng và Nhà nước ta kế thừa và phát triển trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước.
Ngày nay, nhân dân cả nước đang nỗ lực, cố gắng hết mình trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, lập thành tích chào mừng các ngày kỷ niệm lịch sử của dân tộc. Hòa trong khí thế chung của cách mạng dân tộc, cán bộ chiến sĩ CAND ôn lại những kỷ niệm sâu sắc, ôn lại những lời chỉ bảo ân cần của Chủ tịch Hồ Chí Minh về xây dựng lực lượng CAND càng thấu hiểu tư tưởng của Người về nhiệm vụ bảo vệ an ninh trật tự.
Thấm nhuần tư tưởng của Người, mỗi chiến sĩ cán bộ CAND nêu cao tinh thần quyết tâm phấn đấu trong Cuộc vận động học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, xứng đáng là lực lượng “Vì nước quên thân, vì dân phục vụ”, là “Thanh bảo kiếm của Đảng”, luôn đi đầu trong sự nghiệp bảo vệ vững chắc an ninh của Tổ quốc.
NGUYỄN MINH THUẬN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin