Lúc đầu, nhà đất thuộc tài sản hộ gia đình nhưng khi người cha đăng ký biến động sang tài sản cá nhân và cho con trai thừa kế thì người em đòi lại nhà dẫn đến chị em bất hòa thưa kiện lẫn nhau.
(VLO) Lúc đầu, nhà đất thuộc tài sản hộ gia đình nhưng khi người cha đăng ký biến động sang tài sản cá nhân và cho con trai thừa kế thì người em đòi lại nhà dẫn đến chị em bất hòa thưa kiện lẫn nhau.
Anh H.T.H. và chị H.T.T.N. là chị em ruột cùng ở TP Vĩnh Long nhưng vì tranh chấp nhà đất cha mẹ để lại nên đôi bên không còn thuận thảo.
Cụ thể, trong đơn gửi TAND TP Vĩnh Long, anh H. trình bày: Năm 2000, cha anh là ông H.V.Đ. nhận chuyển nhượng thửa đất 142, kê khai với hình thức hộ gia đình và đã xây dựng trên đó 4 căn nhà.
Anh H. và chị N. là một trong những thành viên đồng quyền sử dụng đất (QSDĐ) nêu trên. Năm 2011, các thành viên trong hộ lập thủ tục ủy quyền cho ông Đ. đăng ký kê khai chỉnh lý thửa đất 142 sang tên cá nhân ông Đ..
Đến tháng 3/2018, anh H. được ông Đ. lập hợp đồng tặng cho thửa đất 142. Khi đó, trên phần đất này có 4 căn nhà (mỗi căn 50m2) gồm một căn ông Đ. và anh H. đang ở, một căn chị N. và các con đang ở, một căn anh H. cho thuê và một căn bỏ trống. Nay anh H. yêu cầu chị N. cùng các con trả lại nhà đất và sẽ hỗ trợ chi phí di dời 5 triệu đồng.
Chị N. không đồng ý yêu cầu khởi kiện của em trai vì thửa đất 142 là tài sản hộ gia đình, không phải của cá nhân ông Đ.. Việc các thành viên trong gia đình ủy quyền cho ông Đ. đứng tên cá nhân thửa đất trên chị không biết và cũng không có ký tên.
Hơn nữa, thời điểm lập hợp đồng tặng cho anh H. thửa đất 142, ông Đ. không đủ năng lực hành vi do bị bệnh tai biến. Do hợp đồng tặng cho QSDĐ giữa ông Đ. và anh H. không đúng quy định pháp luật nên chị N. không đồng ý trả nhà và yêu cầu hủy giấy chứng nhận QSDĐ đã cấp cho anh H..
Tại phiên tòa sơ thẩm, HĐXX của TAND TP Vĩnh Long tuyên chấp nhận yêu cầu khởi kiện của anh H., buộc chị N. phải di dời tài sản trả lại nhà cho anh H. nhưng chị N. không đồng ý, gửi đơn kháng cáo.
Tại phiên tòa phúc thẩm, HĐXX cho rằng yêu cầu được tiếp tục sử dụng nhà đất đang tranh chấp của chị N. là không có căn cứ. Bởi lẽ, anh H., chị N. và các thanh viên trong gia đình đều thừa nhận thửa đất 142 là do vợ chồng ông Đ. nhận chuyển nhượng.
Anh H., chị N và anh em trong nhà không có công sức hoặc góp tiền nên đó là tài sản của vợ chồng ông Đ.. Chị N. cho rằng thửa đất 142 được cấp cho hộ gia đình và chị là thành viên, khi ông Đ. lập thủ tục đăng ký biến động từ tài sản hộ sang cá nhân không có sự đồng ý của chị là chưa phù hợp với các tài liệu chứng cứ có trong hồ sơ vụ án.
Cụ thể, chị N. thừa nhận thửa đất là tài sản do cha mẹ chuyển nhượng, chị không có đóng góp công sức. Căn nhà chị N. đang ở cũng do cha mẹ xây dựng, chị không có đóng góp, chỉ khi về ở mới sửa chữa nhưng không đáng kể.
Việc ông Đ. lập di chúc để lại nhà đất cho anh H., chị N. không tranh chấp về phần di sản thừa kế, chứng minh chị đã thừa nhận thửa đất trên là tài sản riêng của cha mẹ.
Chị N. cũng không cung cấp được tài liệu, chứng cứ chứng minh ông Đ. không đủ năng lực hành vi khi ký hợp đồng tặng QSDĐ cho anh H. để có căn cứ vô hiệu. Do đó, tòa sơ thẩm chấp nhận yêu cầu của anh H. buộc chị N. di dời giao trả nhà đất là có căn cứ.
Từ những phân tích trên, chị N. đồng ý giao trả nhà đất cho anh H. và anh H. cũng đồng ý hỗ trợ chi phí di dời, sửa chữa nhà cho chị N. với tổng số tiền 23 triệu đồng. Xét sự thỏa thuận của anh H. và chị N. là hoàn toàn tự nguyện, phù hợp với quy định của pháp luật nên HĐXX đã công nhận.
Từ đây, vụ kiện giữa anh H. và chị N. coi như khép lại nhưng phía sau bản án là câu chuyện buồn vì ngày chị N. và các con rời căn nhà trên đi tìm nơi ở mới cũng là ngày sự rạn nứt của một mối thâm tình càng thêm sâu, không biết đến bao giờ mới được chữa lành.
DIỄM PHƯỢNG
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin