
Lợi dụng sự tin tưởng, tấm lòng thiện nguyện của các bị hại, bị cáo Phạm Văn Cung (SN 1982, ngụ huyện Tam Bình) dùng nhiều thủ đoạn lừa đảo hơn 77 tỷ đồng sử dụng vào mục đích cá nhân.
![]() |
Bị cáo Phạm Văn Cung. |
(VLO) Lợi dụng sự tin tưởng, tấm lòng thiện nguyện của các bị hại, bị cáo Phạm Văn Cung (SN 1982, ngụ huyện Tam Bình) dùng nhiều thủ đoạn lừa đảo hơn 77 tỷ đồng sử dụng vào mục đích cá nhân.
Lừa đảo chiếm đoạt hơn 77 tỷ đồng
Ngày 13/4/2022, TAND tỉnh Vĩnh Long đưa vụ án “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” ra xét xử sơ thẩm đối với bị cáo Phạm Văn Cung và Nguyễn Tuấn Sĩ (nghề nghiệp xe ôm, SN 1968, ngụ TP Vĩnh Long). Ngoài 2 bị cáo này, vụ án còn có đồng phạm là Lê Nguyên Khoa (SN 1986, ngụ TP Cần Thơ) đang bỏ trốn và bị truy nã.
Cáo trạng của Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Vĩnh Long truy tố bị cáo Cung và Sĩ vì tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” được quy định tại điểm a, khoản 4, Điều 174 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017. Theo đó, Cung là tu sĩ từ năm 2005, có pháp danh là Thích Phước Ngọc, tu tại chùa Phước Quang (Tam Bình). Đến tháng 9/2008, Cung được bổ nhiệm làm trụ trì ngôi chùa này.
Cũng trong năm 2008, Trung tâm Cô nhi viện phật giáo Suối nguồn tình thương (gọi tắt là cô nhi viện) được thành lập và đi vào hoạt động vào tháng 11/2012, Cung được giao làm giám đốc. Thời gian này, Cung quen biết với Lê Nguyên Khoa và thường xuyên liên lạc với nhau nên khi cô nhi viện đi vào hoạt động, Cung bổ nhiệm Khoa làm thư ký giúp việc.
Thực hiện mục đích lừa đảo, Cung tổ chức nhiều chương trình, sự kiện để tạo uy tín cho bản thân. Cung giới thiệu với các bị hại là mình có quen với nhiều lãnh đạo cấp cao ở Trung ương và làm các video clip về hoạt động từ thiện của chùa và cô nhi viện mà Cung là nhân vật chính thực hiện để đưa lên mạng xã hội.
Thông qua đó quảng bá hình ảnh, tạo lòng tin cho nhiều người để có tiền chi xài cá nhân. Lợi dụng danh nghĩa nhà chùa và cô nhi viện, Cung tìm cách liên hệ gặp nhiều người có điều kiện kinh tế và giới thiệu về công việc từ thiện của mình, tự nêu lên hoàn cảnh khó khăn, vất vã trong việc nuôi dạy các cháu mồ côi nhằm làm cho họ cảm thông và trợ giúp.
Cung còn chủ động dựng lên các sự kiện không có thật để vay tiền của nhiều người phục vụ mục đích cá nhân, dẫn đến không có khả năng thanh toán. Vụ án được Phạm Văn Cung và đồng phạm thực hiện trong thời gian dài từ năm 2015- 2020 và trên nhiều địa bàn, có 4 bị hại “sụp bẫy” với số tiền hơn 77 tỷ đồng. Sau khi bị tố giác, Cung đã trả lại cho 2 bị hại hơn 10 tỷ đồng, còn lại hơn 67 tỷ đồng.
Dựng chuyện bị bắt cóc để lừa đảo
Theo cáo trạng, năm 2015, Cung quen biết với bà N.T.H.P. (ngụ TP Hồ Chí Minh) nên mời người này đến tham quan chùa và cô nhi viện. Biết bà P. có khả năng về tài chính, Cung nói dối là sau khi xây chùa và cô nhi viện còn thiếu số tiền lớn nên cần giúp đỡ. Bà P. tưởng thật nên cho Cung mượn 700 triệu đồng.
![]() |
Phiên tòa dự kiến diễn ra trong 2 ngày 13 và 14/4. |
Tiếp đến, Cung nhờ một số người đóng giả bọn bắt cóc và sử dụng số điện thoại có mã vùng ở Trung Quốc gọi bà P. dọa nạt, yêu cầu chuyển tiền. Bà P. yêu cầu được nói chuyện với Cung thì bị cáo “diễn xuất” với giọng điệu hoảng hốt, run sợ. Không nghi ngờ, bà P. chuyển hơn 5,7 tỷ đồng để cứu Cung khỏi “bọn bắt cóc”.
Tháng 7/2015, Cung bàn bạc với Lê Nguyên Khoa nhờ Nguyễn Tuấn Sĩ đóng giả chủ tiệm cầm đồ đã cầm xe ô tô của Cung. Đồng thời, Cung báo cho bà P. biết việc này, nhờ bà chuộc xe giúp. Cung sắp xếp để bà P. đến Vĩnh Long và dặn Sĩ nói chuyện như “kịch bản” mà bị cáo và Khoa đã chuẩn bị sẵn.
Lần này, bà P. đưa Sĩ 600 triệu đồng, sau đó Sĩ đưa lại cho Khoa và được hưởng tiền công 500.000đ. Ngoài ra, Cung còn dùng nhiều thủ đoạn “than khổ”, bị bệnh cần tiền chi tiêu để lừa đảo của bà P. tổng cộng hơn 11 tỷ đồng.
Cũng với thủ đoạn dựng lên màn kịch bị bắt cóc đòi tiền chuộc, Cung lừa đảo của bà B.T.N. (ngụ TP Hà Nội) hơn 26 tỷ đồng. Cụ thể, Cung quen biết bà N. từ năm 2017 nên mời người phụ nữ này đến Tam Bình tham quan chùa và cô nhi viện.
Khi nhận được sự tin tưởng, Cung nhắn tin “thông báo” cho bà N. là mình đang bị bắt ép, dọa giết, đòi tiền chuộc, kèm theo các hình ảnh “chứng minh” như: tay cầm thuốc ngủ, trước mặt Cung có dao, bó nhang. Tưởng thật, bà N. chuyển hơn 26 tỷ đồng để “cứu” Cung.
Năm 2018, Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Vĩnh Long đã đình chỉ hoạt động phật sự đối với Thích Phước Ngọc (tức Phạm Văn Cung) và đến tháng 11/2019 thì bị bãi nhiệm khỏi vị trí trụ trì chùa Phước Quang. Tháng 8/2020, Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Vĩnh Long quyết định Thích Phước Ngọc nghỉ sinh hoạt tôn giáo, thu hồi chứng điệp thọ giới và giấy chứng nhận tăng ni. Cuối năm 2020, Cơ quan An ninh điều tra đã bắt tạm giam đối với Phạm Văn Cung, phục vụ công tác điều tra.
Phiên tòa dự kiến diễn ra trong 2 ngày 13 và 14/4. Trong ngày xét xử đầu tiên, HĐXX đã thẩm tra lý lịch của các bị cáo và những người có liên quan; đại diện Viện kiểm sát Nhân dân tỉnh Vĩnh Long- giữ quyền công tố tại tòa thông qua cáo trạng truy tố đối với 2 bị cáo. Trong phần xét hỏi, bị cáo Phạm Văn Cung thừa nhận hành vi đúng như cáo trạng đã truy tố và không có ý kiến gì thêm.
Bài, ảnh: NGUYỄN THỊNH- TẤN ANH
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin