
Một nhóm 5 người rủ nhau mua đất phân lô và thỏa thuận miệng mở lối đi chung ra đường công cộng. Sau đó, một trong những lô đất trên được chuyển nhượng cho người khác thì xảy ra tranh chấp do giấy tờ không thể hiện việc có chừa lối đi chung.
Một nhóm 5 người rủ nhau mua đất phân lô và thỏa thuận miệng mở lối đi chung ra đường công cộng. Sau đó, một trong những lô đất trên được chuyển nhượng cho người khác thì xảy ra tranh chấp do giấy tờ không thể hiện việc có chừa lối đi chung.
Tháng 6/2004, bà N.K.M. (ở TP Hồ Chí Minh) cùng người thân ở TP Vĩnh Long và huyện Long Hồ gồm 5 người nhận chuyển nhượng 1.400m2 đất dạng phân lô. Sau đó, 5 người thỏa thuận mở lối đi chung ngang 3m, dài 60m dọc theo đất đã mua. Do bạn bè tin tưởng nhau nên việc chừa lối đi chung chỉ thỏa thuận miệng, không lập thành văn bản. Đến tháng 9/2019, khi một trong những lô đất trên sang tên đổi chủ và xảy ra tranh chấp thì bà M. và những người bạn mới lập biên bản xác nhận mở lối đi chung nhằm làm chứng cứ khởi kiện ra tòa.
Theo lời trình bày của bà M. và các nguyên đơn: Sau khi chuyển nhượng 1.400m2 đất, một người trong nhóm đã chuyển nhượng lô đất thuộc quyền sở hữu của mình cho người khác. Đến tháng 8/2019, người này lại chuyển nhượng lô đất trên cho ông N.T.L. (ở TP Vĩnh Long). Ngày 4/9/2019, ông L. xây căn nhà cấp 4 thì xây bít luôn lối đi chung mà bà M. và các hộ liền kề đã thỏa thuận. Ngoài ra, ông L. còn xây lấn sang đất bà M. diện tích 6,3m2. Trong lúc đôi bên đang tranh chấp thì ngày 20/12/2019, ông L. chuyển nhượng nhà đất cho chị P.T.H. (cũng ở TP Vĩnh Long). Do đó, các nguyên đơn đồng khởi kiện yêu cầu chị H. tháo dỡ nhà vệ sinh, bếp mà ông L. đã xây trên lối đi chung với diện tích 13,6m2. Các nguyên đơn sẽ bồi thường cho chị H. phần đất này theo giá Nhà nước quy định là 1 triệu đồng/m2. Bà M. cũng yêu cầu chị H. tháo dỡ phần nhà lấn sang đất của bà là 6,3m2.
Quá trình giải quyết vụ kiện, chị H. cho rằng, khi nhận chuyển nhượng đất từ ông L. thì căn nhà đã có sẵn, kiểm tra ranh mốc thấy đúng như giấy chứng nhận quyền sử dụng đất được cấp nên chị không biết ông L. xây lấn sang đất bà M. Nay chị đồng ý với kết luận của Phòng Tài nguyên và Môi trường TP Vĩnh Long về việc lấn đất bà M. và yêu cầu được tiếp tục sử dụng 6,3m2 đất tranh chấp, chị sẽ bồi thường tiền đất cho bà M. theo giá thị trường là 3,5 triệu đồng/m2, tương đương hơn 22 triệu đồng.
Riêng yêu cầu mở lối đi, chị H. cho biết lúc mua nhà đất của ông L. thì hiện trạng phía trước căn nhà có lối đi bằng bê tông rộng 2m do chủ đất đối diện thỏa thuận cho ông L. đi chung. Chị không biết việc các chủ đất liền kề thỏa thuận mở lối đi phía sau nhà nên không đồng ý tháo dỡ nhà vệ sinh, bếp để mở lối đi mà các nguyên đơn có thể thỏa thuận với chủ đất phía trước để có lối đi ra đường công cộng.
Qua 2 cấp xét xử, HĐXX sơ thẩm và phúc thẩm đều không chấp nhận yêu cầu của các nguyên đơn. Vì thời điểm chuyển nhượng đất, chị H. không biết ông L. xây nhà lấn sang đất bà M. Hiện tại trên phần đất tranh chấp 6,3m2 là bức tường căn nhà của chị H., nếu tháo dỡ bức tường để trả lại đất cho bà M. sẽ ảnh hưởng đến kết cấu toàn bộ căn nhà nên việc công nhận cho chị H. được sử dụng 6,3m2 đất tranh chấp và buộc chị H. phải trả giá trị đất cho bà M. là phù hợp. Tại phiên tòa phúc thẩm, chị H. đã tự nguyện tăng giá trị bồi thường đất cho bà M. lên 5 triệu đồng/m2 tương đương 31,5 triệu đồng. Xét sự tự nguyện này của chị H. là phù hợp và có lợi cho bà M. nên được công nhận.
Đối với yêu cầu mở lối đi, HĐXX nhận thấy: Tháng 6/2004, bà M. và các nguyên đơn có chuyển nhượng chung lô đất, thỏa thuận mở lối đi nhưng chưa thực hiện mà chỉ thỏa thuận miệng. Khi ông L. nhận chuyển nhượng đất rồi đến chị H. cũng không có văn bản nào thể hiện việc chừa lối đi chung. Do đó, yêu cầu chị H. phải tháo dỡ nhà vệ sinh, bếp để mở lối đi của các nguyên đơn là không phù hợp, gây nhiều thiệt hại cho chị H. Mặt khác, liền kề với các thửa đất của bà M. và các nguyên đơn hiện có lối đi ra đường công cộng và chị H. cũng đang sử dụng lối đi này nên việc các nguyên đơn cho rằng không có lối đi ra đường công cộng là không có căn cứ. Vì thế, HĐXX đã tuyên cho chị H. được quyền sử dụng 6,3m2 đất tranh chấp và công nhận sự tự nguyện bồi hoàn giá trị 6,3m2 của chị H. cho bà M. tương đương 31,5 triệu đồng. Không chấp nhận yêu cầu chị H. tháo dỡ nhà vệ sinh, bếp để mở lối đi chung của các nguyên đơn.
Câu chuyện trên một lần nữa cho thấy, dù thân tình đến mấy thì trong các quan hệ giao dịch dân sự, nếu thỏa thuận bằng lời nói cần phải được ghi âm hoặc thể hiện bằng văn bản để khi xảy ra tranh chấp thì đó mới là chứng cứ có giá trị được pháp luật thừa nhận.
DIỄM PHƯỢNG
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin