Thua kiện từ giọng nói được ghi âm

01:04, 13/04/2022

Chia tay rồi tái hợp nhưng cuối cùng cũng không thể đi chung đường, thậm chí người chồng còn kiện ra tòa đòi số tiền cho vợ mượn lúc mới yêu, dẫn đến mối quan hệ tệ hơn người xa lạ.

(VLO) Chia tay rồi tái hợp nhưng cuối cùng cũng không thể đi chung đường, thậm chí người chồng còn kiện ra tòa đòi số tiền cho vợ mượn lúc mới yêu, dẫn đến mối quan hệ tệ hơn người xa lạ.

Cuối tháng 11/2021, anh H.V.L. (ở TP Hồ Chí Minh) và chị Đ.H.H. (ở TP Vĩnh Long) dẫn nhau ra tòa với tư cách là nguyên đơn và bị đơn trong vụ kiện đòi tiền, dù trước đó 2 người đã có khoảng thời gian là vợ chồng bên nhau nồng ấm.

Cụ thể, trong đơn khởi kiện gửi TAND TP Vĩnh Long, anh L. trình bày: Cuối năm 2017, chị H. nhiều lần vay tiền của anh và anh đã chuyển vào tài khoản của cha chị H. tổng cộng 150 triệu đồng. Sau đó, chị H. có viết biên nhận và cam kết sẽ trả số nợ trên trong 1 năm.

Đến cuối năm 2018, chị H. chuyển trả cho anh L. 50 triệu đồng, còn 100 triệu đồng đến nay chưa trả nên anh yêu cầu chị H. trả nợ gốc 100 triệu đồng cùng tiền lời trên 10,8 triệu đồng.

Chị H. thừa nhận: Chị và anh L. từng là vợ chồng. Năm 2017, lúc chưa cưới nhau, chị có vay của anh L. 150 triệu đồng để cha mẹ xây nhà.

Khi đó, anh L. nói sau này tổ chức đám cưới thì tiền nạp tài sẽ giảm lại và khi nào chị H. có tiền thì trả số nợ trên. Kết hôn xong, vợ chồng sống với nhau đến tháng 6/2018 thì xảy ra mâu thuẫn.

Vì muốn rõ ràng về tiền bạc nên chị H. đã viết giấy nhận nợ với anh L. và cam kết sẽ trả trong 1 năm, nếu không trả đúng hẹn thì chị phải bồi thường thêm 20 triệu đồng. Sau đó, vợ chồng chị hàn gắn lại tình cảm và cùng thống nhất mua căn hộ ở TP Hồ Chí Minh.

Do thiếu vốn nên chị và anh L. cùng đứng tên vay ngân hàng trên 3,3 tỷ đồng và số tiền này sẽ được giải ngân theo từng đợt của dự án căn hộ.

Theo thỏa thuận, sau khi bán lại hoặc thanh lý được căn hộ trên, anh L. sẽ chuyển cho chị 120 triệu đồng tiền lời. Nếu không bán được căn hộ thì số tiền chị H. thiếu, anh L. không thu hồi xem như tất nợ. Thấy anh L. đưa ra điều kiện hợp lý nên chị H. cùng ký tên vay tiền.

Đến tháng 1/2019, chị H. phát hiện anh L. chung sống với người phụ nữ khác như vợ chồng nên mâu thuẫn tiếp tục xảy ra và chị H. không đồng ý ký tên cho anh L. vay tiền tiếp.

Từ đó, anh L. gửi đơn xin ly hôn và chị H. đã đồng ý, đôi bên thỏa thuận không tranh chấp tài sản chung, mọi vấn đề về tiền bạc, nợ nần xem như giải quyết xong, sau này không ai kiện tụng ra tòa.

Như vậy, theo thỏa thuận trên thì sau khi ly hôn, chị H. không phải trả anh L. 100 triệu đồng và hiện căn hộ trên anh L. cũng đã bán nhưng không chia tiền lời như thỏa thuận ban đầu nên chị H. không đồng ý trả 100 triệu đồng theo yêu cầu của anh L..

Quá trình giải quyết vụ kiện, chị H. cung cấp chứng cứ là USB có giọng nói của anh L. thỏa thuận việc chị H. không phải trả số nợ 100 triệu đồng sau khi ly hôn. Tuy nhiên, anh L. không thừa nhận đó là giọng nói của mình và cho rằng file ghi âm đã bị cắt ghép nên chị H. yêu cầu giám định.

Theo đó, ngày 7/4/2021, Phân viện Khoa học hình sự- Bộ Công an đã kết luận “tiếng nói của người nam trong 2 file mẫu cần giám định và tiếng nói của anh L. trong mẫu so sánh là cùng một người nói ra”.

Tại phiên tòa, anh L. không có ý kiến khiếu nại cũng không yêu cầu giám định lại nên có đủ căn cứ khẳng định đó là giọng nói của anh L., nội dung thỏa thuận việc chị H. không phải trả số nợ 100 triệu đồng, đổi lại chị H. không tranh chấp tài sản chung với anh L..

Từ đó cho thấy, anh L. và chị H. đã giải quyết xong tài sản cũng như nợ khi ly hôn nên không có cơ sở buộc chị H. phải trả 100 triệu đồng cùng tiền lời trên 10,8 triệu đồng cho anh L..

Do đó, HĐXX tuyên không chấp nhận yêu cầu khởi kiện đòi chị H. trả số tiền hơn 110,8 triệu đồng của anh L. đồng thời buộc anh L. phải nộp hơn 5,5 triệu đồng án phí và 10 triệu đồng chi phí giám định giọng nói.

Chia tay đòi quà khi tình yêu rạn nứt của một số cặp đôi là việc làm không được dư luận ủng hộ. Thế nên chuyện anh chồng đòi tiền người từng “đầu ấp, tay gối” và đã thua kiện càng không nhận được sự đồng cảm của nhiều người.

Do đó, nếu không thể cùng nhau sánh bước thì khi chia tay cũng nên hành xử rộng lượng và văn minh để người trong cuộc không bị tổn thương khi đối diện.

DIỄM PHƯỢNG

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh