Vay tiền ngân hàng hùn vốn làm ăn với thỏa thuận lời chia đôi, đến khi xảy ra tranh chấp thì nguyên đơn khởi kiện đòi tiền lãi với lý do đó là tiền cho vay chứ không phải hợp tác làm ăn.
(VLO) Vay tiền ngân hàng hùn vốn làm ăn với thỏa thuận lời chia đôi, đến khi xảy ra tranh chấp thì nguyên đơn khởi kiện đòi tiền lãi với lý do đó là tiền cho vay chứ không phải hợp tác làm ăn.
Bà L.B.H. và anh N.H.A. (ở TP Vĩnh Long) cùng kinh doanh và giới thiệu bán hàng cho một công ty mỹ phẩm nên quen biết nhau. Cuối tháng 12/2020, anh A. nói với bà H. có khách đặt mua mỹ phẩm của công ty với chiết khấu 20% nhưng không có tiền mua hàng về bán.
Sau đó, anh A. hỏi mượn bà H. 57 triệu đồng với thỏa thuận sau khi mua hàng về bán xong, trong vòng một tuần sẽ trả tiền và chia cho bà H. 10% tiền lời.
Bà H. đồng ý với lời đề nghị trên nhưng sau khi đưa tiền thì bà mới biết không có chuyện khách đặt mua hàng như lời anh A.. Khi bà H. tìm anh A. hỏi thì anh A. hứa qua Tết Âm lịch sẽ vay tiền trả lại và tính lãi 5%/tháng kể từ tháng 1/2021.
Tuy nhiên, thỏa thuận này không được ghi cụ thể bằng văn bản và đến nay anh A. vẫn chưa trả số tiền trên nên bà H. gửi đơn khởi kiện yêu cầu anh A. trả lại 57 triệu đồng và lãi hơn 12,3 triệu đồng.
Tại phiên tòa sơ thẩm, HĐXX của TAND TP Vĩnh Long không chấp nhận yêu cầu tính lãi của bà H. do đây là quan hệ hợp tác, không phải vay tài sản nên chỉ buộc anh A. trả lại cho bà H. số tiền 57 triệu đồng.
Ngày 9/11/2021, bà H. kháng cáo và trình bày: Khi đưa 57 triệu đồng, bà H. đã sơ suất không yêu cầu anh A. ghi rõ nội dung vay tiền cũng như các thỏa thuận cụ thể về việc trả tiền vay vào biên nhận. Một phần cũng do bà H. nhầm lẫn giữa việc cho vay và hùn vốn nên đã bị anh A. lừa dối.
Thực tế, số tiền bà H. giao cho anh A. là vay từ ngân hàng và bà phải đóng lãi nên yêu cầu tòa phúc thẩm buộc anh A. phải trả lãi đối với số tiền đã nhận.
Từ lời khai và các chứng cứ thu thập được, HĐXX cấp phúc thẩm nhận định kháng cáo của bà H. là không có căn cứ, không phù hợp với biên nhận thể hiện nội dung anh A. ký nhận 57 triệu đồng là để hùn bán mỹ phẩm, lời chia đôi.
Ngoài ra, bà H. cũng không cung cấp được chứng cứ chứng minh việc đưa tiền cho anh A. là giao dịch cho vay có thỏa thuận lãi suất nên đây là quan hệ hợp tác đôi bên cùng hưởng lợi và cùng chịu trách nhiệm.
Cụ thể, tại Điều 504 Bộ luật Dân sự quy định: Hợp đồng hợp tác là sự thỏa thuận giữa các cá nhân, pháp nhân về việc cùng đóng góp tài sản, công sức để thực hiện công việc nhất định, cùng hưởng lợi và cùng chịu trách nhiệm.
Do đó, việc bà H. không đồng ý giao dịch với anh A. là quan hệ hợp tác mà là cho vay là chưa phù hợp với quy định pháp luật nên yêu cầu anh A. phải trả lãi đối với số tiền đã nhận của bà H. không được HĐXX phúc thẩm chấp nhận.
Vậy là bà H. phải gánh chịu thiệt hại, tự chịu phần tiền lãi đã đóng cho ngân hàng chỉ vì một lỗi đã được bà H. xác định trong quá trình giải quyết vụ kiện là không ghi rõ nội dung vay tiền và thỏa thuận lãi suất vào văn bản. Đây được xem là bài học pháp lý không chỉ dành riêng cho bà H. mà còn đáng để nhiều người suy ngẫm.
DIỄM PHƯỢNG
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin