Phương tiện giao thông (GT) đường bộ ngày càng tăng, hạ tầng GT còn nhiều bất cập, Luật GT đường bộ năm 2008 đã bộc lộ nhiều hạn chế. Do đó, tại hội thảo do Bộ Công an tổ chức, nhiều ý kiến cho rằng việc tách luật này thành 2 luật riêng biệt là cần thiết nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn.
Theo đánh giá của Bộ Công an, tai nạn giao thông vẫn còn xảy ra ở mức cao và nghiêm trọng. Ảnh minh họa |
Phương tiện giao thông (GT) đường bộ ngày càng tăng, hạ tầng GT còn nhiều bất cập, Luật GT đường bộ năm 2008 đã bộc lộ nhiều hạn chế. Do đó, tại hội thảo do Bộ Công an tổ chức, nhiều ý kiến cho rằng việc tách luật này thành 2 luật riêng biệt là cần thiết nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn.
12 năm: trên 361.000 vụ tai nạn GT đường bộ
Theo Bộ Công an, trong những năm qua, tình hình trật tự, an toàn GT đường bộ tuy đã có những chuyển biến nhưng chưa thực sự căn bản, vững chắc, còn nhiều diễn biến phức tạp; tai nạn GT vẫn ở mức cao và nghiêm trọng, nhất là số người chết. Theo thống kê, từ năm 2009- 2021, cả nước đã xảy ra trên 361.000 vụ tai nạn GT đường bộ, làm chết trên 113.000 người, bị thương trên 356.000 người; chiếm trên 97% số vụ, số người chết, người bị thương trong tổng số vụ tai nạn của các loại hình GT. Trung bình mỗi năm có gần 9.000 người chết, gần 30.000 người bị thương, trong đó chủ yếu trong độ tuổi lao động, nguyên nhân gây tai nạn GT do lỗi của người tham gia GT chiếm trên 90% số vụ.
Tình trạng ngang nhiên vi phạm, coi thường pháp luật khi tham gia GT vẫn diễn ra phổ biến, văn hóa GT còn nhiều yếu kém, bất cập, GT hỗn hợp mất an toàn vẫn là nỗi ám ảnh với người tham gia GT, gây thiệt hại lớn về người và tài sản, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế, thu hút đầu tư nước ngoài, an sinh xã hội. Cũng trong khoảng 12 năm qua, lực lượng chức năng đã xử lý trên 65 triệu trường hợp vi phạm; 596 vụ chống lại lực lượng làm công tác bảo đảm trật tự, an toàn GT, làm 7 cán bộ hy sinh, 186 cán bộ bị thương.
Trong khi đó, ùn tắc GT xảy ra phức tạp tại các thành phố lớn do lưu lượng phương tiện tăng đột biến, trong khi quy hoạch GT, tổ chức GT, hạ tầng GT chưa đáp ứng yêu cầu, gây tắc nghẽn trên diện rộng tại các đô thị lớn và trên các tuyến cao tốc, quốc lộ trọng điểm, gây ra những thiệt hại không nhỏ về kinh tế, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe và đời sống của nhân dân, tác động không tốt đến môi trường du lịch, thu hút đầu tư nước ngoài và hình ảnh của Việt Nam đối với bạn bè quốc tế. Các loại tội phạm hoạt động trên các tuyến GT đường bộ diễn biến hết sức phức tạp, trong đó đã phát hiện, xử lý trên 40.000 vụ vi phạm pháp luật hình sự trên tuyến GT, bắt trên 14.000 đối tượng. Ngoài ra, các vấn đề về an ninh như biểu tình trái pháp luật, tụ tập đông người trên đường bộ ảnh hưởng trực tiếp đến an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội. Điều này thể hiện vấn đề an ninh con người trong lĩnh vực GT đường bộ chưa được bảo đảm.
Đề xuất tách Luật GT đường bộ năm 2008 thành 2 luật
Tháng 3 vừa qua, Bộ Công an đã tổ chức hội thảo khoa học “Luận cứ khoa học và thực tiễn của việc xây dựng dự án Luật Trật tự, an toàn GT đường bộ”. Các chuyên gia cho rằng một trong những nguyên nhân cơ bản của tình trạng trên là do hoạt động GT đường bộ liên quan, tác động trực tiếp đến quyền con người, đó là bảo đảm an toàn tính mạng, sức khoẻ khi đi lại. Và theo quy định của Hiến pháp năm 2013 thì những quyền này phải được quy định trong văn bản luật. Theo đó, một số chế định tuy đã được điều chỉnh trong Luật GT đường bộ năm 2008 như quy tắc GT, người và phương tiện tham gia GT nhưng vẫn còn nhiều quy định thiếu cụ thể, chưa sát với thực tiễn để tổ chức thực hiện.
Qua nghiên cứu, tham khảo pháp luật của nhiều quốc gia thì không có quốc gia nào ban hành luật GT đường bộ bao gồm cả 3 lĩnh vực: an toàn GT, kết cấu hạ tầng và vận tải đường bộ. Trong khi, Luật GT đường bộ năm 2008 đang bộc lộ một số trong quy định về kết cấu hạ tầng GT, về vận tải, kết cấu, phân công, phân cấp trách nhiệm quản lý nhà nước về GT,… Theo Đại tá Đỗ Thanh Bình- Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát GT (Bộ Công an), thời điểm Luật GT đường bộ được ban hành năm 2008 thì GT nước ta chủ yếu là mô tô, xe máy, hệ thống hạ tầng GT còn hạn chế. Và đến nay đã phát sinh nhiều hạn chế và không còn phù hợp thực tế. Do đó, đòi hỏi khách quan phải ban hành những luật mới thay thế, điều chỉnh từng lĩnh vực về hạ tầng, vận tải và trật tự, an toàn GT.
Nhiều chuyên gia cho rằng, sau hơn 13 năm thực hiện, Luật GT đường bộ năm 2008 đã hoàn thành “vai trò và sứ mệnh lịch sử”. Nếu tiếp tục kết cấu trong một luật như hiện nay thì không thể quy định được đầy đủ, rõ ràng và khó có sự liên kết chặt chẽ giữa các nội dung, chế định của từng lĩnh vực hoặc nội dung quá lớn.
Thực tiễn đòi hỏi phải xây dựng các luật chuyên ngành để điều chỉnh từng lĩnh vực cụ thể. Trong đó, xây dựng Luật Trật tự, an toàn GT đường bộ để xây dựng thói quen, ý thức tự giác và hình thành văn hóa GT hiện đại, mang tính ổn định lâu dài, khắc phục được những hạn chế, yếu kém hiện nay, hướng tới tiếp cận văn hóa GT của các nước phát triển trên thế giới, đề cao bảo vệ tính mạng cho con người; xây dựng Luật Đường bộ để phát triển hạ tầng GT, quản lý vận tải, thích ứng với sự thay đổi, phát triển nhanh của kinh tế, xã hội, khoa học, kỹ thuật, hướng tới phát triển hệ thống hạ tầng GT, vận tải hiện đại, đồng bộ, chất lượng.
Từ năm 2008 đến nay, phương tiện GT tăng nhanh, chủ yếu là các phương tiện cá nhân. Cả nước đã đăng ký trên 4,6 triệu xe ô tô (gấp 5,45 lần so năm 2008 trở về trước), trên 49,9 triệu xe mô tô (gấp 2,92 lần so năm 2008 trở về trước). |
Bài, ảnh: NGUYỄN THỊNH
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin