Bị xử thua, thân chủ kiện luật sư

01:04, 12/04/2022

Sau khi thua kiện, bị đơn cho rằng luật sư được ủy quyền trong vụ tranh chấp đất đã "bắt tay" với nguyên đơn gây bất lợi cho mình nên gửi đơn khởi kiện yêu cầu luật sư bồi thường thiệt hại.

(VLO) Sau khi thua kiện, bị đơn cho rằng luật sư được ủy quyền trong vụ tranh chấp đất đã “bắt tay” với nguyên đơn gây bất lợi cho mình nên gửi đơn khởi kiện yêu cầu luật sư bồi thường thiệt hại.

Năm 2013, chị N.T.K.L. (ở TP Vĩnh Long) bị bà nội là bà H.T.Đ. khởi kiện đòi lại thửa đất thuộc di sản thừa kế của nhiều người. Do đó, ngày 23/10/2013, chị L. đến một văn phòng luật sư ở Phường 2 ký hợp đồng dịch vụ pháp lý, ủy quyền cho luật sư tham gia tố tụng với giá 40 triệu đồng.

Theo thỏa thuận, chị L. sẽ thanh toán số tiền này sau khi nhận được tiền giải tỏa đền bù phần đất tranh chấp; nếu chị L. thua kiện thì không phải trả số tiền trên.

Sau khi ký hợp đồng, anh T.H.N. là luật sư cộng sự của văn phòng nói trên được giao hồ sơ vụ kiện và trực tiếp ký văn bản ủy quyền với chị L.

Quá trình giải quyết vụ việc, luật sư N. tham gia tố tụng với tư cách là người đại diện theo ủy quyền, bảo vệ quyền và lợi ích của chị L. nhưng tại phiên tòa sơ thẩm, chị L. đã bị xử thua kiện nên kháng cáo.

Khi tham gia tố tụng tại cấp phúc thẩm, luật sư N. yêu cầu ứng trước 10 triệu đồng và hứa sẽ thắng kiện nhưng tại phiên xử phúc thẩm, chị L. chỉ nhận được phần đất diện tích 84,1m2 trong tổng số 1.484,8m2 đang tranh chấp. Sau đó, chị L. gửi đơn khiếu nại giám đốc thẩm nhiều lần nhưng Viện KSND cấp cao tại TP Hồ Chí Minh đã có văn bản trả lời không chấp nhận khiếu nại.

Giữa lúc tranh chấp trong thân tộc vẫn còn âm ỉ thì chị L. nghe được thông tin luật sư N. “bắt tay” thỏa thuận với bên bà Đ., cố tình dạy cho chị trình bày những điều bất lợi tại tòa dẫn đến thua kiện. Do đó, chị L. quay sang khởi đơn kiện luật sư N. yêu cầu bồi thường thiệt hại 1/2 giá trị diện tích đất tranh chấp tương đương 200 triệu đồng.

Anh N. không đồng ý bồi thường số tiền trên với lý do trong quá trình tham gia tố tụng tại cấp sơ thẩm và phúc thẩm, anh đã tư vấn và giải thích cho chị L. biết các quyền lợi để lựa chọn đồng thời tôn trọng ý kiến của người ủy quyền nên có đề nghị chị L. trực tiếp trình bày ý kiến xác định yêu cầu của mình để HĐXX xem xét.

Qua đó, bản án phúc thẩm của TAND tỉnh Vĩnh Long đã xem xét chấp nhận cho chị L. được sở hữu 84,1m2 đất chứ không phải thua toàn bộ như quyết định của tòa sơ thẩm.

Ngày 16/11/2021, HĐXX của TAND TP Vĩnh Long đã đưa vụ kiện đòi luật sư bồi thường 1/2 giá trị đất bị xử thua của chị L. ra xét xử sơ thẩm và tuyên không chấp nhận yêu cầu của chị L.. Sau đó, chị L. kháng cáo và cũng không được tòa phúc thẩm chấp nhận.

Theo HĐXX, tại hợp đồng ủy quyền giữa chị L. và anh N. có thể hiện nội dung “mọi ý kiến của bên nhận ủy quyền được coi là ý kiến của bên ủy quyền và có giá trị quyết định” nên việc anh N. đại diện theo ủy quyền của chị L. trình bày ý kiến tại tòa được xem là ý chí của chị L. và có giá trị quyết định.

Mặt khác, khi vụ tranh chấp đất được đưa ra xét xử phúc thẩm vào ngày 5/1/2017, chị L. cũng có mặt tại tòa và trình bày tự nguyện giao trả quyền sử dụng đất lại cho bà Đ., chỉ yêu cầu được nhận phần đất 84,1m2 nên HĐXX đã ghi nhận.

Như vậy, chị L. nghe, hiểu rõ quy định pháp luật và thỏa thuận trả lại đất cho bà Đ. là xuất phát từ ý chí tự nguyện, không bị ai ép buộc nên việc chị L. cho rằng luật sư N. đã gây ra thiệt hại khi thực hiện ủy quyền là chưa có căn cứ.

Do đó, yêu cầu buộc luật sư N. bồi thường 1/2 giá trị tài sản tranh chấp tương đương 200 triệu đồng của chị L. là không có căn cứ chấp nhận.

DIỄM PHƯỢNG

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh