Nhiều quy định tiến bộ

01:02, 08/02/2022

Kế thừa những quy định cũ, Luật Phòng, chống ma túy năm 2021 với nhiều điểm mới sửa đổi, bổ sung được kỳ vọng tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc liên quan đến thực tiễn công tác phòng chống ma túy và cai nghiện.

 

Lao động kết hợp trị liệu, đào tạo nghề cho học viên tại cơ sở cai nghiện ma túy. Ảnh minh họa
Lao động kết hợp trị liệu, đào tạo nghề cho học viên tại cơ sở cai nghiện ma túy. Ảnh minh họa

(VLO) Kế thừa những quy định cũ, Luật Phòng, chống ma túy năm 2021 với nhiều điểm mới sửa đổi, bổ sung được kỳ vọng tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc liên quan đến thực tiễn công tác phòng chống ma túy và cai nghiện. Qua đó, tạo hành lang pháp lý vững chắc góp phần đảm bảo trật tự an toàn xã hội trước tình hình tội phạm diễn biến phức tạp, mà ma túy là “nguồn gốc, tội phạm của các loại tội phạm”.

Quản lý người sử dụng ma túy ngay từ lần đầu

Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi, bổ sung năm 2008) cùng các văn bản pháp luật hướng dẫn liên quan đã tạo hành lang pháp lý trong công tác phòng chống ma túy. Song, cùng với sự phát triển của kinh tế- xã hội, các quy định về công tác phòng, chống ma túy dần nảy sinh những bất cập, trong số đó có vấn đề quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy.

Theo Bộ Công an, tình hình người sử dụng trái phép chất ma túy ngày càng gia tăng với hình thức, địa điểm thay đổi so với trước đây. Trung bình hàng năm phát hiện khoảng 140.000 người sử dụng trái phép chất ma túy.

Đặc biệt là một số đối tượng sử dụng ma túy tổng hợp dẫn đến “ngáo đá” và gây ra các vụ thảm án đặc biệt nghiêm trọng, khiến dư luận hoang mang, bức xúc.

Trong khi đó, hành vi sử dụng trái phép chất ma túy theo quy định trước đây chỉ bị xử phạt vi phạm hành chính là cảnh cáo hoặc phạt tiền nên không đủ sức răn đe.

Trước thực trạng trên, Luật Phòng, chống ma túy năm 2021 đã bổ sung quy định mới về quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy tại Chương IV. Theo đó, ngoài bị xử phạt hành chính, người sử dụng trái phép chất ma túy (áp dụng ngay từ lần đầu phát hiện) còn bị quản lý giám sát trong 1 năm.

Cụ thể, sau khi xử phạt hành chính, cơ quan chức năng sẽ lập hồ sơ quản lý đối với người sử dụng trái phép chất ma túy. Chủ tịch UBND cấp xã là người có thẩm quyền ra quyết định và tổ chức quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy cư trú tại địa phương.

Tổ quản lý sẽ phân công trực tiếp cho một người làm nhiệm vụ động viên, tuyên truyền, giáo dục để người sử dụng trái phép chất ma túy nhận thức ra tác hại của ma túy, đồng thời thực hiện việc giám sát để kịp thời phát hiện họ có tái phạm hay không.

Trong thời gian bị quản lý, nếu người sử dụng trái phép chất ma túy tái phạm thì cơ quan chức năng sẽ đưa đi xác định tình trạng nghiện. Trường hợp kết luận bị nghiện, người nghiện sẽ bị áp dụng các hình thức cai nghiện theo quy định. Nếu không nghiện thì người sử dụng trái phép chất ma túy sẽ bị quản lý thêm 1 năm kể từ thời điểm có kết luận.

Các quy định trên được kỳ vọng sẽ đảm bảo quản lý chặt chẽ người sử dụng trái phép chất ma túy, hạn chế tình trạng gia tăng người nghiện, góp phần giảm “nguồn cầu” về ma túy cũng như phòng ngừa các hành vi vi phạm pháp luật do người nghiện gây ra.

Siết chặt quy định về công tác cai nghiện

Theo Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (Bộ Công an), tính đến tháng 11/2021, cả nước hiện có hơn 246.000 người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý. Tỷ lệ người nghiện tăng tự nhiên trung bình trong 5 năm gần đây là 3%/năm với độ tuổi ngày càng trẻ hóa.

Để đảm bảo tính thống nhất với các quy định pháp luật liên quan, Luật Phòng, chống ma túy năm 2021 đã quy định cụ thể các trường hợp phải xác định tình trạng nghiện nhằm sớm phát hiện người nghiện để áp dụng biện pháp cai nghiện tự nguyện hoặc bắt buộc.

Theo đó, cai nghiện ma túy tự nguyện được thực hiện tại gia đình, cộng đồng (với sự phối hợp, trợ giúp chuyên môn của tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ cai nghiện ma túy và chịu sự quản lý của UBND cấp xã) hoặc tại cơ sở cai nghiện ma túy. Ngoài ra, không quy định cai nghiện ma túy bắt buộc tại cộng đồng mà thực hiện tại cơ sở cai nghiện ma túy công lập.

Luật Phòng, chống ma túy năm 2021 cũng đã quy định chặt chẽ các trường hợp bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc đối với người nghiện ma túy từ đủ 18 tuổi trở lên.

Đồng thời, quy định các trường hợp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc đối với người nghiện từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi với thời gian từ 6- 12 tháng, nhằm hạn chế tình trạng người nghiện trẻ hóa mà trước đây luật cũ không quy định.

Tuy nhiên, để đảm bảo quyền về trẻ em trong quá trình cai nghiện, Luật Phòng, chống ma túy năm 2021 quy định tại các cơ sở cai nghiện công lập phải bố trí khu vực dành riêng cho người nghiện từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi và đảm bảo đầy đủ quyền lợi như học tập, vui chơi. Việc đưa đối tượng này đi cai nghiện bắt buộc thuộc thẩm quyền của TAND cấp huyện và không phải là biện pháp xử lý vi phạm hành chính.

Tại hội nghị trực tuyến toàn quốc liên quan đến công tác triển khai Luật Phòng, chống ma túy năm 2021, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đề nghị các bộ, ngành, địa phương cần quyết liệt hơn nữa trong công tác phòng, chống tội phạm ma túy và thực hiện đồng bộ các giải pháp kéo giảm, quản lý chặt người nghiện, xử lý mạnh tay các loại tội phạm liên quan đến ma túy bởi đây là “nguồn gốc, tội phạm của các loại tội phạm”.

Công tác này không phải chỉ của riêng lực lượng các ngành công an, y tế hay lao động- thương binh và xã hội mà còn là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị.

Luật Phòng, chống ma túy năm 2021 được Quốc hội khóa XIV thông qua tại kỳ họp thứ XI với 8 chương, 55 điều (có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2022). Để đưa luật đi vào cuộc sống, Chính phủ đã ban hành 3 nghị định, cùng với đó là 1 thông tư của Bộ Y tế. Luật này được kỳ vọng sẽ khắc phục những bất cập, nâng cao hiệu quả công tác phòng chống ma túy, cai nghiện cũng như quản lý sau cai nghiện và đảm bảo tính thống nhất với các quy định pháp luật có liên quan.

Bài, ảnh: PHẠM TẤN

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh