Lúc thực hiện giao dịch mua bán đàn heo 60 con, đôi bên chỉ thỏa thuận miệng nhưng khi heo bị chết thì người mua lập tờ thỏa thuận bồi thường và người bán đã đồng ý ký nên thua kiện khi ra tòa.
(VLO) Lúc thực hiện giao dịch mua bán đàn heo 60 con, đôi bên chỉ thỏa thuận miệng nhưng khi heo bị chết thì người mua lập tờ thỏa thuận bồi thường và người bán đã đồng ý ký nên thua kiện khi ra tòa.
Trong đơn khởi kiện gửi TAND TP Vĩnh Long, anh V.V.C. (ở TP Cao Lãnh- Đồng Tháp) trình bày: Ngày 23/9/2020, anh có thỏa thuận với anh L.H.P. (ở TP Vĩnh Long) mua 60 con heo con giá 192 triệu đồng, nhưng mới nhận heo hôm trước thì hôm sau đàn heo bỏ ăn và chết 2 con.
Anh C. cho rằng heo bị bệnh dịch tả heo Châu Phi nên tiêu hủy toàn bộ số heo còn lại và có quay video gửi cho anh P. xem. Sau nhiều lần liên lạc qua lại, ngày 5/10/2020, anh P. đến nhà anh C. thỏa thuận bồi thường 150 triệu đồng và hẹn đến ngày 16/10/2020 sẽ giao tiền nhưng đến nay vẫn không thực hiện.
Do đó, anh C. khởi kiện yêu cầu anh P. bồi thường thiệt hại 150 triệu đồng như đã thỏa thuận.
Tại biên bản hòa giải ngày 22/2/2021, anh P. cho biết: Anh buôn bán thức ăn gia súc nên có mua dùm 60 con heo con giá 192 triệu đồng từ một trại heo tư nhân giao cho anh C., mục đích để sau này anh C. mua thức ăn gia súc của anh.
Lúc giao dịch, đôi bên chỉ thỏa thuận bằng lời nói là sẽ đảm bảo heo không bị bệnh dịch tả heo Châu Phi trong vòng 7- 10 ngày. Sau thời gian này, nếu heo bị bệnh thì bên bán không chịu trách nhiệm.
Khi giao nhận heo được 1 ngày thì anh C. báo heo bị chết không rõ nguyên nhân. Anh C. mô tả triệu chứng của heo và anh P. đã nhờ kỹ thuật hỗ trợ chỉ thuốc để anh C. mua chích cho heo.
Anh P. có kêu anh C. báo cơ quan thú y kiểm tra xem heo có bị bệnh dịch tả heo Châu Phi hay không, nhưng anh C. từ chối với lý do sợ ảnh hưởng đến đàn heo khác đang nuôi trong chuồng.
Anh C. nói là sẽ tiêu hủy số heo còn lại rồi các bên thương lượng giải quyết sau. Ngày 5/10/2020, khi anh P. đến nhà anh C. thì bị nhiều người gây áp lực đòi lấy xe, buộc anh phải ký tên vào tờ thỏa thuận bồi thường.
Sau đó, anh C. còn điện thoại báo công ty nơi anh P. làm việc, nói anh gian dối lừa gạt làm anh P. bị chuyển công tác nên anh không liên hệ với trại nuôi heo tư nhân xin hỗ trợ bồi thường được.
Đối với số tiền bồi thường 150 triệu đồng là do anh C. tự đưa ra và gây áp lực cưỡng ép anh P. ký tên vào tờ thỏa thuận viết sẵn nên anh không đồng ý bồi thường.
Quá trình giải quyết vụ kiện, anh P. thừa nhận có ký tên vào tờ thỏa thuận bồi thường nhưng là do bị ép buộc.
Căn cứ lời trình bày của các bên cùng các chứng cứ thu thập được, HĐXX của TAND TP Vĩnh Long xác định, anh C. và anh P. ký tờ thỏa thuận bồi thường tại quán cà phê gần nhà anh C. nhưng không có ai chứng kiến việc anh P. bị cưỡng ép.
Ngoài lời trình bày trên thì anh P. cũng không còn bất cứ tài liệu, chứng cứ nào chứng minh đã bị cưỡng ép ký tên vào tờ thỏa thuận nên việc buộc anh P. có nghĩa vụ bồi thường cho anh C. là phù hợp với tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ và quy định của Bộ luật Dân sự.
Do đó, HĐXX đã tuyên chấp nhận yêu cầu khởi kiện của anh C., buộc anh P. bồi thường thiệt hại cho anh C. 150 triệu đồng như đã thỏa thuận.
“Bút sa gà chết” là câu thành ngữ dân gian nhắc nhở mọi người nên suy nghĩ cẩn trọng và tìm hiểu kỹ khi làm một việc gì đó liên quan đến ký kết, hợp tác,… Nếu không, khi gặp sự cố sẽ phải chịu trách nhiệm với những gì mình đã quyết và câu chuyện của anh P. là một ví dụ điển hình.
DIỄM PHƯỢNG
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin