Lúc gọi nhau là mẹ con thì 2 nhà chung vách qua lại thông nhau bằng cửa nối. Đến khi tình tan, đôi bên dẫn nhau ra tòa yêu cầu được xây bít cửa để không gian riêng của 2 nhà không bị bất tiện.
Lúc gọi nhau là mẹ con thì 2 nhà chung vách qua lại thông nhau bằng cửa nối. Đến khi tình tan, đôi bên dẫn nhau ra tòa yêu cầu được xây bít cửa để không gian riêng của 2 nhà không bị bất tiện.
Năm 2006, sau khi ly hôn chồng, chị L.T.M.C. về nhà cha mẹ ruột (ở Phường 9- TP Vĩnh Long) sinh sống. Thấy con gái không chỗ ở, bà L.T.M. (mẹ chị C.) cho chị C. cất căn nhà nhỏ cạnh bên để ở. Sau đó, chị C. xây căn nhà 123E chung vách với nhà cha mẹ trên thửa đất 198.
Năm 2009, chị C. quen và đưa ông P.T.H. về căn nhà 123E chung sống như vợ chồng nhưng không đăng ký kết hôn. Đến năm 2014, do cần tiền trả nợ nên bà M. chuyển nhượng thửa đất 198 cho ông H. giá 75 triệu đồng. Do sử dụng chung vách tường và thông nhau bởi cửa lùa ở phòng khách nên ông H., chị C. và vợ chồng bà M. qua lại vui vẻ như một nhà.
Tuy nhiên, “khi thương trái ấu cũng tròn, khi ghét trái bồ hòn cũng méo” thật không sai với trường hợp này. Năm 2019, chị C. và ông H. chia tay sau gần 10 năm chung sống. Khi chị C. ra đi, rời khỏi căn nhà 123E thì cũng là lúc tình cảm giữa cha mẹ chị C. và người chồng hờ rạn nứt, kéo theo mâu thuẫn xoay quanh 2 căn nhà có chung vách và cửa qua lại ngày càng căng thẳng phải đưa nhau ra tòa giải quyết.
Theo đơn khởi kiện gửi TAND TP Vĩnh Long, ông H. trình bày: Năm 2014, khi nhận chuyển nhượng thửa đất 198, phía trước nhà 123E mà ông H. và chị C. đang chung sống có phần ô văng của nhà bà M. chiếm diện tích không gian trước nhà nên nay ông H. yêu cầu vợ chồng bà M. phải thực hiện cam kết theo tờ mua bán đất ngày 14/7/2014 là tháo dỡ phần ô văng, đồng thời cho ông H. xây bít cửa sổ và cửa đi ngang hông thông qua phòng khách 2 nhà. Lý do ông H. yêu cầu xây bít 2 cửa trên là do có sự bất tiện trong sinh hoạt giữa 2 gia đình.
Đáp lại yêu cầu trên, vợ chồng bà M. cũng có đơn phản tố đòi ông H. phải hoàn giá trị căn nhà 123E với giá 100 triệu đồng vì trước đây, bà M. chỉ chuyển nhượng đất chứ không chuyển nhượng nhà. Quá trình giải quyết vụ kiện, vợ chồng bà M. giảm yêu cầu ông H. phải hoàn giá trị căn nhà 123E xuống còn hơn 29,5 triệu đồng.
Tại phiên xử sơ thẩm ngày 9/3/2021, HĐXX của TAND TP Vĩnh Long đã công nhận sự thỏa thuận giữa đôi bên, vợ chồng bà M. đồng ý cho ông H. tháo dỡ ô văng và xây bít cửa sổ, cửa đi, chi phí do ông H. tự chịu. Nhưng không chấp nhận yêu cầu đòi ông H. hoàn trả tiền căn nhà 123E hơn 29,5 triệu đồng nên vợ chồng bà M. đã gửi đơn kháng cáo.
Sau khi xem xét các chứng cứ có trong hồ sơ vụ án, HĐXX cấp phúc thẩm nhận định: Chị C. trình bày căn nhà 123E là do chị thuê người xây dựng và cùng chung sống với ông H. Đến năm 2019, khi chị C. và ông H. chia tay thì chị đã bán căn nhà này cho ông H. với giá 50 triệu đồng. Lời trình bày của chị C. phù hợp với lời trình bày của người trực tiếp xây căn nhà 123E là chính chị C. đã đứng ra thuê xây vào khoảng năm 2008- 2009.
Hiện căn nhà 123E đã thuộc quyền sở hữu của ông H. nên việc vợ chồng bà M. cho rằng căn nhà trên là do ông bà xây dựng và yêu cầu ông H. hoàn giá trị nhà là không đúng sự thật. Do đó, HĐXX không chấp nhận yêu cầu kháng cáo của vợ chồng bà M. và tuyên ông H. được quyền tháo dỡ ô văng, xây bít cửa sổ, cửa đi giữa 2 nhà, chi phí do ông H. tự chịu và ông H. cũng không phải hoàn trả tiền căn nhà 123E cho vợ chồng bà M.
Tình tan, nghĩa cũng không còn, vụ kiện giữa những người từng xem nhau như một nhà đã khép lại và cũng khép luôn một mối quan hệ khi cánh cửa nối 2 nhà chính thức được xây bít theo phán quyết của tòa.
DIỄM PHƯỢNG
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin