Tin tưởng vợ trẻ, người đàn ông "U.70" bán nhà ở TP Hồ Chí Minh về quê mua đất cất nhà, an dưỡng tuổi già. Không ngờ, chỉ sau vài năm chung sống, người vợ bất ngờ "lật kèo" đuổi chồng khỏi nhà, dẫn đến vụ tranh chấp tài sản phải nhờ đến tòa án giải quyết.
(VLO) Tin tưởng vợ trẻ, người đàn ông “U.70” bán nhà ở TP Hồ Chí Minh về quê mua đất cất nhà, an dưỡng tuổi già. Không ngờ, chỉ sau vài năm chung sống, người vợ bất ngờ “lật kèo” đuổi chồng khỏi nhà, dẫn đến vụ tranh chấp tài sản phải nhờ đến tòa án giải quyết.
Tranh chấp xảy ra giữa chị N.T.M.Q. (SN 1984) và em ruột là N.T.M.T. (SN 1992, cùng ngụ huyện Vũng Liêm) với ông Đ.H. (SN 1954, ngụ Quận 5- TP Hồ Chí Minh).
Ông H. cho biết, ông và chị Q. quen biết nhau từ năm 2008, sau đó nảy sinh tình cảm yêu đương. Chị Q. còn có người em gái đang ở trọ và làm thuê tại TP Hồ Chí Minh. Thương tình hoàn cảnh khó khăn của 2 cô gái trẻ nơi đất khách quê người, ông H. đưa chị em Q. về sống chung nhà.
Thời gian sống chung như vợ chồng, ông H. và chị Q. không đăng ký kết hôn. Đến năm 2014, chị Q. đề nghị ông H. bán nhà ở TP Hồ Chí Minh để về quê mua đất cất nhà, an dưỡng tuổi già, cũng để chị tiện bề chăm sóc ông và gần gũi gia đình mình.
Nghe vợ trình bày hợp lý, ông H. bán căn nhà ở Quận 5 rồi về Vũng Liêm mua mảnh đất hơn 840m2, cất căn nhà trị giá khoảng 400 triệu đồng để vợ chồng chung sống.
Mọi đồ đạc, tiện nghi trong nhà ông H. cũng bỏ tiền mua sắm không thiếu gì. Khoảng 6 năm sau, chị Q. lại đề nghị ông H. chuyển nhượng phần đất đang ở cho chị T. để chị em có thể yên tâm chăm sóc ông đến “trăm tuổi già”.
Ban đầu có chút đắn đo nhưng ông H. ngẫm nghĩ mình đã lớn tuổi, nếu không may qua đời đột ngột, mấy đứa con riêng lại nhảy vào tranh giành tài sản với “mẹ kế” sẽ không hay.
Vậy là ông đồng ý, hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất từ ông H. sang chị T. được ký kết từ tháng 3/2019. Không ngờ chỉ hơn 1 năm sau, 2 chị em Q. bất ngờ kiếm chuyện đuổi ông H. ra khỏi nhà không cho ở nữa.
Bị vợ trẻ bất ngờ “lật kèo”, ông H. làm đơn khởi kiện ra tòa yêu cầu tuyên vô hiệu đối với hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất mà ông đã ký với chị T. để ông làm thủ tục cấp lại chứng nhận quyền sử dụng đất mới theo quy định của pháp luật vì đó là nơi cư trú duy nhất của ông. Ông H. còn hứa nếu chị em Q. đồng ý với yêu cầu này thì ông sẽ cho tiếp tục ở chung nhà.
Về phần mình, chị Q. đề nghị cho chị T. được cùng đứng tên quyền sử dụng đất với ông H. Theo chị Q., căn nhà đang ở do chị quản lý, ông H. đi suốt ngày, tối mới về ngủ.
Còn chị T. thì cho biết từng bị ông H. “làm nhục” và để chuộc lỗi, “anh rể” hứa cho chị em chị mỗi người 25% giá trị căn nhà ở TP Hồ Chí Minh. Sau đó, vì mê cờ bạc dẫn đến nợ nần nên ông H. mới bán nhà về quê.
Nay chị không đồng ý trả lại đất cho “anh rể” vì trước đây do ông H. tự nguyện làm hợp đồng cho tặng chứ không phải chuyển nhượng.
Quá trình giải quyết vụ tranh chấp xác định, do tin tưởng nên ông H. đã làm hợp đồng chuyển nhượng đất và nhà cho chị T. đứng tên. Riêng chị Q. công khai qua lại với người đàn ông khác, còn dẫn về nhà ở chung với ông H. Chẳng những không chăm sóc, chị Q. còn nhiều lần hành hạ ông H. thương tích.
Tại phiên tòa sơ thẩm của TAND huyện Vũng Liêm, ông H. hứa sẽ “cắt” một phần đất diện tích khoảng 180m2 cho chị T., phần đất còn lại khoảng 660m2 cùng căn nhà đang ở phải trả lại cho ông. Phương án này, chị em Q. đều đồng ý.
Ghi nhận sự tự thỏa thuận này giữa các đương sự là không trái pháp luật, đạo đức xã hội nên HĐXX chấp nhận.
Ngoài ra, ông H., chị Q. và chị T. có trách nhiệm đến cơ quan có thẩm quyền đăng ký kê khai quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật vì đất có biến động.
TRUNG HƯNG
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin