Tranh chấp phát sinh từ vụ tai nạn đuối nước

03:09, 16/09/2021

Một học sinh đuối nước bị tử vong được cơ quan bảo hiểm bồi thường nhưng sau câu chuyện đau lòng ấy là vụ kiện đòi tiền giữa giáo viên và phụ huynh làm nhiều người càng thêm xót xa.

(VLO) Một học sinh đuối nước bị tử vong được cơ quan bảo hiểm bồi thường nhưng sau câu chuyện đau lòng ấy là vụ kiện đòi tiền giữa giáo viên và phụ huynh làm nhiều người càng thêm xót xa.

Nhắc lại sự ra đi của đứa bé, nhiều người không khỏi ngậm ngùi, đau xót. Nhưng đáng buồn hơn là sau tai nạn ấy, cha mẹ em đã bị cô giáo kiện ra tòa đòi bồi thường thiệt hại danh dự, nhân phẩm và tiền bảo hiểm, tổng cộng hơn 723 triệu đồng.

Theo lời trình bày của cô giáo: Do đầu năm học, cha mẹ em chỉ đóng học phí nên cô tự bỏ tiền đóng bảo hiểm thân thể cho học sinh thay gia đình. Việc này, cha mẹ em không hay.

Đến khi em bị đuối nước tử vong, cô liên hệ gọi cha em đến nhà hướng dẫn làm thủ tục nhận tiền bảo hiểm thì cha em mới biết. Sau đó, cha em có trả lại 70.000đ cô giáo đã đóng bảo hiểm thay nhưng cô không nhận.

Tuy nhiên, sau khi nhận được 15 triệu đồng bảo hiểm thân thể thì cha mẹ em bất ngờ làm đơn thưa cô giáo chiếm đoạt tài sản.

Vụ việc sau đó được cơ quan công an giải quyết, cha em tố cáo nhưng không có chứng cứ nên cô giáo vô tội.

Tuy nhiên, việc bị vu khống đã gây ảnh hưởng đến danh dự, uy tín của cô với nhà trường, phụ huynh dẫn đến tinh thần không ổn định phải nhập viện điều trị, gây ảnh hưởng đến việc dạy học nên cô bị buộc thôi việc trước tuổi hưu vì không hoàn thành nhiệm vụ.

Do đó, cô khởi kiện ra tòa yêu cầu cha mẹ em trả lại 15 triệu đồng tiền bảo hiểm, bồi thường tổn thất tinh thần 525,6 triệu đồng, danh dự nhân phẩm bị xúc phạm 182,5 triệu đồng, tổng cộng hơn 723 triệu đồng.

Quá trình giải quyết vụ việc, cha em cho biết không phải tự dưng lại gửi đơn thưa cô giáo. Nguyên nhân xuất phát từ việc đầu năm học, anh có đóng đầy đủ các khoản học phí, bảo hiểm cho con nên sau khi tai nạn xảy ra, anh đến nhờ cô hướng dẫn làm thủ tục nhận tiền bảo hiểm của con và có đưa cho cô 500.000đ.

Khoảng nửa tháng sau, cô liên lạc hẹn anh đến nhà ký hồ sơ bổ sung thì anh đưa thêm 300.000đ. Khi nhận được 15 triệu đồng bảo hiểm, anh đưa tiếp cho cô 4 triệu đồng. Sau đó, anh biết việc cô giáo nhận tiền như thế là không đúng nên làm tờ tường trình gửi ban giám hiệu trường xem xét.

Thời gian sau, cơ quan công an mời anh và cô giáo đến làm việc nhưng anh không có chứng cứ chứng minh đã đưa cô giáo 4,8 triệu đồng nên không được giải quyết. Vì thế, anh không đồng ý trả lại tiền bảo hiểm và bồi thường theo yêu cầu khởi kiện của cô giáo.

Từ các chứng cứ có trong hồ sơ vụ án, HĐXX sơ thẩm và phúc thẩm TAND tỉnh Vĩnh Long nhận định: Cô giáo yêu cầu trả lại 15 triệu đồng bảo hiểm sau khi học sinh bị tai nạn nhưng tại phiên tòa phúc thẩm, cô đã tự nguyện rút yêu cầu này nên được HĐXX chấp nhận.

Riêng yêu cầu bồi thường tổn thất tinh thần do bị mất việc làm và danh dự 25 năm công tác bị xúc phạm, HĐXX xét thấy cô giáo bị chấm dứt hợp đồng lao động là do không hoàn thành nhiệm vụ 2 năm liền nên việc cô cho rằng bị tổn thất tinh thần là do cha mẹ học sinh thưa chiếm đoạt tài sản gây ảnh hưởng đến việc dạy học và danh dự là không có cơ sở.

Tại tòa, cô cũng không cung cấp được chứng cứ chứng minh cho yêu cầu của mình nên cả 2 phiên tòa sơ thẩm và phúc thẩm, cô giáo đều bị bác đơn khởi kiện.

Khép lại vụ kiện ồn ào, nhiều người lấy làm tiếc vì giá như những người trong cuộc nén được cái tôi của mình thì chuyện tranh chấp tiền bảo hiểm từ vụ tai nạn đau lòng vốn là chuyện tế nhị đã không phơi bày trước bàn dân thiên hạ để rồi nhận về nhiều sự chỉ trích từ dư luận.

DIỄM PHƯỢNG

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh