Con trai ở xa nên giao nhà cửa, đất đai cho cha ruột và mẹ kế sinh sống, canh tác. Khi cha qua đời, người con muốn "thu hồi tài sản" nhưng mẹ kế không đồng ý nên phải nhờ đến tòa án giải quyết.
Con trai ở xa nên giao nhà cửa, đất đai cho cha ruột và mẹ kế sinh sống, canh tác. Khi cha qua đời, người con muốn “thu hồi tài sản” nhưng mẹ kế không đồng ý nên phải nhờ đến tòa án giải quyết.
Anh B. được ông nội cho phần đất gần 4.500m2. Trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thể hiện anh B. và cô ruột là bà H. đồng sở hữu tài sản này. Trên đất có căn nhà cấp 4 và nhiều loại cây ăn trái, anh B. cho cha ruột là ông P. và mẹ kế là bà T. sinh sống, canh tác. Các bên thỏa thuận khi nào ông P. qua đời hoặc khi anh B. và bà H. có nhu cầu sử dụng thì bên “ở đậu” phải trả lại. Hoa lợi, lợi tức trên phần đất này, vợ chồng ông P. được thụ hưởng đã hơn 10 năm.
Đến khoảng tháng 6/2020, ông P. qua đời, bà H. đến gặp bà T. yêu cầu trả lại tài sản nhưng người này không đồng ý và có những lời lẽ thách thức. Bà H. và anh B. làm đơn khởi kiện ra tòa. Bà T. cho biết, bà và ông P. sinh sống như vợ chồng từ năm 2007, đến gần 10 năm sau mới đăng ký kết hôn. Nhiều năm qua, vợ chồng bà sinh sống trên phần đất do cụ S. (cha ruột ông P.) đứng tên sở hữu. Cụ hứa cho vợ chồng bà nền nhà làm chỗ ở nhưng sau đó lại làm thủ tục cho tặng cho cháu nội là anh B. và con ruột là bà H.
Bà T. cũng cho rằng, hơn 10 năm sinh sống trên phần đất này, bà đã dành nhiều tâm huyết, sức lực, tiền bạc để đầu tư, sửa chữa nhà cửa, trồng trọt, chăn nuôi. Hơn nữa, bà và ông P. còn có đứa con chung mới hơn 10 tuổi, nếu phải trả lại đất đai, nhà cửa thì tương lai mẹ con bà sẽ sống ra sao, vì không còn nơi nào khác để tá túc. Do đó, bà yêu cầu được tiếp tục được ở trên phần đất cũ để tiện bề chăm sóc con cái và thờ cúng tổ tiên. Tuy nhiên, tòa sơ thẩm không chấp nhận yêu cầu này, buộc bà T. phải trả lại đất đai, nhà cửa cho anh B. và bà H. Ngược lại, 2 người này có nghĩa vụ hỗ trợ bà T. 30 triệu đồng.
Không chấp nhận mất quyền lợi, bà T. làm đơn kháng cáo gửi đến TAND tỉnh. Tại phiên tòa phúc thẩm, đôi bên tự thỏa thuận và đi đến thống nhất bà T. sẽ hoàn trả lại cho anh B. và bà H. phần đất cùng toàn bộ tài sản gắn liền với đất. Đổi lại, anh B. và bà H. có nghĩa vụ hỗ trợ bà T. 100 triệu đồng chi phí di dời.
Vụ án qua 2 lần xét xử sơ thẩm và phúc thẩm cuối cùng cũng kết thúc “vẹn cả đôi đường”, đảm bảo quyền lợi cả nguyên đơn và bị đơn. Anh B. cũng thể hiện sự thông cảm đối với hoàn cảnh của mẹ kế nên cho bà T. tiếp tục lưu trú, khi tìm được nơi ở mới thì trả lại đất đai, nhà cửa.
TRUNG HƯNG
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin