Vừa qua, một số người dân ở Vĩnh Long phản ánh có nhiều cuộc điện thoại gọi đến xưng là công an và thông báo họ vừa gây tai nạn hoặc vi phạm Luật Giao thông,… yêu cầu chuyển tiền đóng phạt làm nhiều người lo lắng, hoang mang.
Sau khi nhận được điện thoại yêu cầu đóng phạt, một số người đã lên mạng nhờ giúp đỡ. |
Vừa qua, một số người dân ở Vĩnh Long phản ánh có nhiều cuộc điện thoại gọi đến xưng là công an và thông báo họ vừa gây tai nạn hoặc vi phạm Luật Giao thông,… yêu cầu chuyển tiền đóng phạt làm nhiều người lo lắng, hoang mang.
Những ngày giãn cách xã hội phòng dịch COVID-19, người dân hầu như chỉ quanh quẩn trong nhà nhưng vẫn có những cuộc điện thoại gọi đến yêu cầu đóng phạt vì nhiều lý do.
Chị Nguyễn Thị Hương (ở Trà Ôn) cho biết: “Gần 2 tháng nay, em có bước ra khỏi nhà đâu. Tự nhiên, có một anh gọi điện nói là bên cảnh sát giao thông kêu đóng tiền phạt vì em thuê xe gây tai nạn ở Đà Nẵng. Em bảo chắc có nhầm lẫn gì thì người này nói họ tên và chứng minh nhân dân của người thuê xe hoàn toàn giống tên em”.
Mặc dù biết rõ mình không gây tai nạn nhưng chị Hương vẫn lo lắng nên đã lên mạng kể lại sự việc nhờ bạn bè giúp đỡ. Sau khi được nhiều người tư vấn, chị Hương đã báo công an và đến nay vẫn không thấy ai gọi điện nhắc lại chuyện đóng phạt.
Tương tự, chị Phan Thị Thoa (ở Trà Ôn) khi nhận được điện thoại yêu cầu đóng phạt do vi phạm Luật Giao thông thì biết ngay lừa đảo vì “Tôi có đi ra khỏi Trà Ôn đâu” nên tắt máy. Sau đó, chị Thoa kiểm tra số điện thoại vừa gọi đến thì thấy đầu số ở tận Lâm Đồng. Trường hợp của em Trần Văn Hảo (ở TX Bình Minh) thì buồn cười hơn. Hảo chưa đủ tuổi điều khiển xe gắn máy và cũng không biết chạy xe nhưng cũng có người gọi điện đến yêu cầu đóng phạt vì chạy xe vi phạm lỗi quá tốc độ bị phạt nguội.
Ngoài yêu cầu đóng phạt, các đối tượng lừa đảo khi hack được thông tin cá nhân của người khác còn dùng chiêu cho vay nhưng phải đóng phí trước như câu chuyện của anh Lê Văn Út (ở Tam Bình). Anh Út kể: “Khoảng một tháng trước, có giọng nữ gọi điện thoại cho tôi hỏi mùa dịch làm ăn khó khăn có muốn vay tiền không. Tôi nói cũng cần thì cô ta nói sẽ cho vay 50 triệu đồng nhưng chuyển đóng phí trước 3 triệu đồng. Tôi biết lừa đảo rồi nên kêu gửi 50 triệu đồng trước đi rồi tôi sẽ lấy tiền đó gửi lại 3 triệu thì nó cúp máy luôn”.
Tuy nhiên, không phải ai cũng cảnh giác và tránh được bẫy lừa như những trường hợp vừa nêu. Cụ thể, chị Võ Thị Kim Chi (ở TP Vĩnh Long) đã rất lo lắng khi nhận được điện thoại của người xưng là cảnh sát, đang điều tra vụ tai nạn giao thông gây chết người có liên quan đến xe gắn máy do chị đứng tên. Chị Chi cho biết: “Do mấy tháng trước, tôi có bán xe gắn máy cũ cho lái và chỉ làm giấy tay nên khi nghe anh công an nói nếu xe đã bán thì chuyển ứng trước 3 triệu đồng hỗ trợ gia đình nạn nhân. Sau khi công an xác minh và làm việc với người gây tai nạn, nếu đúng là xe đã bán thì sẽ hoàn lại tiền cho tôi. Do lúc đó rối quá nên tôi đã làm theo nhưng khi chuyển tiền rồi thấy có gì đó sai sai liền gọi lại số điện thoại của người xưng là công an thì không liên lạc được. Vậy là mất luôn 3 triệu đồng”.
Luật đã quy định khi người có thẩm quyền ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính thì trong thời hạn 2 ngày làm việc phải gửi quyết định đó cho cá nhân và cơ quan thu tiền phạt để thi hành. Trường hợp cá nhân vi phạm hành chính ở khác nơi cư trú và không có điều kiện chấp hành quyết định phạt tại nơi bị phạt thì quyết định đó được chuyển đến cơ quan cùng cấp nơi cá nhân cư trú hoặc UBND cấp huyện để tổ chức thi hành (Điều 70 và 71 Luật Xử lý vi phạm hành chính). Do đó, việc gọi điện thoại thông báo vi phạm và yêu cầu chuyển khoản đóng phạt hay đóng các khoản phí khác đều là chiêu trò của kẻ gian nên mọi người cần đề cao cảnh giác.
Bài, ảnh: DIỄM PHƯỢNG
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin