Chuyện ông lão đi kiện sau 2 năm chứng thực

05:09, 15/09/2021

Sau hơn 2 năm chứng thực giấy bán đất và nhận tiền, một ông lão 70 tuổi ở TP Vĩnh Long gửi đơn kiện yêu cầu vô hiệu văn bản đã công chứng vì bị lừa viết nội dung không đúng sự thật.

(VLO) Sau hơn 2 năm chứng thực giấy bán đất và nhận tiền, một ông lão 70 tuổi ở TP Vĩnh Long gửi đơn kiện yêu cầu vô hiệu văn bản đã công chứng vì bị lừa viết nội dung không đúng sự thật.

Trong đơn khởi kiện gửi TAND TP Vĩnh Long, ông N.X.Th. (SN 1950) trình bày: Ngày 16/1/2018, ông V.V.T. chở ông đến văn phòng công chứng ở Phường 2 để công chứng giấy bán đất và nhận tiền cách 15 năm trước.

Mặc dù ông Th. là người viết và ký tên vào văn bản nhưng sự thật không có chuyện bán đất và cũng không có nhận tiền theo nội dung đã ghi.

Do ông già yếu, trí nhớ kém nên bị ông T. lừa nhưng công chứng viên phòng công chứng vẫn chứng thực văn bản giao dịch đã lập cách đó 15 năm là không hợp pháp, không đúng thẩm quyền nên yêu cầu tòa tuyên vô hiệu.

Đại diện phòng công chứng bị kiện khẳng định việc ông Th. cho rằng bị ông T. lừa dối, lợi dụng ông tuổi già, tinh thần không minh mẫn là không đúng sự thật.

Vì thời điểm công chứng, sức khỏe ông Th. rất tốt, trình bày rõ ràng mạch lạc, nhớ rất rõ thời điểm nhận tiền, diện tích thửa đất chuyển nhượng và tự tay viết phiếu yêu cầu công chứng, biên nhận nhận tiền.

Khi công chứng viên hỏi sao ghi ngày 16/12/2003 thì ông Th. bảo xác nhận cho ông T. yên tâm vì ông đã nhận đủ tiền. Sau đó, công chứng viên cho biết chỉ xác nhận và chịu trách nhiệm về mặt chữ ký, còn nội dung ông Th. phải tự chịu trách nhiệm thì ông Th. đồng ý.

Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là ông T. cho biết: Năm 2003, ông T. nhận chuyển nhượng hơn 601m2 đất của ông Th. với giá 480 triệu đồng và đã giao đủ tiền, có lập biên nhận.

Việc ông Th. cho rằng ông đã chở ông Th. đến phòng công chứng là hoàn toàn không đúng. Vì ông ở TP Hồ Chí Minh, không biết văn phòng công chứng này ở đâu.

Chính ông Th. là người điều khiển xe và dẫn ông đến phòng công chứng rồi trực tiếp trao đổi với công chứng viên.

Sau đó, ông Th. tự viết lại giấy bán đất và nhận tiền ngày 16/12/2003 dựa theo nội dung giấy bán đất đã lập trước đó nên việc ông Th. tố ông lừa dối là không đúng.

Qua xem xét hồ sơ vụ án, HĐXX cấp sơ thẩm và phúc thẩm nhận định: Theo Điều 23 Nghị định số 23/2015/NĐ-CP của Chính phủ thì “người yêu cầu chứng thực chữ ký phải chịu trách nhiệm về nội dung của giấy tờ, văn bản mà mình ký, còn người thực hiện chứng thực phải chịu trách nhiệm tính xác thực về chữ ký của người yêu cầu trong giấy tờ, văn bản”.

Theo đó, phiếu yêu cầu công chứng của ông Th. thể hiện yêu cầu “công chứng viên chứng thực chữ ký trong văn bản” và nội dung chứng thực có nêu: “Ông Th. cam đoan đã đọc, hiểu, tự chịu trách nhiệm về nội dung của giấy tờ, văn bản và đã ký vào giấy tờ, văn bản này”.

Do đó, HĐXX xác định văn bản công chứng mà ông Th. yêu cầu chứng thực không phải công chứng nội dung giao dịch mà chỉ là chứng thực chữ ký.

Quá trình giải quyết vụ việc, ông Th. cũng không cung cấp được bản án, quyết định có hiệu lực tuyên bố bị hạn chế năng lực hành vi dân sự tại thời điểm xác lập việc công chứng nên yêu cầu vô hiệu văn bản đã công chứng ngày 16/1/2018 là không có cơ sở nên không được chấp nhận.

Được biết, trước đó, ông T. có đơn tố giác tội phạm một “cò đất” liên quan đến phần đất chuyển nhượng từ ông Th. nhưng cơ quan điều tra đã trả lời không khởi tố vụ án nên các bên liên quan tự thỏa thuận giải quyết.

Sau đó, ông Th. cùng ông T. đến phòng công chứng yêu cầu chứng thực giấy mua bán đất, nhận tiền 15 năm trước dẫn đến việc phòng công chứng bị kiện.

DIỄM PHƯỢNG

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh