Chủ quan và thao tác bảo mật hời hợt dẫn đến nhiều tài khoản mạng xã hội bị lấy cắp, kéo theo những hệ lụy thậm chí là mất tiền oan.
Chủ quan và thao tác bảo mật hời hợt dẫn đến nhiều tài khoản mạng xã hội bị lấy cắp, kéo theo những hệ lụy thậm chí là mất tiền oan.
Dịch COVID-19 bùng phát, nhiều địa phương thực hiện giãn cách xã hội nên mua sắm, giao dịch online được nhiều người lựa chọn nhằm hạn chế tiếp xúc để phòng bệnh. Tuy nhiên, không ít người khi thao tác các giao dịch trên mạng đã chủ quan và để lộ thông tin cá nhân dẫn đến tài khoản bị đánh cắp, bị mạo danh cho các hành vi lừa đảo.
Điển hình, ngày 31/8/2021, anh Phan Thành Khang (ở xã Thuận An- TX Bình Minh) nhận được tin nhắn cầu cứu của bạn đang làm công nhân ở Bình Dương nhờ gửi giúp 2 triệu đồng để trang trải cuộc sống. Anh Khang kể: “Qua thông tin trên báo đài, tôi biết nhiều người đi làm thuê ở Bình Dương có cuộc sống khó khăn do ảnh hưởng dịch bệnh. Vì thế, khi nghe bạn nói đã 3 tháng không đi làm, giờ hết tiền mua gạo, thức ăn nên tôi chuyển ngay cho bạn mượn 2 triệu đồng. Tuy nhiên, sau khi chuyển tiền không thấy bạn phản hồi, tôi linh tính có gì đó không hay liền kiểm tra tên chủ tài khoản trong tin nhắn thì nhận ra không phải tên bạn mình. Tôi lập tức gọi điện cho bạn kiểm tra thì được biết Facebook của bạn bị hack từ tối qua và kẻ gian đã mạo danh gửi nhắn tin cho nhiều người hỏi mượn tiền. Một số người trước khi chuyển tiền đã gọi điện cho bạn kiểm tra nên kịp thời phát hiện đó là chiêu lừa đảo. Chỉ có tôi cả tin nên bị mất tiền oan”.
Tương tự, chị Lê Thị Diễm (ở Phường 2- TP Vĩnh Long) cũng bị lừa khi mua hàng online. Cụ thể, khi đang dạo chợ online trên Facebook vào tuần trước, chị Diễm thấy có người rao bán rau củ và cam tươi nhà trồng, giá rẻ, giao tận nơi nên đã đặt mua đơn hàng hơn 200.000đ. Qua trao đổi trên tin nhắn messenger, người bán yêu cầu chị Diễm thanh toán online rồi chụp thông tin tài khoản, chứng minh nhân dân để người giao hàng trình với lực lượng chức năng khi qua các chốt kiểm dịch COVID-19. Lúc đầu, chị Diễm thấy yêu cầu trên hợp lý nên làm theo. Nhưng sau khi chuyển tiền và gửi thông tin cá nhân, chị Diễm nhắn tin hỏi ngày giờ giao hàng thì không được trả lời và còn bị chặn luôn liên hệ. Biết đã bị lừa, chị Diễm gọi điện yêu cầu khóa tài khoản ngân hàng để tránh chuyện đáng tiếc.
Được biết, lợi dụng dịch bệnh và giãn cách xã hội, kẻ gian đã sử dụng nhiều chiêu lừa đảo trên không gian mạng và một số người cả tin đã sụp bẫy. Do đó, người dùng cần nắm vững những kiến thức và kỹ năng cần thiết để bảo vệ thông tin và tài khoản của mình.
Theo Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia, thời gian qua, kẻ gian thường tận dụng các từ khóa liên quan đến COVID-19 lừa người dùng nhấp vào các liên kết độc hại để thực hiện ý đồ xấu như phát tán mã độc, Email lừa đảo, các phần mềm độc hại,... Sau khi tấn công, hacker có thể xâm nhập vào Email, máy tính của người dùng, đánh cắp thông tin và tiến hành các hành vi lừa đảo... Do đó, người dùng tuyệt đối không lưu thông tin đăng nhập, nên cài đặt chế độ riêng tư và ẩn vị trí người dùng, xóa lịch sử hoạt động, bật xác thực 2 yếu tố, giới hạn đối tượng cho các bài đăng, cảnh giác với nút like và share, tạo mã pin bảo mật, loại bỏ các ứng dụng theo dõi, kiểm tra đăng nhập khi phát hiện bất thường trên tài khoản TikTok, Zalo, Facebook,...
DIỄM PHƯỢNG
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin