Thua kiện vì trả nợ không biên nhận

10:08, 12/08/2021

Từng là đồng hương thân thiết nhưng 2 nhà đã phải đối diện trước tòa vì khoản nợ vay người nói đã trả, người bảo chưa.

Từng là đồng hương thân thiết nhưng 2 nhà đã phải đối diện trước tòa vì khoản nợ vay người nói đã trả, người bảo chưa.

Ông L.H.T. và ông N.T.Th. là bạn đồng hương quê Hải Dương, khi vào TP Vĩnh Long sinh sống cũng là hàng xóm của nhau. Quá trình làm ăn ở Vĩnh Long, ông Th. có vay của vợ chồng ông T. 400 triệu đồng để mua bán phế liệu. Tuy nhiên, sau đó 2 bên phát sinh tranh chấp, ông Th. nói đã trả gần hết tiền vốn, còn ông T. thì bảo chưa nhận được.

Trong đơn khởi kiện, ông T. trình bày: Ngày 6/9/2008, vợ chồng ông Th. vay 400 triệu đồng, nhận tiền lần đầu 360 triệu đồng và lần sau 40 triệu đồng với mức lãi suất thỏa thuận 4%/tháng. Khi nào ông T. cần tiền thì báo trước một tháng để ông Th. lo trả, nếu không xoay trả kịp thì sẽ tăng lãi lên 8%/tháng nhưng chỉ gia hạn thêm một tháng. Sau đó, ông T. nhiều lần đòi lại tiền nhưng vợ chồng ông Th. không trả. Tháng 6/2012, ông Th. có trả bằng hình thức cấn trừ vào tiền đặt đóng bàn ăn, ghế, giường massage tương đương 7 triệu đồng và 5.000 USD tương đương 97 triệu đồng, tổng cộng 104 triệu đồng này là tiền lãi của năm đầu. Từ ngày 7/9/2009 đến nay, ông Th. không trả thêm khoản tiền nào nên ông T. khởi kiện đòi số tiền gốc 400 triệu đồng và hơn 650 triệu đồng tiền lãi.

Ông Th. không đồng ý với yêu cầu trên, cho rằng có vay tiền của ông T. nhưng chữ viết trong biên nhận ngày 6/9/2008 và dòng chữ mượn thêm 40 triệu đồng đều không phải chữ viết của ông. Do ông Th. bị tai nạn giao thông để lại di chứng động kinh nên gia đình gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, năm 2008- 2009, vợ chồng ông Th. đã trả được vốn gốc 355 triệu đồng (gồm tiền hụi, trả qua con dâu ông T., cấn trừ tiền đóng giường massage, bàn, ghế, bán sắt) và đóng lãi 48 triệu đồng, tổng cộng 403 triệu đồng. Khi đòi nợ, con trai ông T. cùng 4 người nữa đã đập phá nhà cửa, làm cho gia đình ông Th. hoang mang, hoảng sợ, con cái phải bỏ nhà đến sống nơi khác. Sau khi sự việc đập phá nhà xảy ra, khoảng tháng 4/2010, vợ chồng ông T. có đến nhà ông Th. xin được bãi nại sự việc và ông Th. đã đồng ý, mọi việc coi như giải quyết xong nên giờ không đồng ý trả tiếp số tiền mà ông T. yêu cầu.

Tại phiên tòa sơ thẩm, HĐXX của TAND TP Vĩnh Long đã chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của ông T., buộc vợ chồng ông Th. có nghĩa vụ trả nợ gốc 400 triệu đồng, tiền lãi hơn 338 triệu đồng nhưng ông Th. không đồng ý gửi đơn kháng cáo.

Tại phiên xử phúc thẩm, HĐXX cho rằng: Vợ chồng ông Th. thừa nhận có nợ ông T. 400 triệu đồng nhưng đã trả được 355 triệu đồng. Tuy nhiên, vợ chồng ông T. không thừa nhận và con dâu của ông T. cũng không thừa nhận có nhận tiền từ ông Th. Tại tòa, vợ chồng ông Th. không cung cấp được chứng cứ chứng minh đã trả số tiền vốn vay nên yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn là có căn cứ. Do đó, HĐXX cấp phúc thẩm đã tuyên giữ nguyên án sơ thẩm buộc vợ chồng ông Th. có nghĩa vụ trả cho ông T. hơn 738 triệu đồng gồm nợ gốc 400 triệu đồng và tiền lãi hơn 338 triệu đồng.

Mặc dù quá trình giải quyết vụ án, ông Th. đều khẳng định từ tháng 8/2008- 4/2009 đã đóng lãi 48 triệu đồng và trả nợ gốc 355 triệu đồng nhưng vì tin tưởng là đồng hương nên không yêu cầu phía chủ nợ ghi biên nhận. Cũng chính vì không có biên nhận chứng minh nên ở cả 2 cấp xét xử, ông Th. đã thua kiện.

DIỄM PHƯỢNG

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh