Bảo mật thông tin cá nhân

08:08, 04/08/2021

Tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản, đặc biệt là trên không gian mạng gần đây diễn biến phức tạp và có chiều hướng gia tăng.

Tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản, đặc biệt là trên không gian mạng gần đây diễn biến phức tạp và có chiều hướng gia tăng.

Do đó, cơ quan chức năng vừa đưa ra khuyến cáo người dân nêu cao cảnh giác, bảo mật và cân nhắc khi cung cấp thông tin cá nhân cho người khác.

Sụp bẫy “quà tặng tri ân”

Những năm gần đây, thương mại điện tử phát triển mạnh mẽ và trở thành kênh bán hàng mang lại nhiều lợi ích, đặc biệt là trong bối cảnh dịch COVID-19 bùng phát thì loại hình kinh doanh này ngày càng được nhiều người tiêu dùng quan tâm lựa chọn. Việt Nam cũng đã xuất hiện nhiều sàn thương mại điện tử quy mô lớn như: Sen đỏ, Lazada, Tiki, Shopee,… Vậy nên, người tiêu dùng không phải mất thời gian đến trực tiếp các cửa hàng, mà chỉ cần ở nhà, truy cập internet, thực hiện vài thao tác đơn giản là có thể đặt mua cho mình món hàng mong muốn và được giao đến tận địa chỉ.

Tuy nhiên, giao dịch qua thương mại điện tử hay mua hàng trực tuyến vẫn còn tiềm ẩn nhiều rủi ro, người tiêu dùng có thể bị lợi dụng thông tin cá nhân để chiếm đoạt tài sản, bị lừa đảo, hoặc mua phải hàng giả, hàng nhái. Gần đây, chiêu trò lừa đảo “quà tặng tri ân” tái diễn với thủ đoạn tinh vi hơn, khiến không ít người bị mất tiền oan. Đối tượng lừa đảo tự xưng là nhân viên các cửa hàng hoặc sàn thương mại điện tử gọi điện thoại thông báo gửi tặng những món quà có giá trị, kèm theo điều kiện phải đóng một khoản phí từ vài chục đến vài trăm ngàn đồng, thậm chí vài triệu đồng, tùy theo giá trị “phần thưởng”.

Chị T.T. (Mang Thít) vừa nhận được cuộc gọi thông báo nhận “quà tri ân miễn phí từ Shopee. Người này cho biết tôi là khách hàng thân thiết của Shopee nên may mắn được tặng phẩm trâu vàng, chỉ cần thanh toán khoản phí từ 18.000- 50.000đ thì 3- 5 ngày sau sẽ nhận được. Ban đầu tôi có chút nghi ngờ nhưng do người này nói đúng tài khoản và địa chỉ nhận hàng nên tôi tin”- chị T. thuật lại sự việc, đồng thời cho biết hóa ra “quà tặng” là miếng dán hình trâu vàng dùng để trong ốp điện thoại chỉ đáng giá vài ngàn đồng… bán đầy ngoài chợ.

May mắn hơn vì đã đề cao cảnh giác nhờ thường xuyên đọc báo, tìm hiểu thủ đoạn lừa đảo của bọn tội phạm nên chị T.L. (TP Vĩnh Long) không “mất tiền oan”. Chị L. cho biết vừa nhận được cuộc gọi từ một người đàn ông tự xưng là nhân viên Shopee thông báo trúng thưởng “chai nước hoa nhập khẩu trị giá 2 triệu đồng”, kèm theo điều kiện phải thanh toán 199.000đ chi phí vận chuyển. Tương tự thủ đoạn lừa đảo mà chị T. gặp phải, “nhân viên” này cũng tư vấn cho chị L. biết do là “khách hàng thân thiết nên được lựa chọn là 1 trong 5 người may mắn được nhận thưởng”. “Tôi thường xuyên mua hàng của Shopee nên biết nếu tặng quà cho khách hàng may mắn, Shopee sẽ gửi thông báo qua mục thông báo trên ứng dụng hoặc gọi điện thoại cho khách hàng bằng số chăm sóc khách hàng. Tất cả quà tặng từ Shopee đều được miễn phí vận chuyển, khách hàng nhận thưởng sẽ không phải trả thêm bất kỳ khoản phí nào khác”- chị L. cho biết.

Bảo mật thông tin cá nhân

Ngoài thủ đoạn lừa đảo “quà tặng tri ân” các sàn giao dịch thương mại điện tử hay mua hàng trực tuyến, cơ quan chức năng đã nhận nhiều phản ánh từ người dân về các cuộc gọi thông báo trúng thưởng, có quà gửi từ nước ngoài về có đầu số lạ như: +252, +247, +232, +231, +373, +224, +371, +0091, +0038, +0090,... Đối tượng lừa đảo còn kết bạn qua mạng xã hội Facebook, Zalo, Skype, Whatsapp,... để làm quen, hợp tác làm ăn, sau đó ngỏ ý gửi tiền về nhờ giữ giùm hoặc tặng quà có giá trị lớn. Tiếp theo, chúng cho người giả làm nhân viên hải quan, thuế,... thông báo kiện hàng đang bị tạm giữ với lý do chưa đóng thuế, phí nhận hàng, phí tạm ứng giá trị kiện hàng và yêu cầu bị hại thanh toán các khoản phí này.

Gần đây xuất hiện thủ đoạn gọi điện thoại giả danh cơ quan thực thi pháp luật như công an, viện kiểm sát, tòa án và đưa ra lý do, gây sức ép buộc người dân tin rằng mình liên quan đến các vụ án mang tính chất rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng như rửa tiền, mua bán ma túy và yêu cầu chuyển tiền vào tài khoản của đối tượng để “điều tra trực tuyến”. Một số hình thức lừa đảo khác mà nhiều người đã sụp bẫy như: giả danh là thành viên hội đồng xổ số, dụ dỗ bị hại “trả phí” để nhận số lô, số đề. Lấy cắp tài khoản mạng xã hội, nhắn tin tới bị hại hoặc bạn bè của họ mượn tiền, nhờ mua đồ, hợp tác làm ăn, mua thẻ điện thoại.

Tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản bằng công nghệ cao còn tinh vi hơn khi giả mạo thương hiệu các ngân hàng để gửi thông báo kèm theo đường link qua tin nhắn SMS, email, phần mềm chat. Người dân nếu thiếu cảnh giác sẽ truy cập vào đường link này và được yêu cầu cung cấp tên đăng nhập, số thẻ, mật khẩu, mã OTP. Khi có được những thông tin này, các đối tượng lừa đảo sẽ rút hết tiền trong tài khoản.

Theo điều tra của Bộ Công an và Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin- Truyền thông), các tin nhắn mạo danh này không xuất phát từ hệ thống của các tổ chức tài chính, ngân hàng và doanh nghiệp viễn thông mà được phát tán thông qua các thiết bị phát sóng di động giả mạo. Đây là các thiết bị có nguồn gốc từ nước ngoài, do các đối tượng lừa đảo mua bán, sử dụng trái phép nhằm mục đích thực hiện các cuộc tấn công phát tán tin nhắn rác lừa đảo.

Sở Thông tin- Truyền thông tỉnh Vĩnh Long cũng vừa đưa ra cảnh báo đối với các thủ đoạn này và khuyến cáo người dân không giao dịch với số điện thoại có đầu số lạ. Không cung cấp thông tin cá nhân cho bất kỳ cá nhân, tổ chức nào khi chưa xác định được họ là ai và sử dụng thông tin của mình vào mục đích gì. Không mua bán, cho mượn chứng minh nhân dân, căn cước công dân, thông tin tài khoản và thẻ tín dụng ngân hàng. Tuyệt đối không chuyển, nộp tiền vào bất kỳ tài khoản cá nhân, tổ chức nào khi chưa biết họ là ai.

TRUNG HƯNG

 

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh