Khó khăn về tài chính, chấp nhận vay nợ với lãi suất cao, nhiều người trở thành nạn nhân của "tín dụng đen" với các thủ đoạn đòi nợ kiểu giang hồ. Mặc dù cơ quan chức năng đã tăng cường đấu tranh, xử lý nhưng loại tội phạm và hành vi vi phạm pháp luật này vẫn còn xảy ra, gây mất an ninh trật tự, lo lắng, bức xúc trong nhân dân.
Qua kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện nhiều tờ rơi quảng cáo cho vay nghi ngờ “tín dụng đen”. |
Khó khăn về tài chính, chấp nhận vay nợ với lãi suất cao, nhiều người trở thành nạn nhân của “tín dụng đen” với các thủ đoạn đòi nợ kiểu giang hồ. Mặc dù cơ quan chức năng đã tăng cường đấu tranh, xử lý nhưng loại tội phạm và hành vi vi phạm pháp luật này vẫn còn xảy ra, gây mất an ninh trật tự, lo lắng, bức xúc trong nhân dân.
Lãi cao, đòi nợ kiểu giang hồ
Chỉ thị số 12/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến “tín dụng đen” xác định, đây là hình thức cho vay, đi vay hoặc huy động vốn với lãi suất vượt quá mức lãi suất pháp luật quy định, được thực hiện bởi các cá nhân, nhóm người hoặc tổ chức kinh doanh dịch vụ tài chính, thường gắn với các hành vi đòi nợ, chiếm đoạt tài sản trái pháp luật.
Chủ nợ thường thuê các băng nhóm tội phạm, đối tượng có tiền án, tiền sự sử dụng vũ khí, hung khí nguy hiểm có thể thực hiện các tội phạm xâm hại đến tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự, tổn hại về tinh thần và chiếm đoạt, hủy hoại tài sản của người vay.
Thời gian qua, tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen” xảy ra tại nhiều địa phương, gây ảnh hưởng đến an ninh, trật tự với thủ đoạn rất tinh vi, phức tạp.
Các đối tượng lợi dụng mạng viễn thông, Internet, núp bóng các doanh nghiệp có chức năng cho vay tài chính, dịch vụ đòi nợ, kinh doanh cầm đồ nhằm tạo vỏ bọc, đối phó với cơ quan chức năng để tổ chức các hoạt động cho vay không thế chấp, huy động vốn, kinh doanh tài chính, góp vốn, góp tài sản kinh doanh với lãi suất rất cao, từ 100% đến 300%, thậm chí lên đến 700%/năm nhằm thu lợi bất chính.
Công an tỉnh rà soát hiện có khoảng 40 đối tượng có độ tuổi từ 16 đến 40, đến từ TP Hà Nội, TP Hải Phòng, Thanh Hóa, Nghệ An, Vĩnh Phúc; cùng 5 đối tượng là người địa phương có biểu hiện hoạt động cho vay nặng lãi trên địa bàn tỉnh.
Ngoài ra, cơ quan chức năng vừa truy bắt nhiều nhóm đối tượng khác có hành vi gây rối trật tự công cộng liên quan đến “tín dụng đen”.
Mời làm việc 17 đối tượng rải tờ rơi cho vay tiền góp, trong đó, xử phạt vi phạm hành chính 13 đối tượng vì hành vi phát tờ rơi quảng cáo làm ảnh hưởng đến mỹ quan, trật tự an toàn giao thông, xã hội.
Khoảng 1 năm qua, Thanh tra Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức và phối hợp với các ngành tổ chức 47 cuộc kiểm tra đối với 100 lượt cơ sở kinh doanh dịch vụ văn hóa, thể thao và du lịch.
Trong đó, có 17 cuộc kiểm tra quảng cáo, nội dung về “Phát tờ rơi quảng cáo làm ảnh hưởng đến mỹ quan, trật tự an toàn giao thông, xã hội”; “Treo, đặt, dán, vẽ quảng cáo các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ trên cột điện, trụ điện, cột tín hiệu giao thông và cây xanh nơi công cộng” liên quan đến hoạt động tội phạm “tín dụng đen”.
Qua đó, phát hiện 4 đối tượng quảng cáo có hình thức cho vay “tín dụng đen”. Thanh tra sở đã chuyển Công an xã Thanh Đức (Long Hồ) xử lý 1 trường hợp, nhắc nhở 2 trường hợp, trường hợp còn lại được Phòng Cảnh sát hình sự thụ lý giải quyết.
Mạnh tay xử lý “tín dụng đen”
Người dân nên cảnh giác với các tờ rơi quảng cáo vay tiền “thủ tục đơn giản, alo là có”. |
Cơ quan chức năng dự báo, do diễn biến phức tạp của tình hình dịch COVID-19 ảnh hưởng đến việc sản xuất, kinh doanh, lao động của người dân, dẫn đến khó khăn về kinh tế, thiếu vốn, có thể tìm đến các đối tượng cho vay “tín dụng đen”.
Lợi dụng tình hình dịch bệnh, nắm bắt được tâm lý của người dân, các đối tượng cho vay “tín dụng đen” sẽ hoạt động mạnh, diễn biến phức tạp hơn trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới.
Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch kiến nghị Công an tỉnh chỉ đạo lực lượng công an các cấp tăng cường công tác kiểm tra để kịp thời xử lý hoặc tham mưu người có thẩm quyền xử lý các hành vi vi phạm liên quan đến hoạt động quảng cáo “tín dụng đen”.
Các đối tượng cho vay “tín dụng đen” thường xuyên, phổ biến thực hiện quảng cáo tiếp cận đến người dân qua các hình thức như: treo, đặt, dán, phát tờ rơi quảng cáo ở các chợ, khu dân cư tập trung đông người, đường nông thôn và hoạt động thường vào ban đêm.
Do đó, rất cần lực lượng công an kiểm tra, phát hiện xử lý nhanh chóng, kịp thời, góp phần đấu tranh, phòng ngừa với tội phạm và vi phạm pháp luật.
Theo kế hoạch về tăng cường phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến “tín dụng đen”, UBND tỉnh yêu cầu Công an tỉnh thường xuyên phối hợp chặt chẽ với Viện Kiểm sát nhân dân, TAND các cấp trong công tác điều tra, truy tố, xét xử các vụ án liên quan đến “tín dụng đen” nhằm răn đe và phòng ngừa chung cho toàn xã hội.
Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Vĩnh Long phối hợp các đơn vị liên quan, tổ chức chính trị- xã hội phổ biến các văn bản pháp luật về chính sách tín dụng, tiền tệ, tín dụng ưu đãi theo quy định.
Tăng cường thanh tra, giám sát các tổ chức tín dụng, công ty tài chính trong việc thực hiện các quy định về tiền tệ, ngân hàng. Nếu phát hiện phạm tội thì chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra xử lý.
Ban Giám đốc Công an tỉnh cũng vừa chỉ đạo Phòng Cảnh sát hình sự rà soát lĩnh vực ngành nghề kinh doanh có điều kiện về an ninh trật tự dễ phát sinh tội phạm, tệ nạn xã hội.
Theo dõi đối tượng có hành vi cho vay nặng lãi, khi phát hiện có dấu hiệu phạm tội thì tổ chức đấu tranh, xử lý theo quy định của pháp luật.
Tăng cường phát động phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về phương thức, thủ đoạn và hậu quả khi vay nặng lãi.
Bài, ảnh: TRUNG HƯNG
[links()]
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin