Thế chấp tài sản mượn tiền rồi tiếp tục mang tài sản đó chuyển nhượng cho người khác dẫn đến tranh chấp không đường gỡ.
Thế chấp tài sản mượn tiền rồi tiếp tục mang tài sản đó chuyển nhượng cho người khác dẫn đến tranh chấp không đường gỡ.
Từ năm 2011-2015, vợ chồng ông N.V.T. (ở TX Bình Minh) nhiều lần vay mượn tiền của bà N.T.M. (ở huyện Bình Tân) với số nợ lên đến hàng tỷ đồng. Để đảm bảo việc vay mượn nợ, ông T. đã thế chấp và giao 2 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (QSDĐ) gắn với cửa hàng xăng dầu và nhà trọ cho bà M. Sau đó, do làm ăn thua lỗ, ông T. không khả năng trả nợ nên đã chuyển nhượng cửa hàng xăng dầu và nhà trọ gắn liền với đất cho một công ty xăng dầu ở Hậu Giang. Bà M. biết chuyện gửi đơn kiện ông T. ra tòa yêu cầu vô hiệu hợp đồng chuyển nhượng và buộc ông T. trả vốn vay lẫn lãi hơn 6,7 tỷ đồng.
Liên quan vụ việc trên, phía công ty xăng dầu ở Hậu Giang cũng có đơn yêu cầu vợ chồng ông T. tiếp tục thực hiện hợp đồng chuyển nhượng đã ký vào ngày 23/7/2016 để công ty tiến hành thủ tục sang tên theo quy định pháp luật.
Quá trình giải quyết vụ án, ông T. đồng ý thực hiện thủ tục chuyển nhượng khi bà M. trả lại các giấy chứng nhận QSDĐ. Riêng số nợ hơn 6,7 tỷ đồng, ông T. không đồng ý vì từ năm 2011, ông vay tiền của bà M. nhiều lần và viết rất nhiều biên nhận. Đến năm 2015, bà M. viết lại biên nhận ghi tổng số nợ là 1,45 tỷ đồng, tiền lãi chưa đóng 766,2 triệu đồng. Sau đó, ông T. mượn tiếp 600 triệu đồng và thế chấp 2 giấy chứng nhận QSDĐ cửa hàng xăng dầu, nhà trọ. Đến năm 2017, bà M. kêu ông T. ghi biên nhận số tiền lãi hơn 1,9 tỷ đồng thành tiền mượn. Thực tế, ông T. còn thiếu bà M. 2 món nợ là 1,45 tỷ đồng và 600 triệu đồng nên chỉ đồng ý trả số tiền này cùng với lãi suất theo mức ngân hàng quy định và yêu cầu bà M. phải trả lại 2 giấy chứng nhận QSDĐ.
Tại phiên tòa sơ thẩm, HĐXX của TAND TX Bình Minh đã bác yêu cầu vô hiệu hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ ngày 23/7/2016 của bà M. đồng thời buộc vợ chồng ông T. phải liên đới trả nợ gốc và lãi theo yêu cầu của bà M. Trong đó có 1,9 tỷ đồng ông T. không đồng ý là tiền mượn.
Sau phán quyết trên, cả bà M. và ông T. đều gửi đơn kháng cáo. Ông T. cho rằng chỉ còn nợ bà M. hơn 2,8 tỷ đồng (gồm 1,450 tỷ đồng vay, 600 triệu đồng mượn và 766,2 triệu đồng tiền lãi). Còn số tiền hơn 1,9 tỷ đồng mà bà M. viết lại biên nhận thành tiền mượn, ông T. đã trả qua tài khoản của bà M. vào ngày 28/10/2015 tại một ngân hàng ở huyện Bình Tân.
Theo HĐXX cấp phúc thẩm, ông T. cho rằng số tiền 1,9 triệu đồng ghi trong biên nhận vay ngày 26/10/2015 đã được chuyển trả cho bà M. nhưng theo chứng từ giao dịch ông T. cung cấp thì ngày 28/10/2015, ông T. nộp vào tài khoản của bà M. 2 tỷ đồng với nội dung chuyển trả tiền theo giấy thỏa thuận mượn tiền ngày 25/10/2012. Việc ông T. cho rằng không ghi nội dung trả tiền theo biên nhận ngày 26/10/2015 được là vì nhân viên ngân hàng yêu cầu phải ghi vào thời điểm năm 2012 để thể hiện có nợ tiền và không khả năng thanh toán. Tuy nhiên, ngoài lời trình bày này thì ông T. không cung cấp được chứng cứ chứng minh số tiền 2 tỷ đồng chuyển cho bà M. là trả cho số tiền 1,9 tỷ đồng theo biên nhận vay ngày 26/10/2015. Mặt khác, giấy thỏa thuận mượn tiền ngày 25/10/2012 thể hiện vợ chồng ông T. đã mượn của bà M. 2 tỷ đồng và bà M. cũng xác nhận đến ngày 28/10/2015 thì ông T. đã chuyển khoản trả xong. Như vậy, có căn cứ xác định số tiền 1,9 tỷ đồng theo biên nhận vay ngày 26/10/2015, vợ chồng ông T. chưa trả nên án sơ thẩm buộc vợ chồng ông T. phải trả cho bà M. là có căn cứ.
Đối với kháng cáo yêu cầu vô hiệu hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ ngày 23/7/2016 của bà M., HĐXX cho rằng bà M. khẳng định việc ông T. tự ý chuyển nhượng đất trong thời gian bà giữ giấy chứng nhận QSDĐ và không có sự đồng ý của bà là nhằm trốn tránh nghĩa vụ trả nợ nên yêu cầu vô hiệu toàn bộ hợp đồng trên. Nhưng tại tòa, cả ông T. và bà M. đều thừa nhận khi ông T. chuyển nhượng đất cho công ty xăng dầu ở Hậu Giang thì có liên hệ bà M. trả 600 triệu đồng và xin nhận lại 2 giấy chứng nhận QSDĐ nhưng bà M. không đồng ý, yêu cầu ông T. phải thanh toán toàn bộ số nợ hơn 2,8 tỷ đồng nên các bên phát sinh tranh chấp.
Như vậy, có căn cứ xác định việc ông T. chuyển nhượng đất thì bà M. biết và việc bà M. giữ 2 giấy chứng nhận QSDĐ của vợ chồng ông T. nhưng chưa thực hiện đầy đủ các thủ tục thế chấp QSDĐ và đăng ký tại cơ quan có thẩm quyền là chưa đúng quy định nên không được công nhận. Còn việc chuyển nhượng QSDĐ giữa vợ chồng ông T. với công ty xăng dầu ở Hậu Giang nhưng chưa công chứng, chứng thực hợp đồng chuyển nhượng là do khách quan. Thực tế, sau khi ký hợp đồng thì bên nhận chuyển nhượng đã giao đủ tiền và vợ chồng ông T. cũng đã giao đất cùng tài sản gắn liền với đất cho công ty này.
Từ những cơ sở trên, HĐXX cấp phúc thẩm tuyên buộc vợ chồng ông T. phải liên đới trả cho bà M. hơn 6,7 tỷ đồng (gồm 4,8 tỷ đồng tiền vốn và hơn 1,8 tỷ đồng tiền lãi). Không chấp nhận yêu cầu vô hiệu hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ ngày 23/7/2016 của bà M. đồng thời buộc bà M. trả lại bản chính 2 giấy chứng nhận QSDĐ do vợ chồng ông T. đứng tên để thực hiện thủ tục chuyển nhượng QSDĐ với công ty xăng dầu ở Hậu Giang.
Án đã tuyên nhưng rắc rối giữa 3 bên vẫn chưa thể tháo gỡ ngay chỉ vì những giao dịch lách luật tưởng “lợi” nhưng “bất cập hại” dẫn đến những thiệt kéo dài cho người trong cuộc.
DIỄM PHƯỢNG
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin