Vay mượn nợ, mua bán hàng hóa chỉ làm "giấy tay" hoặc dựa trên biên lai, đến khi người vay hoặc người mua không thanh toán đúng hạn dẫn đến tranh chấp, kiện tụng phải kéo nhau ra tòa giải quyết.
Vay mượn nợ, mua bán hàng hóa chỉ làm “giấy tay” hoặc dựa trên biên lai, đến khi người vay hoặc người mua không thanh toán đúng hạn dẫn đến tranh chấp, kiện tụng phải kéo nhau ra tòa giải quyết.
Vay nợ bằng “giấy tay”
Nghĩ tình quen biết lâu năm nên ông L.T. L. (ngụ thị trấn Tân Quới- Bình Tân) cho ông H.N.C. vay 700 triệu đồng làm vốn kinh doanh. 2 bên chỉ làm biên nhận, kèm theo lời hứa của ông C. sẽ hoàn trả số tiền này trong vòng 15 ngày. Để làm tin, ông C. còn giao cho ông L. bản sao chứng minh nhân dân, hộ khẩu và giấy đăng ký kết hôn. Tuy nhiên khi đến hẹn, ông C. luôn tìm cách né tránh nên ông L. làm đơn khởi kiện ra TAND huyện Bình Tân yêu cầu vợ chồng ông C. phải liên đới chịu trách nhiệm trả nợ.
Tại tòa, HĐXX đã xem xét đến biên nhận nợ giữa ông C. và ông L., trong đó có ghi khoản tiền vay là 700 triệu đồng nhưng không nêu lãi suất, kèm theo chữ ký của ông C. Riêng việc ông L. yêu cầu vợ ông C. phải liên đới trong việc trả nợ nhưng trong biên nhận nợ không có chữ ký của người này. Đồng thời, nguyên đơn không cung cấp được chứng cứ chứng minh số tiền này là do vợ chồng ông C. cùng thỏa thuận việc vay tiền nhằm đảm bảo nhu cầu thiết yếu của gia đình nên không có căn cứ chấp nhận yêu cầu vợ chồng ông C. phải có trách nhiệm liên đới. Do vậy, HĐXX quyết định chấp nhận một phần khởi kiện của ông L., buộc ông C. phải có nghĩa vụ trả cho ông L. 700 triệu đồng.
Tương tự, bà H. (thị trấn Tân Quới- Bình Tân) và bà T. là chỗ quen biết, thường xuyên qua lại. Bà T. thì có người bạn là bà U. đang gặp khó khăn về tài chính nên dẫn đến giới thiệu với bà H. Vì nể nang nên khoảng tháng 9/2013, bà H. đồng ý cho bà U. vay 35 chỉ vàng 24K, lãi suất mỗi tháng 6,5 triệu đồng, thời hạn 1 năm. 2 bên không ký hợp đồng mà chỉ làm “giấy hỏi vàng” và bà U. giao cho bà H. một giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để làm tin. Từ khi mượn được vàng, bà U. “lặn mất tăm”. Đến cuối năm 2020, bà H. làm đơn khởi kiện ra tòa, chấp nhận không tính lãi, chỉ yêu cầu bà U. trả nợ gốc. Căn cứ vào “giấy hỏi vàng”, HĐXX nhận định yêu cầu của bà H. là có căn cứ nên chấp nhận, buộc bà U. phải có trách nhiệm trả bà H. 35 chỉ vàng 24K.
Mua bán chỉ “thỏa thuận miệng”
Ông Ph. (Long Hồ) bán thức ăn chăn nuôi cho ông D. nhưng nể tình là “mối ruột” nên không làm giấy tờ mà chỉ thỏa thuận miệng, đến khi phát sinh tranh chấp không thể giải quyết phải kéo nhau ra tòa. Ông Ph. trình bày: vào khoảng năm 2016- 2017, ông có bán thức ăn cá cho ông D. với điều kiện khi nào bán được cá sẽ trả tiền. Đến tháng 5/2019, ông Ph. cộng sổ sách thì ông D. còn nợ 332 triệu đồng. Do ông D. chậm thanh toán, ông Ph. gửi đơn đến TAND huyện Long Hồ đòi quyền lợi.
Tại tòa, ông D. thừa nhận có mua thức ăn cá của ông Ph., 2 bên thỏa thuận bằng miệng khi nào bán được cá thì trả tiền, không có thỏa thuận trả lãi. Mỗi lần giao thức ăn có ký biên nhận, giá thức ăn là do ông Ph. đưa ra cao hơn giá thị trường. Đến khoảng cuối năm 2018, ông Ph. đột ngột ngưng cung cấp thức ăn mà không nói lý do, khiến cá chết hàng loạt, gây thất thoát lớn.
Theo yêu cầu của ông Ph., ông D. đồng ý trả 332 triệu đồng nhưng không đồng ý trả lãi vì giá bán đã tính luôn phần lãi rồi. Tuy vậy, căn cứ vào các chứng cứ, tài liệu, quy định của pháp luật, TAND huyện Long Hồ chấp nhận khởi kiện của ông Ph., buộc ông D. phải trả cho ông Ph. hơn 351 triệu đồng tiền gốc và lãi.
Tương tự, trường hợp của anh N.H.P. là chủ đại lý kinh doanh thức ăn chăn nuôi, còn anh T.H.H. là khách hàng. Vì là chỗ làm ăn lâu năm, tin tưởng nhau nên việc mua bán giữa anh P. và anh H. không dựa trên hợp đồng mua bán mà chỉ có biên bản giao nhận hàng hóa. Đến tháng 11/2019, 2 bên đối chiếu công nợ bằng biên bản xác nhận nợ và giao nhận hàng hóa, anh H. thừa nhận còn nợ anh P. hơn 80 triệu đồng tiền mua bán thức ăn cá và hứa đến tháng 4/2020 nếu bán được cá sẽ thanh toán dứt nợ.
Nhiều tháng trôi qua nhưng anh H. không giữ lời hứa, anh P. làm đơn khởi kiện ra TAND huyện Mang Thít yêu cầu anh H. phải trả nợ gốc, kèm theo lãi suất hơn 16 triệu đồng. HĐXX xét thấy giữa anh P. và anh H. có thực hiện giao dịch mua bán thức ăn. Đồng thời, anh P. cung cấp cho tòa biên nhận nợ và giao nhận hàng hóa làm bằng chứng. Do vậy, tòa chấp nhận yêu cầu khởi kiện của anh P., buộc anh H. có nghĩa vụ phải hoàn trả nợ gốc và lãi hơn 96 triệu đồng.
TRUNG HƯNG
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin