Hụi (họ, biêu, phường) là hình thức huy động vốn xoay vòng trong nội bộ nhân dân, dựa trên sự tự nguyện giữa người chơi (hụi viên) và đầu thảo (chủ hụi). Thực tế, người dân tham gia chơi hụi vẫn mang tính tự phát, dựa vào niềm tin, uy tín nên khi xảy ra tranh chấp phải nhờ đến pháp luật giải quyết.
(VLO) Hụi (họ, biêu, phường) là hình thức huy động vốn xoay vòng trong nội bộ nhân dân, dựa trên sự tự nguyện giữa người chơi (hụi viên) và đầu thảo (chủ hụi). Thực tế, người dân tham gia chơi hụi vẫn mang tính tự phát, dựa vào niềm tin, uy tín nên khi xảy ra tranh chấp phải nhờ đến pháp luật giải quyết.
Từ tranh chấp dân sự
Chị N.T.B. (Vũng Liêm) tham gia 3 dây hụi tháng do chị C.T.T.H. làm “đầu thảo”. Dây hụi thứ nhất chị hốt được 54 triệu đồng nhưng chủ hụi chỉ giao 27,3 triệu đồng, còn lại hứa “từ từ trả” nhưng đòi hoài không được. 2 dây hụi khác, chị B. đóng được 6 lần thì chủ hụi tuyên bố vỡ hụi. Chị B. tính toán số tiền chủ hụi còn nợ là hơn 44,4 triệu đồng.
Tranh chấp không thể giải quyết bằng “tình làng nghĩa xóm”, chị B. làm đơn kiện ra TAND huyện Vũng Liêm đòi quyền lợi. Theo HĐXX, hợp đồng góp hụi giữa chị B. và chị H. được thiết lập dựa trên sự tự nguyện giữa đôi bên nên phù hợp theo quy định của pháp luật.
Ngoài ra, chị B. cung cấp cho tòa các biên nhận nợ viết tay của chị H. và lời trình bày của chị B. cũng phù hợp với danh sách hụi mà chị H. đã liệt kê, kèm chữ ký, chứng minh yêu cầu khởi kiện là có căn cứ.
Do vậy, HĐXX chấp nhận yêu cầu khởi kiện của chị B., buộc chị H. phải có nghĩa vụ trả lại cho chị B. hơn 44,4 triệu đồng.
Phần lỗi không phải lúc nào cũng ở phía chủ hụi, đôi khi hụi viên đã hốt hụi nhưng không đóng “hụi chết” đầy đủ, ảnh hưởng đến quyền lợi các hụi viên khác. Sự việc kéo dài, chủ hụi phải nhờ đến pháp luật giải quyết để đòi lại quyền lợi cho tập thể.
Bà V.T.V. (Vũng Liêm) là chủ hụi, hụi viên chủ yếu là bà con, hàng xóm, người quen ở địa phương, trong đó có vợ chồng bà N.T.P. và ông V.V.H.
Bà V. trình bày: Vợ chồng bà P. tham gia 5 dây hụi tháng nhưng sau khi hốt hụi không đóng lại “hụi chết” buộc bà phải bỏ tiền túi đóng bù 251 triệu đồng.
Sau đó, bà kiện ra tòa thì vợ chồng bà P. có trả được 70 triệu đồng, còn lại 181 triệu đồng xin trả dần hàng tháng. Tuy vậy, khi tòa triệu tập, vợ chồng bà P. cố tình vắng mặt không lý do, không hợp tác.
Sau khi nghiên cứu các tài liệu và các chứng cứ đã thu thập được có trong hồ sơ và lời trình bày của đương sự, được thẩm tra tại phiên tòa, HĐXX nhận định, hợp đồng góp hụi giữa bà V. với vợ chồng bà P. được ký kết trên cơ sở tự nguyện.
Bà V. đã thực hiện xong nghĩa vụ là giao tiền hụi nên vợ chồng bà P. phải có nghĩa vụ trả lại cho bà V. 181 triệu đồng.
… đến lừa đảo
Thực tế, vẫn có nhiều chủ hụi làm ăn chân chính, công khai, minh bạch, hụi viên nhờ vậy tích lũy được nguồn vốn lo cho đời sống gia đình, kinh doanh, mua bán.
Cũng có không ít chủ hụi ban đầu uy tín nhưng sau đó lại lợi dụng sự tin tưởng của hụi viên để giở trò gian dối, lập hụi khống chiếm đoạt tài sản. Đến khi mất cân đối tài chính, chủ hụi tuyên bố vỡ hụi rồi bỏ trốn hoặc thách thức hụi viên kiện ra tòa.
Nguyễn Tố Hương (SN 1969, ngụ xã Lộc Hòa- Long Hồ) vừa bị TAND tỉnh tuyên phạt 18 năm tù vì tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Hương bắt đầu làm “đầu thảo” các dây hụi từ năm 2008, ban đầu luôn làm đúng trách nhiệm, nghĩa vụ như: công khai việc thành lập các dây hụi, danh sách hụi viên, thời gian, địa điểm khui và giao hụi nên được hụi viên tin tưởng.
Vì vậy, các dây hụi do Hương làm đầu thảo ngày càng “nở nồi”, từ hụi tháng đến hụi mùa, mỗi dây hụi trị giá từ 500.000đ đến 10 triệu đồng.
Hương và hụi viên thống nhất hụi tháng mỗi tháng khui một lần, còn hụi mùa khui sau khi bán được lúa. Tuy nhiên, lúc kinh tế gia đình lâm vào hoàn cảnh khó khăn, trong khi nhiều hụi viên không đóng “hụi chết” khiến Hương mất cân đối tài chính phải vay ngân hàng để bù vào các khoản chênh lệch.
Nợ nần chồng chất, năm 2013, Hương bắt đầu giở trò gian dối bằng cách tự ý lấy tên hoặc kê khống tên hụi viên không có thật vào các dây hụi để kêu hốt. Có khi đã gom đủ tiền hụi nhưng Hương lại “ém” làm của riêng và nói dối hụi viên là chưa gom đủ.
Đến đầu tháng 4/2017, Hương tuyên bố vỡ hụi, ôm số nợ hơn 5 tỷ đồng và bỏ trốn lên TP Hồ Chí Minh nên các hụi viên đã làm đơn tố cáo đến cơ quan chức năng.
Tương tự, vì nợ nần nên Nguyễn Văn Tuấn (SN 1964) và vợ là Trần Thị Thúy (SN 1965, ngụ xã Bình Phước- Mang Thít) đã lợi dụng lòng tin của hụi viên để giở trò lừa đảo chiếm đoạt hàng trăm triệu đồng.
Theo đó, vợ chồng Tuấn bắt đầu tổ chức các dây hụi tháng, hụi mùa và hụi vàng từ tháng 2/2012. Mỗi dây hụi, mỗi hụi viên đóng từ 1- 5 triệu đồng, riêng hụi vàng mỗi lần đóng là 1 chỉ vàng 24K.
Để hụi viên tin tưởng, Tuấn lập danh sách hụi viên tham gia từng dây hụi và phát mỗi người một bản photo. Khi gom đủ tiền, vàng, Tuấn sẽ giao cho hụi viên đến kỳ hốt hụi và được hưởng hoa đồng 40% đối với mỗi phần hụi.
Tuy nhiên, vợ chồng Tuấn đã lợi dụng sự tin tưởng của hụi viên để giở trò lừa đảo bằng cách kê khống hoặc tự ý lấy tên của hụi viên để kêu hốt hụi, chiếm đoạt tài sản sử dụng vào mục đích trả nợ, đóng bù “hụi chết” và tiêu xài cá nhân.
Số tiền có được từ hành vi lừa đảo không đủ chi tiêu, vợ chồng Tuấn tuyên bố vỡ hụi. Nhận định hành vi của các bị cáo là đặc biệt nguy hiểm, gây tâm lý hoang mang, bức xúc trong nhân dân nên HĐXX quyết định tuyên phạt Nguyễn Văn Tuấn 12 năm tù, Trần Thị Thúy 7 năm tù, cùng tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
TRUNG HƯNG
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin