Sau thời gian dài tranh chấp, hợp đồng đôi bên ký hơn 10 năm đã bị tòa tuyên hủy vì trong đó có phần đất nghĩa địa không chuyển nhượng được.
(VLO) Sau thời gian dài tranh chấp, hợp đồng đôi bên ký hơn 10 năm đã bị tòa tuyên hủy vì trong đó có phần đất nghĩa địa không chuyển nhượng được.
Năm 2010, ông N.V.X. làm giấy tay chuyển nhượng 2 thửa đất liền kề cho anh N.V.T. (cùng ở TX Bình Minh) và đã đưa giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (QSDĐ) cho anh T. làm thủ tục sang tên.
Khi 2 bên ra chính quyền địa phương chứng thực hợp đồng thì chỉ làm thủ tục kê khai đăng ký được thửa đất trồng lúa.
Thửa còn lại do là đất nghĩa địa, chôn cất ông bà của ông X. nên không chuyển nhượng được. Do đó, ngày 3/4/2014, ông X. và anh T. lập lại hợp đồng chỉ chuyển nhượng thửa đất lúa.
Sau đó, ông X. đi nơi khác làm ăn và hàng năm đều quay về tảo mộ ông bà. Nhiều lần, ông X. yêu cầu anh T. trả lại giấy chứng nhận QSDĐ thửa đất nghĩa địa và muốn tôn tạo lại khu mộ nhưng anh T. không đồng ý với lý do trước đây đã mua luôn thửa đất này.
Từ đó, đôi bên phát sinh tranh chấp và ông X. đã gửi đơn khởi kiện ra tòa yêu cầu anh T. trả lại thửa đất đang chôn cất ông bà cùng giấy chứng nhận QSDĐ.
Anh T. không đồng ý vì khu đất nghĩa địa nói trên đã được ông X. bán cho anh với giá 5 chỉ vàng 24k, thể hiện trong hợp đồng chuyển nhượng ngày 2/8/2010.
Sau khi cán bộ địa chính xã báo đất nghĩa địa không được phép chuyển nhượng thì đôi bên lập lại hợp đồng chuyển nhượng thửa đất lúa vào ngày 3/4/2014.
Riêng phần đất nghĩa địa, ông X. giao lại giấy chứng nhận QSDĐ cho anh T. giữ và đôi bên có thỏa thuận, ông X. để hay di dời 4 ngôi mộ trên đó đều được nhưng không được chôn cất thêm.
Sau khi chuyển nhượng, anh T. đã nhận đất và sử dụng đến nay nên yêu cầu được đứng tên QSDĐ, nếu không chuyển tên được thì anh T. để vậy sử dụng.
Căn cứ vào các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và kết quả thẩm tra, tranh luận tại tòa, HĐXX cấp sơ thẩm và phúc thẩm đều có chung nhận định: Ngày 10/5/2010, giữa ông X. và anh T. có lập biên nhận nhận vàng thể hiện ông X. chuyển nhượng cho anh T. thửa đất lúa với giá hơn 7,4 lượng vàng 24k.
Ngày 2/8/2010, ông X. và anh T. ký hợp đồng chuyển nhượng thửa đất lúa và đất nghĩa địa nhưng không chuyển nhượng được.
Do đó, ngày 3/4/2014, ông X. và anh T. lập lại hợp đồng chỉ chuyển nhượng phần đất lúa.
Như vậy, hợp đồng ngày 3/4/2014 không thể hiện đôi bên có chuyển nhượng thửa đất nghĩa địa và ông X. cũng không thừa nhận đã chuyển nhượng cho anh T. thửa đất này vì đây là đất chôn cất ông bà. Quá trình giải quyết vụ kiện cũng không có tài liệu chứng cứ nào thể hiện ông X. chuyển nhượng phần đất nghĩa địa cho anh T.
Do đó, HĐXX ở cả 2 cấp đều tuyên vô hiệu hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ ngày 2/8/2010 giữa ông X. và anh T. và công nhận cho ông X. được quyền sử dụng phần đất nghĩa địa tranh chấp.
Đồng thời buộc anh T. trả lại cho ông X. giấy chứng nhận QSDĐ thửa đất này. Ông X. được quyền kê khai đăng ký quyền sử dụng đất kèm trích đo bản đồ địa chính khu đất ngày 20/4/2020 của Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh Vĩnh Long.
Riêng 5 chỉ vàng 24K mà anh T. cho rằng đã bỏ ra để chuyển nhượng thửa đất nghĩa địa, do anh T. không yêu cầu ông X. trả lại nên HĐXX không đặt ra xem xét.
Rõ ràng luật đã quy định đất không chuyển nhượng được thì không thể làm khác nhưng đôi bên vẫn đưa nhau ra tòa dẫn đến tình cảm giữa 2 nhà phải rạn nứt một cách đáng tiếc.
DIỄM PHƯỢNG
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin