Cho vay lấy lãi nhưng đôi bên lại lập hợp đồng chuyển nhượng dẫn đến người vay mất trắng tài sản phải kiện ra tòa để đòi lại.
Cho vay lấy lãi nhưng đôi bên lại lập hợp đồng chuyển nhượng dẫn đến người vay mất trắng tài sản phải kiện ra tòa để đòi lại.
Năm 2017, do cần tiền làm ăn nên bà N.T.L. (ở TP Vĩnh Long) vay của anh L.V.T. (ở Long Hồ) 200 triệu đồng, lãi suất 5%/tháng nhưng không làm biên nhận vay tiền mà lập hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất (QSDĐ) thửa 31, diện tích 758,8m2. Ngày 30/9/2017, anh T. ký cam kết thỏa thuận sau 6 tháng không cần đáo hạn mà chỉ làm lại hợp đồng chuyển nhượng mới. Sau khi vay, bà L. vẫn đóng lãi đều đặn cho anh T.
Ngày 31/8/2018, khi ông T.V.Th. (trú cùng địa phương) đến cải tạo thửa đất 31 thì bà L. mới biết anh T. đã sang tên thửa đất này và chuyển nhượng lại cho ông Th. Hiện ông Th. đã được cấp giấy chứng nhận và đứng tên QSDĐ thửa 31. Do đó, bà L. khởi kiện yêu cầu hủy hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ giữa bà với anh T.
Anh T. không đồng ý với lý do ngày 30/9/2017, bà L. lập hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ thửa số 31 với giá 200 triệu đồng. Anh T. đưa trước 100 triệu đồng, sau đó đưa thêm 2 lần, mỗi lần 50 triệu đồng và bà L. đã giao giấy chứng nhận QSDĐ cho anh. Tháng 5/2018, khi anh T. làm thủ tục đăng ký QSDĐ thì được biết tài sản này đang bị Chi cục Thi hành án dân sự TP Vĩnh Long phong tỏa, ngăn chặn không cho chuyển nhượng do liên quan đến vụ tranh chấp khác. Sau đó, anh T. liên hệ Chi cục Thi hành án dân sự TP Vĩnh Long nộp đủ tiền án phí và số tiền bà L. phải thi hành án thì mới làm được thủ tục sang tên.
Tại phiên tòa sơ thẩm, bà L. vẫn giữ nguyên yêu cầu hủy hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ giữa bà với anh T., đồng ý trả 200 triệu đồng vốn vay, tiền lãi theo quy định và tiền anh T. đã nộp thi hành án thay bà. Đối với hợp đồng chuyển nhượng đất giữa anh T. và ông Th. thì 2 bên tự giải quyết.
Sau khi xem xét các chứng cứ có trong hồ sơ vụ án, HĐXX của TAND TP Vĩnh Long đã tuyên vô hiệu hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ ngày 30/9/2017 giữa bà L. với anh T. và vô hiệu hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ ngày 3/10/2018 giữa anh T. với ông Th.
Sau đó, anh T. và ông Th. cùng gửi đơn kháng cáo nhưng không cung cấp thêm tài liệu, chứng cứ nào mới. Do đó, HĐXX cấp phúc thẩm cho rằng: Tại tờ cam kết ngày 30/9/2017 có chữ ký của bà L. và anh T. thể hiện nội dung anh T. cho bà L. mượn 200 triệu đồng trong hợp đồng chuyển nhượng 758,8m2 đất. Sau 6 tháng, không cần đáo hạn số tiền trên mà chỉ làm lại hợp đồng mới.
Như vậy, việc ký kết hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ ngày 30/9/2017 giữa bà L. và anh T. là giả tạo nhằm che giấu giao dịch vay tiền nên hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ ngày 30/9/2017 vô hiệu và hợp đồng vay tiền theo tờ cam kết ngày 30/9/2017 vẫn có hiệu lực theo quy định tại Điều 124 Bộ luật Dân sự. Ngoài ra, chữ ký của anh T. trong tờ cam kết ngày 30/9/2017 đã được Phân viện Khoa học hình sự tại TP Hồ Chí Minh giám định là do cùng một người ký ra. Phía anh T. và ông Th. không cung cấp tài liệu, chứng cứ mới chứng minh cho yêu cầu được đứng tên trên giấy chứng nhận QSDĐ thửa 31 là có cơ sở.
Do đó, HĐXX cấp phúc thẩm giữ nguyên án sơ thẩm và tuyên vô hiệu hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ ngày 30/9/2017 giữa bà L. và anh T. nên dẫn đến vô hiệu hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ ngày 3/10/2018 giữa anh T. với ông Th. Buộc bà L. trả cho anh T. tiền vay 200 triệu đồng, lãi suất hơn 50,3 triệu đồng và tiền anh T. đã nộp thi hành án hơn 82,6 triệu đồng.
Lập hợp đồng giả tạo nhằm che đậy hành vi cho vay là sai nhưng một số người vẫn cố tình thực hiện dẫn đến hợp đồng bị vô hiệu, kéo theo nhiều rắc rối là bài học pháp lý không chỉ dành riêng cho những người trong câu chuyện trên mà còn đáng để nhiều người suy ngẫm.
DIỄM PHƯỢNG
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin