Sụp bẫy chiêu lừa… xưa như Trái đất

06:07, 07/07/2021

Công an tỉnh vừa đưa ra cảnh báo về tình hình tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản công nghệ cao diễn biến phức tạp về số lượng và tính chất, mức độ thiệt hại.

Công an tỉnh vừa đưa ra cảnh báo về tình hình tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản công nghệ cao diễn biến phức tạp về số lượng và tính chất, mức độ thiệt hại.

Đáng nói là có những thủ đoạn… xưa như Trái đất, nhưng vẫn có nhiều người “sụp bẫy” như: giả danh cán bộ công an, viện kiểm sát, tòa án hoặc “hack” tài khoản, làm quen qua mạng xã hội, gần đây xuất hiện thêm thủ đoạn trúng thưởng vàng, giả mạo công ty tài chính, tuyển nhân viên làm tranh đá để lừa đảo.

Trúng thưởng… vàng giả

Với thủ đoạn này, các đối tượng lừa đảo sử dụng mạng xã hội và lập các trang giả mạo thương hiệu, cửa hàng thông báo đang có chương trình khuyến mãi, trúng thưởng, tặng quà tri ân khách hàng và yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân, số tài khoản ngân hàng, hoặc thông báo trúng thưởng xe máy Honda SH, điện thoại iPhone. Khi người dân tin tưởng, đối tượng lừa đảo sẽ yêu cầu chuyển tiền vào tài khoản để làm các thủ tục, chi phí nhận thưởng rồi chiếm đoạt.

Ngoài thủ đoạn này, đối tượng lừa đảo còn lập các trang Facebook giả mạo các tập đoàn kinh doanh vàng thông báo có chương trình “tặng vàng miễn phí” và yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân, địa chỉ “nhận thưởng”. Khi đã điền đầy đủ thông tin, các đối tượng lừa đảo sẽ điện thoại cho người dân thông báo là “một trong những người may mắn trúng thưởng 2 chỉ vàng 9999” hoặc vàng 24K trị giá 10 triệu đồng, kèm theo điều kiện phải đóng thuế giá trị gia tăng 10%, trong đó, “phía công ty sẽ hỗ trợ 6% hoặc 8%”, tương đương 300.000- 400.000đ.

Các đối tượng lừa đảo còn yêu cầu “người trúng thưởng” cung cấp chiều cao, cân nặng để “lựa chọn mẫu trang sức phù hợp” nên họ tưởng thật và làm theo. Khi “con mồi” sụy bẫy, đối tượng lừa đảo tiếp tục đưa ra “cam kết” khoảng 2- 4 ngày sau nhân viên bưu điện sẽ chuyển “phần thưởng” đến tận nhà gồm 1 hộp màu đỏ, bên trong có nhẫn vàng, giấy kiểm định, giấy bảo hành. Khi kiểm tra, người dân mới phát hiện đó là vàng giả.

Giả mạo công ty tài chính

Theo Công an tỉnh, thủ đoạn của loại tội phạm này là tạo các trang Fanpage trên Facebook, Zalo mạo danh các công ty tài chính để quảng cáo cho vay tín chấp từ 5- 7 triệu đồng, lãi suất 0,5%/tháng. Thủ tục, điều kiện vay đơn giản, chỉ cần chụp chứng minh nhân dân, sổ hộ khẩu hoặc bằng lái xe, biên lai điện hàng tháng rồi gửi qua Zalo cho “công ty”.

Khi có được số điện thoại của người dân, các đối tượng lừa đảo sẽ gọi tư vấn và nếu đồng ý vay, một đối tượng khác đóng giả nhân viên bảo hiểm gọi đến tư vấn “các bước tiếp theo”. Cụ thể, “khách hàng” phải đóng khoản phí bảo hiểm vay từ 530.000- 550.000đ. Nhiều người cho rằng, chi phí này “không đáng là bao” nên sẵn sàng làm theo yêu cầu với hy vọng được giải ngân tiền vay sớm.

Tinh vi hơn, các đối tượng lừa đảo sẽ gửi hợp đồng giả qua chuyển phát nhanh để khách hàng ký tên và chuyển lại phí bảo hiểm. Các đơn vị chuyển phát nhanh sẽ tập hợp tiền từ các đơn hàng thành công và chuyển lại cho các đối tượng lừa đảo. Tuy nhiên, khi nhận được tiền thì các đối tượng này sẽ chặn điện thoại, Zalo của “khách hàng”.

Bên cạnh đó, công an còn phát hiện thủ đoạn lừa đảo bằng hình thức tuyển lao động làm tranh đính đá. Đánh vào tâm lý muốn tìm được việc làm ổn định tại nhà, nhất là lao động nhàn rỗi, phụ nữ nông thôn, các đối tượng lừa đảo sẽ đưa ra mức thu nhập lý tưởng để đưa “con mồi” vào bẫy.

Với thủ đoạn này, các đối tượng lừa đảo sẽ mua tranh và nguyên liệu gửi đến người dân và yêu cầu họ phải đặt cọc từ 350.000- 420.000đ mỗi bức tranh tùy theo kích cỡ. Đồng thời, cam kết sẽ thu lại tranh thành phẩm với giá từ 650.000- 750.000đ. Khi nhận được tiền đặt cọc, đối tượng lừa đảo sẽ cắt đứt liên lạc, còn nạn nhân chỉ biết “ôm cục tức” và lấy đó làm bài học để không bị lừa lần nữa.

Đối với hành vi lừa đảo này, Công an tỉnh khuyến cáo người dân khi mua hàng qua mạng cần kiểm tra kỹ thông tin hàng hóa, danh tính người bán và nên lựa chọn những địa chỉ uy tín, hình thức thanh toán minh bạch. Người dân không nên chuyển tiền đặt cọc để mua hàng khi không nắm rõ thông tin, danh tính, địa chỉ người bán. Và để tránh rủi ro, người dân nên trực tiếp đến cửa hàng, kiểm tra hàng hóa trước khi quyết định có mua hay không.

TRUNG HƯNG

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh