Những năm gần đây, hoạt động của tội phạm mua bán người, đặc biệt là trên các tuyến biên giới diễn biến phức tạp. Các đối tượng phạm tội không từ bất cứ thủ đoạn nào để lừa bán nạn nhân nhằm thu lợi bất chính.
(VLO) Những năm gần đây, hoạt động của tội phạm mua bán người, đặc biệt là trên các tuyến biên giới diễn biến phức tạp. Các đối tượng phạm tội không từ bất cứ thủ đoạn nào để lừa bán nạn nhân nhằm thu lợi bất chính.
Do vậy, vấn đề phòng ngừa, đấu tranh được các địa phương, lực lượng chức năng đặt ra trước tiên để từng bước ngăn chặn tội phạm, hạn chế nạn nhân “sụp bẫy”.
Nạn nhân là phụ nữ, trẻ em chiếm đa số
Trong những năm qua, tội phạm mua bán người đã trở thành một vấn nạn toàn cầu và được Liên Hợp Quốc xác định là 1 trong 4 loại tội phạm nguy hiểm nhất.
Hiệp hội Tư lệnh Cảnh sát các nước Đông Nam Á (ASEANAPOL) cũng xác định mua bán người là 1 trong 10 lĩnh vực ưu tiên cần tập trung đấu tranh.
Qua điều tra, Bộ Công an xác định nạn nhân của tội phạm mua bán người chủ yếu là phụ nữ và trẻ em ở các vùng nông thôn, dân tộc thiểu số, có trình độ hạn chế, hoàn cảnh khó khăn.
Những người này bị lừa bán qua các tuyến biên giới hoặc tổ chức xuất cảnh trái phép để lao động thời vụ, sau đó lừa bán để cưỡng bức lao động, ép bán dâm. Các hoạt động này đều diễn ra ở nước ngoài nên rất khó điều tra, xử lý.
ASEANAPOL nhận định, trong bối cảnh đại dịch COVID-19 bùng phát trên phạm vi toàn cầu, nhiều nước phải áp dụng các biện pháp hạn chế đi lại, tuy nhiên, tình hình tội phạm mua bán người không giảm đi mà còn có xu hướng phức tạp hơn.
Trong khi các quốc gia trên thế giới đang tích cực giảm thiểu tác động của dịch bệnh đối với đời sống kinh tế- xã hội thì các đường dây tội phạm mua bán người có tổ chức đã lợi dụng những khó khăn của người dân và tận dụng các phương tiện công nghệ thông tin để thực hiện các hoạt động mua bán người xuyên quốc gia.
Theo báo cáo của Bộ Công an, giai đoạn 2012- 2020, cơ quan điều tra đã nhận được 1.162 tin báo, tố giác và kiến nghị khởi tố liên quan đến tội phạm mua bán người đều đã xác minh, xử lý.
Cũng trong giai đoạn này, đã điều tra, truy tố, xét xử hơn 1.400 vụ với 2.500 bị can phạm tội mua bán người.
Riêng 6 tháng đầu năm 2021, cả nước phát hiện 29 vụ với 43 đối tượng phạm tội mua bán người, giải cứu 56 nạn nhân.
Về hỗ trợ nạn nhân bị mua bán, theo Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội, đến nay, cả nước có 425 cơ sở trợ giúp xã hội, trong đó 195 cơ sở công lập và 230 cơ sở ngoài công lập thuộc các loại hình cơ sở trợ giúp xã hội. Từ năm 2011- 2020 đã tổ chức tiếp nhận, hỗ trợ cho hơn 7.300 nạn nhân.
Tất cả nạn nhân bị mua bán, sau khi tiếp nhận, được lực lượng công an, bộ đội biên phòng, chính quyền địa phương phối hợp bảo vệ, thực hiện dịch vụ hỗ trợ học nghề, việc làm, trợ giúp pháp lý để họ nhanh chóng tái hòa nhập cộng đồng.
Phòng ngừa, đấu tranh tội phạm mua bán người
Nhằm tạo chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, ý thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành, các tầng lớp nhân dân và khắc phục những nguyên nhân, điều kiện làm nảy sinh tội phạm, giảm nguy cơ mua bán người, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 193/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình phòng chống mua bán người giai đoạn 2021- 2025, định hướng đến năm 2030.
Quyết định này hướng tới mục tiêu đẩy mạnh truyền thông nâng cao nhận thức cho cá nhân, gia đình và cộng đồng về công tác phòng chống mua bán người, ưu tiên các nhóm nguy cơ cao, đặc biệt là ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Bảo đảm 100% tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố liên quan đến mua bán người được tiếp nhận, phân loại, tỷ lệ giải quyết đạt trên 90%.
Song song đó, Quyết định 193 còn đặt mục tiêu các vụ việc có dấu hiệu tội phạm mua bán người phải được thụ lý điều tra, xác minh, khi có đủ căn cứ phải khởi tố vụ án hình sự để điều tra theo đúng quy định của pháp luật.
Công tác điều tra, truy tố, xét xử tội phạm mua bán người bảo đảm đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không để xảy ra oan sai, bỏ lọt tội phạm.
Tỷ lệ điều tra, khám phá các vụ án mua bán người đạt trên 90% tổng số án khởi tố. 95% số vụ án mua bán người hàng năm được giải quyết và truy tố. 90% số vụ án mua bán người hàng năm được giải quyết, xét xử.
Bảo đảm nạn nhân được tiếp nhận, xác minh, giải cứu, bảo vệ và hỗ trợ kịp thời, hiệu quả theo nguyên tắc lấy nạn nhân làm trung tâm.
Thực hiện quyết định này, UBND tỉnh Vĩnh Long ban hành kế hoạch thực hiện trên địa bàn. Theo đó, chỉ đạo ngành công an tổ chức nắm tình hình, điều tra cơ bản, triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ, chú ý tập trung vào các tuyến quốc lộ, địa bàn trọng điểm có đông đồng bào dân tộc ít người, vùng nông thôn, trình độ dân trí thấp, vùng có đông người không nghề nghiệp hoặc nghề nghiệp không ổn định, các nhóm đối tượng trọng điểm có sự bất minh về kinh tế, các đối tượng làm nghề môi giới xuất khẩu lao động, du học, du lịch, kết hôn với người nước ngoài,… nhằm phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn các hành vi vi phạm, tái phạm có liên quan đến tội phạm mua bán người và các loại tội phạm khác.
Tăng cường quản lý nhà nước về công tác nhận con nuôi, kết hôn có yếu tố nước ngoài, môi giới, tổ chức đưa người Việt Nam ra nước ngoài làm việc, học tập, du lịch và các ngành nghề kinh doanh có điều kiện khác nhằm kịp thời phát hiện vụ việc mua bán người trong lĩnh vực này.
Theo Công an tỉnh, kế hoạch tấn công, trấn áp tội phạm mua bán người cũng đã được xây dựng và triển khai quyết liệt.
Bên cạnh các biện pháp nghiệp vụ, lực lượng công an tập trung công tác phòng ngừa xã hội bằng các hoạt động phối hợp với các ngành, các cấp lựa chọn địa bàn, đối tượng có nguy cơ cao để tổ chức hoạt động tuyên truyền kỹ năng phòng ngừa tội phạm, ưu tiên địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, nơi có nhiều phụ nữ, trẻ em vắng mặt lâu ngày không rõ lý do.
Đồng thời, duy trì các hộp thư, đường dây nóng để người dân cung cấp thông tin tố giác tội phạm.
Tại tỉnh Vĩnh Long, theo báo cáo của Công an tỉnh thì thời gian qua chưa phát hiện tội phạm mua bán người. 6 tháng đầu năm 2021, cơ quan điều tra cũng không tiếp nhận đơn thư, tin báo tố giác liên quan đến loại tội phạm này. |
QUANG VINH
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin