Quản lý chặt người chưa đủ tuổi đi xe máy

05:06, 02/06/2021

Thời gian gần đây, trên cả nước đã xảy ra một số vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng liên quan đến thanh- thiếu niên điều khiển phương tiện khi chưa đủ tuổi và không có giấy phép lái xe.

 

Cảnh sát giao thông tăng cường kiểm tra người tham gia giao thông bằng xe máy.
Cảnh sát giao thông tăng cường kiểm tra người tham gia giao thông bằng xe máy.

(VLO) Thời gian gần đây, trên cả nước đã xảy ra một số vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng liên quan đến thanh- thiếu niên điều khiển phương tiện khi chưa đủ tuổi và không có giấy phép lái xe. Từ đó, Ủy ban An toàn giao thông (ATGT) quốc gia có công văn đề nghị các địa phương tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm vi phạm trật tự ATGT của người điều khiển mô tô, xe máy, xe đạp điện.

Kiểm tra chặt người đi xe máy

Ủy ban ATGT quốc gia yêu cầu: “Lực lượng chức năng của địa phương tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, phát hiện xử lý nghiêm vi phạm trật tự ATGT của người tham gia giao thông bằng mô tô, xe máy, xe đạp điện, trong đó chú trọng vào đối tượng là thanh- thiếu niên với các hành vi vi phạm như: điều khiển phương tiện khi chưa đủ tuổi, không có giấy phép lái xe phù hợp với loại xe, không đội nón bảo hiểm và các vi phạm tương tự khác; tập trung xử lý trách nhiệm của cá nhân giao mô tô, xe gắn máy cho trẻ em điều khiển khi chưa đủ tuổi, chưa có giấy phép lái xe phù hợp; tăng cường cung cấp thông tin về học sinh vi phạm quy định pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông cho các cơ sở giáo dục để phối hợp giáo dục và xử lý.

Các cơ sở giáo dục, các trường học trên địa bàn phối hợp với cha mẹ học sinh thường xuyên nhắc nhở, giáo dục con em mình tự giác chấp hành quy tắc giao thông, đội nón bảo hiểm khi ngồi trên mô tô, xe gắn máy, không điều khiển xe mô tô, xe gắn máy khi chưa đủ tuổi hoặc không có giấy phép lái xe phù hợp; phối hợp với các cơ quan đơn vị liên quan tăng cường tổ chức tuyên truyền và hướng dẫn học sinh kỹ năng tham gia giao thông an toàn với xe máy điện, xe đạp điện, xe đạp.

Người đứng đầu cơ sở giáo dục phổ thông yêu cầu cha mẹ học sinh ký và thực hiện cam kết với nhà trường về việc bảo đảm ATGT cho con, em mình; không giao mô tô, xe gắn máy cho con, em mình điều khiển khi chưa đủ tuổi hoặc khi chưa có giấy phép lái xe phù hợp; cha, mẹ và gia đình có trách nhiệm phổ biến kiến thức pháp luật, hướng dẫn kỹ năng lái xe an toàn trước khi cho phép con, em mình điều khiển xe gắn máy, xe đạp điện.

Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp Thanh niên tỉnh phát huy vai trò, trách nhiệm của các tổ chức Đoàn, Hội, Đội trong các nhà trường trong việc giữ gìn trật tự, ATGT; đẩy mạnh cuộc vận động “Học sinh, sinh viên với văn hóa giao thông”; thực hiện “Đã uống rượu, bia- Không lái xe”; tăng cường phối hợp tổ chức các hoạt động giúp thanh- thiếu niên hoàn thiện các kỹ năng tham gia giao thông an toàn; cách lựa chọn và sử dụng nón bảo hiểm có chất lượng và đúng quy định; cách nhận diện và phòng tránh các tình huống có nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông”.

Không giao xe cho người không đủ điều kiện

Luật Giao thông đường bộ quy định về độ tuổi của điều khiển xe máy, mô tô tham gia giao thông: Người đủ 16 tuổi trở lên được lái xe gắn máy có dung tích xi-lanh dưới 50cm3; Người đủ 18 tuổi trở lên được lái mô tô 2 bánh, mô tô 3 bánh có dung tích xi-lanh từ 50cm3 trở lên và các loại xe có kết cấu tương tự.

Người lái xe tham gia giao thông phải đủ độ tuổi, sức khỏe quy định tại Điều 60 của luật này và có giấy phép lái xe phù hợp với loại xe được phép điều khiển do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp.

Như vậy, người không đủ tuổi theo luật định, người không giấy phép lái xe (kể cả người bị tước giấy phép lái xe), người say rượu, người có chất kích thích, chất ma túy trong máu là những người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện cơ giới đường bộ tham gia giao thông.

Người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện cơ giới tham gia giao thông đường bộ sẽ bị xử phạt vi phạm theo quy định.

Đối với trường hợp người giao phương tiện (kể cả người thân là anh chị, cha mẹ, ông bà...) cho người không đủ điều kiện điều khiển tham gia giao thông đường bộ cũng bị xử phạt vi phạm hành chính. Trường hợp người điều khiển phương tiện gây tai nạn, tùy mức độ thiệt hại, người giao phương tiện cũng phải chịu trách nhiệm hình sự.

Như vậy, khi giao xe cho người khác điều khiển, cần phải biết chắc chắn người đó có giấy phép lái xe, không có chất kích thích trong người. Đối với người trong gia đình, khi giao xe cho con phải đủ tuổi điều khiển xe máy và xe máy điện (dưới 4kW), giao mô tô khi con đã được cấp giấy phép lái xe.

- Điểm đ khoản 5 Điều 30 Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định:

Phạt tiền từ 800.000- 2.000.000đ đối với cá nhân, từ 1,6- 4 triệu đồng đối với tổ chức là chủ mô tô, xe gắn máy giao xe hoặc để cho người không đủ điều kiện theo quy định tại khoản 1 Điều 58 của Luật Giao thông đường bộ điều khiển xe tham gia giao thông.

- Điều 264 Bộ Luật Hình sự quy định: Người nào giao cho người mà biết rõ người đó không có giấy phép lái xe hoặc đang trong tình trạng có sử dụng rượu, bia mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá quy định, có sử dụng chất ma túy; chất kích thích mạnh khác hoặc không đủ các điều kiện theo quy định của pháp luật điều khiển phương tiện tham gia giao thông gây thiệt hại cho người khác thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 10- 50 triệu đồng hoặc cải tạo không giam giữ đến 3 năm.

Bên cạnh đó còn liên đới bồi thường trách nhiệm dân sự.

 

Bài, ảnh: NGUYÊN HẠNH

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh